Lịch sử phát triển của khoa học quy hoạch du lịch

Ngành du lịch trên thế giới xuất hiện cùng với sự phát triển của ngành thủ công nghiệp, ngành thương mại, và những sinh hoạt tôn giáo trên thế giới.

Nhưng công trình khoa học về quy hoạch du lịch, chỉ mới xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX, và nở rộ cùng với xu hướng kế hoạch hóa, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, và phát triển của ngành du lịch từ những năm 30 của thế kỷ XX.

Quy hoạch du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, có tác động mạnh mẽ tới phát triển du lịch của mỗi địa phương và mỗi quốc gia.

Vì vậy, cho đến nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu tổng quan những lý luận về quy hoạch du lịch, cũng như những quy hoạch du lịch cụ thể.

1. Quy hoạch du lịch trên thế giới.

Bao gồm thời kỳ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX; Thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới; Giai đoạn từ sau chiến tranh đến nay.

1.1 Thời kỳ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.

Những công trình quy hoạch du lịch đầu tiên trên thế giới, chủ yếu là các dự án quy hoạch du lịch biển và du lịch vùng núi, đối tượng khách đến du lịch đều thuộc giai cấp thượng lưu.

Ở nước Anh năm 1835, trạm nghỉ biển vùng Brighton đã đi vào hoạt động, và đã đón nhận 117,000 khách đi đến bằng xe ngựa. Nhưng đến năm 1862, nhờ có tàu hỏa mà trạm này đã đón được 132,000 khách trong vòng một tháng.

Đường sắt có vai trò lớn tới việc lựa chọn vùng lãnh thổ quy hoạch du lịch và phát triển du lịch. Bắt đầu từ thời kỳ 1860 đến 1870, dọc bờ biển Azure (Pháp) và dọc bờ Riviera (Italia) thuộc biển Địa Trung Hải, có nhiều dự án quy hoạch các trạm nghỉ dọc tuyến đường sắt và gần các ga.

Từ năm 1880, các trạm nghỉ tắm biển bắt đầu được quy hoạch và phát triển ở các nước Hoa Kỳ, Nga, Hy Lạp, Nam Tư, Ai Cập, Jamaica, Mexico,… Bên cạnh những dự án quy hoạch các trạm nghỉ biển, nhiều nước phát triển ở Châu Âu và Hoa Kỳ, cũng có nhiều dự án quy hoạch du lịch các vùng núi có phong cảnh đẹp và tài nguyên du lịch thuận lợi.

Có đường xe lửa chạy qua bắt đầu phát triển các ngành nghề chuyên môn hóa mới: những trạm nghỉ có những suối nước khoáng nóng (Badgastein ở Áo; Bad Reichenhall ở Đức; Saint Moritz ở Thụy Sĩ; Cauterets Luchon và Le Mont Dore và Saint Gervais ở Pháp).

Các trạm nghỉ dưỡng trên cơ sở khí hậu mát mẻ trong lành (Davos và Crans Montana và Leysin ở Thụy Sĩ); thể thao leo núi (Cortina và Courmayeur ở Italia; Zermatt et Grindelwald ở Thụy Six; Garmisch ở Đức; Chamonix et Pralognan ở Pháp); nơi nghỉ mát, ăn chơi của giới thượng lưu (Kitzbuhel Gstaad; Villars;…).

Những dự án quy hoạch du lịch trong thời kỳ cuối thế kỷ XIX, đến những năm đầu của thế kỷ XX, có những đặc điểm chung như: đáp ứng nhu cầu du lịch của giai cấp thượng lưu, ít quan tâm đến mục tiêu kinh tế, mục tiêu xã hội, chọn vị trí quy hoạch các trạm du lịch ở những nơi có phong cảnh đẹp,…

Như các bán đảo, các dải ven biển, các vịnh biển có thể quan sát cả một vùng rộng lớn, các vùng núi có khí hậu mát mẻ về mùa hè, có băng tuyết về mùa đông, hoặc có suối nước khoáng như vùng núi Anpơ.

Quy mô của các dự án thường không lớn. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng, cũng như khách sạn, nhà hàng, các cơ sở vui chơi giải trí hài hòa với cảnh quan, mật độ xây dựng thưa, độ cao các công trình thường từ một đến hai tầng.

Chú trọng đến việc quy hoạch cảnh trí, bảo vệ phong cảnh đẹp. Các loại hình du lịch phát triển chủ yếu là nghỉ dưỡng tắm biển, nghỉ dưỡng suối khoáng, nghỉ dưỡng trên cơ sở khí hậu, du lịch thể thao (leo núi, đua ngựa, trượt băng tuyết).

Các dự án quy hoạch thường không có sự kiểm soát và hạn chế, không có sự tham gia của cộng đồng, và không có sự can thiệp của Nhà nước. Trong thời gian này, có rất nhiều những công trình khoa học tổng quan về những lý luận quy hoạch du lịch.

Đáng kể nhất là tác phẩm Luận Thuyết Về Giai Cấp Của Sự Giải Trí của tác giả Thons Tein Beblen (1859) bàn về nhu cầu và những đặc điểm chủ yếu của các dự án quy hoạch, các trạm nghỉ trong giai đoạn này.

1.2 Thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới.

Trong giai đoạn 1920 đến 1940, tình hình phát triển kinh tế xã hội trên thế giới có nhiều biến động, nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra ở nhiều nước. Các nước trên thế giới trong thời gian này, có xu hướng kế hoạch hóa và quy hoạch hóa.

Nhiều dự án quy hoạch vùng kinh tế được tiến hành ở một số quốc gia, nhiều công trình khoa học đúc kết những lý luận về tổ chức lãnh thổ sản xuất, và quy hoạch vùng được các nhà khoa học tiến hành.

Hơn nữa, trong giai đoạn này, cuộc Cách Mạng Dân Chủ trên thế giới cũng phát triển mạnh mẽ hơn, một số luật pháp, các nghị định xã hội đã được thông qua, như Thỏa ước quốc tế về quyền nghỉ phép có lương được ký kết năm 1936.

Đồng thời, thu nhập và đời sống của người lao động cũng đã tăng lên. Vì vậy, hoạt động du lịch trong giai đoạn từ năm 1920 đến 1940, cũng xuất hiện nhiều dự án quy hoạch và những công trình về lý luận quy hoạch du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới, như các dự án quy hoạch trạm nghỉ trên biển.

Dự án quy hoạch thành phố giải trí, như trạm nghỉ tắm biển Cabour ở tỉnh Cean của Pháp, trạm Knokke Zoute của Bỉ, trạm Zandvoort của Hà Lan, các trạm Sanborough và Bournemouth của Anh, Viarregio và Rimimi của Italia,…

Những dự án quy hoạch các trạm nghỉ trên núi, được quy hoạch trong giai đoạn này như trạm Megere do bà Nam Tước De Rothschild khởi xướng, quy hoạch hợp lý cho phát triển du lịch mùa đông (1927 – 1937); Sevinia và Sestrieres của Italia, La Monlina ở Catalogne của Tây Ban Nha; Alpe d’Huez và Vai d’sere và Merobel và Le Revard ở Pháp.

Những dự án quy hoạch phát triển du lịch này, quan tâm đến việc trang trí, bố trí thiết bị hợp lý, xây dựng nhà cao tầng để dành mặt bằng tối đa cho phát triển du lịch thể thao mùa đông.

Những công trình lý luận về quy hoạch vùng. Trong đó, có quan tâm tới quy hoạch du lịch trong giai đoạn này như ở Anh có Báo cáo của Ủy ban Bác-Lâu (1939) đã vạch ra những biện pháp, để điều chỉnh sự phân bố công nghiệp, phân bố các trạm nghỉ dưỡng, phát triển thành phố và việc tạo ra các vành đai xanh.

Năm 1943, dưới sự lãnh đạo của Abercrombie, quy hoạch vùng Luân Đôn đã được dự thảo. Sau đó, là phác thảo quy hoạch các vùng Tây Millen, thung lũng Kaido, Mecaido,…

Năm 1929, ở Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Adams, quy hoạch cụm thành phố tập trung New York đã được thảo luận và được Hội Quy Hoạch vùng New York chỉnh lại. Sau đó, nhiều vùng khác của Hoa Kỳ như Philadelphia, Chicago,… Ở Liên Xô, các dự án quy hoạch du lịch được thực hiện ở miền Nam Crưm (1932 – 1937), miền nước khoáng Kapkazơ (1937 – 1938).

Ở nhiều nước thuộc địa, trong giai đoạn 1920 – 1940 nhiều vùng có phong cảnh đẹp, cũng được chính quyền thuộc địa cho quy hoạch và tổ chức, quản lý và thực hiện quy hoạch như Neitan, Shimla, Detailing, Goa ở Ấn Độ; Đà Lạt, Tam Đảo, Sapa, Sầm Sơn ở Việt Nam; Bacbadot, Mauritius,…

Đặc điểm của các dự án quy hoạch du lịch và các công trình về lý luận quy hoạch trong giai đoạn này, về cơ bản là tìm phương pháp quy hoạch kiến trúc, mỹ thuật, và một số phương pháp kỹ thuật để giải quyết vấn đề.

Quy mô các dự án quy hoạch đã lớn hơn giai đoạn trước, được các cộng đồng địa phương tạo xung lực, và làm chủ về độ cao, có cơ sở thiết bị phục vụ nghỉ dưỡng đa dạng và hiện đại hơn (các bãi trượt băng, sân trượt băng, các cầu nhảy, các sông băng, rạp hát, các sân thể thao,…).

Tính mùa vụ đã được khắc phục do triển khai mùa du lịch kép, các dự án quy hoạch được tiến hành theo hướng quy hoạch dự tính đầu tư xây dựng, và phục vụ từ sớm. Thành phần khách du lịch đa dạng, bao gồm cả giai cấp thượng lưu và đại chúng.

Những dự án quy hoạch du lịch và những công trình lý luận về quy hoạch du lịch, quy hoạch vùng kinh tế xã hội được coi là những trải nghiệm, để vận dụng rộng rãi vào lĩnh vực này, sau chiến tranh ở nhiều nước.

1.3 Giai đoạn từ sau chiến tranh đến nay.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc Cách Mạng Khoa Học Kỹ Thuật trên thế giới phát triển mạnh mẽ, đồng thời nền kinh tế xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới trong giai đoạn này phát triển tốc độ nhanh, đời sống người dân được cải thiện, nên du lịch ngày càng phát triển, trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của nhiều quốc gia.

Vì thế, sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, có nhiều dự án quy hoạch của các quốc gia được thực hiện, nhiều công trình nghiên cứu tổng kết những lý luận về tổ chức lãnh thổ du lịch, và quy hoạch du lịch được công bố.

Trong thời gian này, hầu hết các quốc gia có các nguồn lực để phát triển du lịch, đều tiến hành quy hoạch du lịch ở các cấp độ khác nhau. Trong đó, có các dự án tiêu biểu. Trạm du lịch ven biển ở Thụy Sĩ bắt đầu từ năm 1950, với những nhà nghỉ tư nhân nhỏ bé đón được 1000 khách du lịch mỗi năm. Đến năm 1975, đã đón gần 20,000 khách du lịch, dự án này không có sự can thiệp của Nhà nước.

Dự án quy hoạch trạm Courchevel của Pháp là dự án quy hoạch có sự can thiệp của Hội đồng vùng, và được xây dựng bởi nhóm chuyên gia (Kiến trúc sư Laurent Chappis và kỹ sư Morice Michaud) có sự vận dụng những lý luận quy hoạch mới, như:

Sự thâm nhập lẫn nhau giữa đô thị hóa với xây dựng cơ sở vật chất vui chơi giải trí. Sự xen kẽ giữa các nhà nghỉ tư nhân và các thiết bị phục vụ mục đích thương mại quan hệ, giữa các cơ quan công ích với các nhà thầu.

Vì vậy, dự án đạt được nhiều thành công, đến những năm 80 của thế kỷ XX, trạm Courchevel đã có đến gần 25,000 giường. Sau khi dự án được quy hoạch và đi vào hoạt động ở Pháp.

Mô hình quy hoạch kiểu trạm này, được vận dụng ở nhiều quốc gia khác nhau như: các trạm Meribel Aes Allues, Serre Chavallier, Les Deux Anpơ, Flaine ở Pháp; Anzere Aminora ở Thụy Sĩ; Squaw Valley, Lake Placid ở Hoa Kỳ; Sapporo ở Nhật Bản; Portillo ở Chile; On Kaimedden ở MaRoc; Les Cedres ở Liban;…

Ngoài ra, còn nhiều dự án quy hoạch có áp dụng những thành công và tổng quan lý luận của trạm Courchevel ở Pháp, được thực hiện ở các nước Italia, Tây Ban Nha, Nam Tư, Iran, Bulgaria, Canada, Trung Quốc,…

Từ thành công và tổng quan lý luận quy hoạch du lịch của dự án quy hoạch Courchevel, Nhà nước Pháp đã quyết định trực tiếp can thiệp vào ba kế hoạch dài hạn phát triển du lịch từ 1948 – 1960 và 1960 – 1970 và 1970 – 1980, dùng công cụ tài chính để biến vùng núi của Pháp trở thành cái bẫy ngoại tệ.

Ngoài ra ở Pháp, các nhóm chuyên gia và Ủy ban Liên bộ về Quy hoạch du lịch đã tiến hành lập và thực hiện nhiều kế hoạch, và chương trình phát triển du lịch, trong khuôn khổ các vùng lãnh thổ như báo cáo của nhóm công tác kế hoạch lần VI, về “Quy hoạch các khu vực nông thôn”.

Với việc khuyến khích một số hoạt động, bảo tồn ruộng đất, phát triển các dịch vụ lưu trú và hoạt động vui chơi giải trí, tạo thêm các diện tích mặt nước. Hay báo cáo của nhóm công tác Du Lịch và Giải Trí thuộc kế hoạch lần thứ VII (1980 – 1984).

Đã đề xuất một chương trình hành động “Làm tăng giá trị các khu vực nông thôn, gồm nhiều biện pháp, nhằm xây dựng các pháp chế, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, đa dạng hóa nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch ở khu vực nông thôn Pháp”.

Những nước đứng hàng đầu trên thế giới về các chỉ số phát triển du lịch, là những nước coi trọng và đầu tư cao cho việc xây dựng thực hiện quy hoạch như Hoa Kỳ, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Italia, Canada,…

Ở các nước đứng hàng đầu về số lượng khách du lịch và thu nhập từ du lịch. Cũng là những nước có nhiều công trình lý luận về quy hoạch du lịch, như: các công trình nghiên cứu của Pháp về Cơ Hội Phát Triển Du Lịch của Văn Phòng Tổng Kiến Trúc Sư Trưởng về du lịch, Paris, 1975; Du Lịch Ở Khu Vực Nông Thôn của Farcry (H. Le) và Gunn, Burg (Ph. De), 1976; Quy Hoạch Du Lịch của Georges Cazes Robert Lanquar, Yves Raynouard, 1998,…

Các nhà khoa học của Hoa Kỳ có các công trình Tổ Chức Các Vùng Du Lịch của Gunn (CI. A.), 1972; Quy Hoạch Du Lịch của Cranne Russak, 1979; Quy Hoạch và Phát Triển Du Lịch của Kaiser và Helber (L.E.),1978; hay Du Lịch và Sự Phát Triển Sáng Tạo của Lawson (F.) và Baud Bovy (M.),1977;…

Các tác giả của các công trình trên, thường tổng quan và trình bày về: tính cấp thiết của của quy hoạch du lịch, lịch sử quy hoạch trên thế giới, các phương pháp tiến hành quy hoạch, thực trạng về các loại hình quy hoạch trên thế giới, và những bài học kinh nghiệm về quy hoạch du lịch.

Đối với các nước Xã Hội Chủ Nghĩa, từ sau chiến tranh thế giới thứ hai cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, du lịch chưa được coi là một ngành kinh tế thực sự và hoạt động trong cơ chế tập trung và bao cấp.

Từ năm 1990 trở lại đây, tình hình kinh tế và chính trị xã hội của các nước này, lại luôn có những biến động, chưa phát triển ổn định. Vì vậy, từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, ở các nước Xã Hội Chủ Nghĩa trước đây, quy hoạch du lịch thường chỉ là quy hoạch vùng giải trí, nằm trong khuôn khổ quy hoạch vùng kinh tế xã hội.

Các dự án quy hoạch du lịch ở các nước Xã Hội Chủ Nghĩa trước đây, thường mang tính chỉ thị, mệnh lệnh, không có sự tham gia của cộng đồng địa phương, không quan tâm đến quy hoạch cảnh trí, bước tổ chức và thực hiện, kiểm soát và thống kê, nghiên cứu và bổ sung thường không được coi trọng, nên hiệu quả của các dự án quy hoạch thường không cao.

Ở các nước Xã Hội Chủ Nghĩa có một số dự án quy hoạch du lịch tiêu biểu như: Quy hoạch phát triển du lịch nước khoáng nóng ở Hungary đã tiến hành kiểm kê hơn 2,240 điểm nước khoáng nóng, nhằm phát triển du lịch chữa bệnh nghỉ dưỡng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, giảm tính mùa vụ, kéo giãn thời gian lưu trú và kích thích phát triển kinh tế xã hội ở những vùng kém phát triển.

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của Ba Lan giai đoạn 1974 – 1990; Quy hoạch biển Yalta của Liên Xô; Quy hoạch vùng biển Chotchi của Bulgaria và Romania, với các trạm Olimp – Neptune, Jupiter, Aurora, Venus và Saturn,… Các dự án này, được xây dựng và báo cáo bởi các Cao ủy đoàn về quy hoạch lãnh thổ và các Tiểu ban liên bộ về quy hoạch.

Ở các nước Xã Hội Chủ Nghĩa trước đây, rất hiếm các công trình nghiên cứu tổng quan các vấn đề lý luận và thực hiện quy hoạch du lịch, mà chủ yếu là các công trình nghiên cứu các lý luận về phân vùng du lịch nghỉ dưỡng.

Kiểm kê đánh giá tài nguyên quy hoạch vùng kinh tế xã hội như các công trình của các nhà địa lý Liên Xô V.X. Taux Kat (1969) Nghiên cứu các chỉ tiêu trên đánh giá, phục vụ mục đích quy hoạch du lịch; M.G Bojc Đánh giá các điều kiện nghỉ dưỡng; Iu.A Vedenhin và N.N Mirosnhitrenco, Đánh gái toàn bộ các yếu tố tự nhiên nhằm mục đích để tổ chức các vùng du lịch nghỉ dưỡng;

E.A Kotliarov (1978) Tiến hành đánh giá lãnh thổ, đưa ra những khái niệm về vùng du lịch nhằm hình thành và phát triển các tổng thể lãnh thổ du lịch; Pirogionic (1985) đã tổng quan những lý luận về địa lý du lịch, tiến hành phân vùng du lịch toàn bộ lãnh thổ Liên Xô trên cơ sở, đánh giá tổng hợp các thành phần của hệ thống lãnh thổ du lịch.

E.N Pertxik đã tiến hành tổng quan những vấn đề về cơ sở khoa học của quy hoạch vùng, nội dung của công trình khoa học này, có thể vận dụng trong quy hoạch du lịch được hay không?

Các nhà khoa học của các nước Xã Hội Chủ Nghĩa khác cũng có một số các công trình về quy hoạch du lịch như M. Klaus (Cộng Hòa Dân Chủ Đức) đã đánh giá các điều kiện tự nhiên, và xây dựng dự án quy hoạch các trung tâm nghỉ dưỡng; J. Va Chin Xkai A (Ba Lan) đã xây dựng mô hình đánh giá tài nguyên tự nhiên cho mục đích du lịch.

Từ năm 1970 đến nay, ở nhiều nước đang phát triển, du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, việc quy hoạch du lịch được quan tâm nhiều hơn. Nhờ sự giúp đỡ về các chuyên gia, về cơ sở lý luận, mô hình quy hoạch, nguồn tài chính của các nước phát triển, nên nhiều nước đang phát triển đã tiến hành xây dựng, và thực hiện các quy hoạch tổng thể phát triển du lịch.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, do việc áp dụng mô hình, các quy trình của các nước phát triển vào các nước đang phát triển. Do những đặc điểm, điều kiện thực hiện, nên kết quả của một số dự án quy hoạch còn hạn chế.

Đặc biệt từ năm 1980 đến nay, ở Trung Quốc và các nước đang phát triển du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, những vùng lãnh thổ có tài nguyên du lịch và các nguồn lực phát triển du lịch đều được tiến hành quy hoạch theo định hướng phát triển bền vững, nhiều dự án quy hoạch của các nước mang lại hiệu quả cao về nhiều mặt, như ở Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nepal, Mauritius, Maldives,…

Đặc biệt, ở Trung Quốc do chính sách coi trọng việc phát triển du lịch. Do nền kinh tế có mức tăng trưởng nhanh, có nhiều nguồn lực thuận lợi cho phát triển du lịch, cùng với việc đầu tư cho việc lập và thực hiện quy hoạch, nên từ năm 2003 đến nay, Trung Quốc đã có số lượng khách quốc tế đến đứng thứ ba thế giới và thu nhập từ du lịch đứng thứ tư thế giới.

Trong giai đoạn này, ở Trung Quốc có nhiều công trình lý luận về quy hoạch du lịch của các nhà khoa học như: Phát triển và quản lý du lịch địa phương của Ngô Tất Hổ, NXB Khoa Học Bắc Kinh (2000) đã tổng quan những lý luận về quy hoạch du lịch và quản lý du lịch; Hệ thống chỉ tiêu quy hoạch của Ngô Vi Dân (1979);…

2. Quy hoạch du lịch ở Việt Nam

Từ những năm đầu của thế kỷ XX, các nhà địa lý và kiến trúc người Pháp, đã điền dã khảo sát và quy hoạch các đô thị và các điểm nghỉ dưỡng ở nước ta. Năm 1983, Yersin đến thám hiểm vùng Dankia suối vàng ở Đà Lạt.

Năm 1911, Toàn quyền Đông Dương đã ký quyết định cho xây dựng đô thị nghỉ dưỡng Đà Lạt (xây dựng kết cấu hạ tầng). Ở tại khu vực trung tâm cho xây dựng hồ chứa nước (Hồ Xuân Hương), sân golf, chợ, nhà ga, vườn hoa, nhà thờ,…

Các tòa nhà biệt thự, khách sạn được xây dựng men theo các sườn đồi, cách mặt đường ít nhất 15m, chiều cao của các tòa nhà cao không qua 2 tầng, mật độ xây dựng thưa.

Các tòa biệt thự và khách sạn đều có mái dốc lợp ngói, cửa gỗ theo kiểu nhà nghỉ mát ở vùng núi Thụy Sĩ,… Trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch, các kỹ sư kiến trúc rất chú ý tới việc bảo vệ cảnh quan, và sự hài hòa của các kiến trúc với văn hóa bản địa.

Sapa được biết đến từ năm 1901, đến năm 1903 người Pháp cho xây dựng cơ sở quân sự tại đậy. Với phong cảnh đẹp hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, năm 1913 nhà an dưỡng quân đội được xây dựng.

Năm 1909, khách sạn Cha Pa được khánh thành. Từ năm 1914, khu nghỉ mát Sapa được quy hoạch và nhiều khách sạn Fansipan, Metropole và hàng trăm biệt thự được xây dựng.

Hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống điện chiếu sáng, và nhà thờ, chợ, hồ chứa nước đã được xây dựng ở đây. Cuối những năm 30 thế kỷ XX, khu nghỉ dưỡng Sapa vào mùa hè, đã đón tới hàng ngàn khách là các quan chức Pháp và những người Châu Âu, đến sống và làm việc tại Việt Nam.

Năm 1930, khu nghỉ dưỡng Bạch Mã cũng đã được quy hoạch và xây dựng gồm đường ô tô trải nhựa, 139 căn biệt thự, cùng nhiều công trình cung cấp điện và nước,…

Khu nghỉ mát Tam Đảo cũng được người Pháp quy hoạch, và xây dựng vào năm 1922. Quy hoạch khu nghỉ dưỡng gồm các biệt thự, hệ thống cung cấp điện, nước, bể bơi, trung tâm dịch vụ và hệ thống đường ô tô dẫn lên khu nghỉ mát.

Năm 1940, người Pháp còn tiến hành quy hoạch xây dựng khu nghỉ dưỡng Ba Vì, với đường ô tô dẫn đến Code 600, bể bơi, vườn thực vật, và 200 căn biệt thự. Cũng năm 1940, khu nghỉ dưỡng Mẫu Sơn (Lạng Sơn) có độ cao 1541m, cũng được người Pháp cho quy hoạch và xây dựng.

Ngoài những khu nghỉ dưỡng vùng núi, người Pháp còn cho quy hoạch xây dựng đường ô tô, các biệt thự, villa, một số công trình công sở, một số khu nghỉ biển như Đồ Sơn, Sầm Sơn, Bà Rịa, Vũng Tàu, Nha Trang, Phan Thiết, Long Hải,…

Từ năm 1940 đến năm 1993, không có thêm khu du lịch nào ở nước ta được quy hoạch, do nguyên nhân như chiến tranh, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX đến nay, ở Việt Nam đã có một số đề tài khoa học và dự án đề cập đến các vấn đề, nhằm phục vụ cho quy hoạch du lịch ở nước ta, như:

“Sơ đồ phát triển và phân bố ngành du lịch Việt Nam giai đoạn 1986 – 2000” (Chương trình 70 – 01, Đề tài 70-01-04.05), Tổng cục Du Lịch Việt Nam, 1986. “Tổ chức lãnh thổ du lịch Việt Nam” do Vũ Tuấn Cảnh và cộng sự thực hiện, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch – Bộ Văn hóa Thông tin Thể Thao và Du lịch, 1991.

“Dự án quy hoạch tổng thể chỉ đạo phát triển du lịch hồ Đại Lải – huyện Mê Linh, Hà Nội” do Vũ Tuấn Cảnh và cộng sự thực hiện, 1990. “Đánh giá và khai thác các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên huyện Ba Vì (Hà Tây) phục vụ mục đích du lịch”, Luận án PTS, Đặng Duy Lợi, 1993.

“Cơ sở khoa học của việc xác định các tuyến điểm du lịch Nghệ An”, Nguyễn Thế Chinh, 1995. “Cơ sở khoa học cho việc xây dựng các tuyến điểm du lịch vùng Trung Bộ”, Hồ Công Dũng, 1996,…

Từ năm 1994 đến nay, nhiều dự án quy hoạch phát triển du lịch tầm cỡ Quốc gia và của nhiều tỉnh thành, về các điểm khu du lịch đã hoàn thành, và được Nhà nước và các địa phương phê duyệt.

Năm 1994, “Dự án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 1995 – 2010” đã được Nhà nước ra quyết định thực hiện. “Cơ sở khoa học cho việc xây dựng bản đồ phục vụ mục đích du lịch cấp tỉnh ở Việt Nam” (lấy ví dụ ở tỉnh Ninh Bình), Luận án PTS, Trần Đức Thanh, 1995.

Từ năm 1995 đến nay, phần lớn các tỉnh, thành có nguồn tài nguyên du lịch và các nguồn lực phát triển du lịch, đều đã tiến hành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, và ra Quyết định thực thi như: “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thành phố Hà Nội thời kỳ 1997 – 2010 và đến năm 2020”, 1998.

“Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 1997 – 2010”. “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thừa Thiên Huế thời kỳ 1995 – 2010”. “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bà Rịa Vũng Tàu thời kỳ 1995 – 2010”.

Từ năm 1997 đến nay, có nhiều điểm khu du lịch có tài nguyên và các nguồn lực để phát triển du lịch, cũng được tiến hành các dự án quy hoạch chi tiết và đưa vào thực thi. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khác nhau nên nhiều dự án quy hoạch du lịch của nước ta, tính khả thi cũng như độ hiệu quả về các mặt còn thấp.

Song, cũng có một số dự án quy hoạch các khu, điểm du lịch, các di sản thế giới, do được thực hiện cẩn trọng, khoa học và vận dụng tốt những vấn đề lý luận về quy hoạch du lịch, phát triển du lịch bền vững vào thực tế, nên đã tạo được nhiều điểm có cảnh quan, kiến trúc đẹp, các dịch vụ chất lượng cao, hấp dẫn du khách.

Như một số dự án quy hoạch biển ở Nha Trang, Hội An, Mỹ Khê (Quảng Ngãi), khu du lịch sinh thái văn hóa Thác Đa (Hà Tây), khu du lịch thái Bái Tử Long, khu du lịch Bà Nà,… Từ việc lịch sử phát triển quy hoạch du lịch trên thế giới, và ở Việt Nam có thể rút ra một số nhận xét sau:

– Việc lập và thực thi các dự án quy hoạch du lịch, cũng như những công trình nghiên cứu về lý luận ngày càng hoàn thiện hơn.

– Giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu của thế kỷ XX, quy mô các dự án nhỏ, các nhà quy hoạch du lịch nhiều trường hợp chính là nhà thầu, mục đích quy hoạch chủ yếu cho việc đáp ứng nhu cầu du lịch của giới thượng lưu, chưa có sự tham gia của cộng đồng, sản phẩm du lịch còn đơn điệu và chưa có sự can thiệp của Nhà nước.

– Giai đoạn giữa hai cuộc chiến tranh từ 1920 đến 1940, quy hoạch du lịch đã có chất lượng cao hơn, các cơ sở vật chất kỹ thuật và thiết bị phong phú hơn, có những dự án đã do những kiến trúc sư nổi tiếng đảm nhiệm, các loại hình quy hoạch và các sản phẩm du lịch phong phú hơn.

Trong giai đoạn này, không chỉ có các dự án quy hoạch du lịch ở các nước châu Âu, Hoa Kỳ, mà còn ở cả các nước đang phát triển như Ấn Độ, Việt Nam, Ai Cập,… Giai đoạn này đã xuất hiện nhiều công trình khoa học, đúc kết những lý luận quy hoạch du lịch về quy hoạch vùng kinh tế.

– Giai đoạn từ 1950 đến 1980. Có nhiều dự án quy hoạch du lịch với quy mô lớn, loại hình quy hoạch phát triển du lịch phong phú hơn, nhưng có nhiều dự án bị lợi dụng để kinh doanh bất động sản, chưa quan tâm đến các mục tiêu bảo vệ môi trường, chưa màng nhiều tính bền vững.

Nhưng trong thời kỳ này, nhiều dự án có sự can thiệp của Nhà nước như vốn, luật pháp. Các dự án quy hoạch chủ yếu được lập và thực thi ở các nước phát triển. Trong giai đoạn này, đã có những dự án quan tâm đến bảo vệ môi trường, và phát triển kinh tế địa phương, được rút kinh nghiệm làm hình mẫu cho nhiều dự án khác.

– Giai đoạn từ 1980 đến nay. Các dự án quy hoạch ở nhiều nước đã vận dụng quan điểm phát triển du lịch bền vững, vào việc lập và thực thi quy hoạch, quy mô của các dự án quy hoạch cụ thể thường vừa và nhỏ. Trong giai đoạn này, các dự án quy hoạch phát triển du lịch ở nhiều nước đang phát triển, cũng được lập và thực thi.

Nhìn chung, trong giai đoạn này, các dự án quy hoạch du lịch, có sự can thiệp sâu hơn của các chính phủ về vốn, cơ chế chính sách, tổ chức. Ngoài ra, còn có sự tham gia của công chúng. Đồng thời, các dự án cũng tính đến và thực hiện cả các mục tiêu môi trường và xã hội.

Trong giai đoạn này, cũng xuất hiện nhiều công trình tổng quan lý luận về phát triển bền vững, về tổ chức lãnh thổ du lịch, nghiên cứu đánh giá tài nguyên và quy hoạch du lịch, hướng dẫn quy hoạch cụ thể và chi tiết nhất.

Tuy nhiên, cho đến nay, số lượng các công trình nghiên cứu lý luận riêng biệt về quy hoạch du lịch trên thế giới, còn chưa nhiều mà chủ yếu tập trung ở các nước phát triển. Ở Việt Nam, đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu tổng quan riêng việt về lý luận quy hoạch du lịch.

Bùi Thị Hải Yến


Bạn đang xem bài viết:
Lịch sử phát triển của khoa học quy hoạch du lịch
Link https://vnlibs.com/du-lich/lich-su-phat-trien-cua-khoa-hoc-quy-hoach-du-lich.html

Tìm kiếm có liên quan: Bài giảng quy hoạch du lịch lưu hành nội bộ; Đề tài quy hoạch du lịch tỉnh; Giáo trình quy hoạch du lịch; Học phần quy hoạch du lịch quản trị; Khái niệm quy hoạch du lịch; Lập quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ mới; Lợi ích của quy hoạch du lịch; Nội dung quy hoạch ngành du lịch; Nghiên cứu xác lập mục tiêu quy hoạch phát triển du lịch;

Tìm kiếm có liên quan: Quản lý và vận hành các hoạt động du lịch; Quy hoạch du lịch toàn phần và bán phần; Tài liệu quy hoạch du lịch; Tầm quan trọng của cộng đồng trong quy hoạch phát triển; Tiểu luận quy hoạch du lịch; Vai trò của quy hoạch du lịch; Viện nghiên cứu phát triển du lịch khoa học công nghệ; Xây dựng quy hoạch tiền đề quan trong cho du lịch phát triển; Ý nghĩa của việc quy hoạch du lịch.