Quan điểm và phương pháp chung như thế nào khi nghiên cứu về quy hoạch du lịch? Trong đó, các bước và phương pháp tiến hành phân vùng ra sao, để đạt được hiệu quả cao trong quy hoạch du lịch?
1. Quan điểm và phương pháp chung.
– Quan điểm duy vật biện chứng Mác – Lênin:
Trong quá trình phân vùng du lịch, quan điểm này được sử dụng nhằm phân tích, nhận thức được bản chất của các phân hệ du lịch trong mối quan hệ biện chứng, tương hỗ giữa thành tố nội tại của vùng, và giữa vùng với môi trường xung quanh trong sự vận động và phát triển theo quy luật.
Đồng thời quan điểm duy vật biện chứng, còn được vận dụng để tìm ra các mối quan hệ qua lại giữa các thành tố trong vùng du lịch, với các nhân tố kinh tế xã hội, với môi trường xung quanh, phát hiện ra những quy luật hình thành, phát triển, dự báo các hệ thống lãnh thổ du lịch, vùng du lịch trong các điều kiện phát triển của vùng, của quốc gia.
– Quan điểm tổng hợp:
Quan điểm này được vận dụng để phân tích, nhận thức được sự đa dạng của các nguồn lực phát triển du lịch, cũng như mối quan hệ giữa các nguồn lực. Quan điểm tổng hợp cũng được vận dụng, để cho phép sử dụng những vấn đề lý luận liên quan tới phân vùng du lịch trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, xác định ranh giới phân vùng. Từ đó, thực hiện được các phương pháp phân vùng có hiệu quả, phát huy được các thế mạnh tổng hợp của vùng mang tính khoa học và thực tiễn.
– Quan điểm hệ thống và phương pháp tiếp cận hệ thống:
Hệ thống lãnh thổ du lịch là hạt nhân để tạo vùng du lịch. Vùng du lịch về thực chất là một hệ thống lãnh thổ lớn bao gồm nhiều hệ thống nhỏ trong đó. Hệ thống lãnh thổ du lịch mang tính đa dạng và phức tạp của nhiều điều kiện, yếu tố phát triển của hình thức tổ chức theo lãnh thổ, với nhiều mối quan hệ (nội ngành – liên ngành, nội vùng – liên vùng). Vì vậy, phương pháp phân tích tiếp cận hệ thống được sử dụng vào công tác phân vùng du lịch nhằm:
* Xác định hệ thống lãnh thổ du lịch và các mô hình của nó với ba mức độ: Tìm kiếm và đưa ra các mô hình của đối tượng nghiên cứu; Thu nhập và phân tích thông tin ban đầu, chỉ ra các chỉ tiêu phát triển du lịch và kinh tế xã hội; Xác định cấu trúc tối ưu của hệ thống.
* Phân tích các thành phần, sự vận động của lịch sử hình thành, phát triển của các hệ thống.
* Nghiên cứu các thành phần, các nhân tố phát triển của vùng du lịch, tìm ra, phân tích mối quan hệ giữa các thành phần và các nhân tố kinh tế xã hội với nhau, cũng như mối quan hệ giữa hệ thống lãnh thổ trong vùng, giữa các vùng với nhau.
* Phân tích nguồn gốc, quá trình phát sinh, phát triển của các hệ thống lãnh thổ. Đồng thời phương pháp này được vận dụng để chỉ ra các giai đoạn chủ yếu của quá trình hình thành, phát triển hệ thống và các phân hệ, các xu hướng chuyên môn hóa, và dự kiến sơ đồ phân vùng trong tương lai.
– Phương pháp thực địa:
Phương pháp này được vận dụng để khảo sát thực tế, cho phép nhận được những thông tin xác thực, thành lập ngân hàng số liệu cho các phương pháp khác như phương pháp bản đồ, toán học, cân đối.
– Phương pháp toán học và mô hình hóa:
Phương pháp này cho phép xử lý được lượng thông tin lớn nhờ các phương pháp tính toán, và máy vi tính; xây dựng các mô hình về các vấn đề nghiên cứu, cho phép rút ngắn thời gian nghiên cứu và đưa ra được những đánh giá xác thực.
Trong phân vùng du lịch, còn sử dụng một số phương pháp khác như phương pháp mẫu thống kê, để nghiên cứu tính lựa chọn trong du lịch, phương pháp phân tích tương quan để phát hiện ra các yếu tố và sự ảnh hưởng của chúng với nhau, và với hệ thống lãnh thổ du lịch.
Hoặc phương pháp phân tích cấu trúc và phân tích nhân tố được sử dụng để phân tích cấu trúc, đánh giá môi trường du lịch, xác định chất lượng dịch vụ, tính động lực, mức độ thuận lợi của hệ thống du lịch.
– Phương pháp bản đồ:
Phương pháp bản đồ được sử dụng để minh họa những đặc điểm phân bố không gian, và khối lượng của nguồn tài nguyên, các lượng khách, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, kết cấu hạ tầng, các thuộc tính của hệ thống lãnh thổ du lịch. Phương pháp này còn được dùng để thu thập nguồn thông tin, và vạch ra tính quy luật hoạt động của các hệ thống lãnh thổ du lịch.
– Phương pháp cân đối:
Phương pháp cân đối là tập hợp các phương pháp tính toán nhằm phân tích, lựa chọn các chỉ tiêu, chỉ số dự báo phù hợp để lập kế hoạch, dự báo sự phát triển của vùng du lịch có tính tới khối lượng, cơ cấu nhu cầu du lịch, tài nguyên du lịch, sức chứa về vật lý, sinh học và tâm lý của hệ thống.
Phương pháp này còn sử dụng để cân đối giữa thu nhập của dân cư, và các chi phí cho du lịch của họ, để tính toán các nhu cầu về lao động, xác định diện tích phù hợp của lãnh thổ với nhu cầu phát triển. Phương pháp cân đối còn được dùng để tối ưu hóa luồng du khách giữa các vùng.
– Phương pháp xác định ranh giới vùng du lịch:
Phần lớn các số liệu được thu thập theo đơn vị hành chính. Vì vậy, cũng giống như phân vùng các ngành kinh tế khác, ranh giới các vùng du lịch được xác định theo ranh giới hành chính. Về nguyên tắc, ranh giới của vùng là nơi mà sức hút của trung tâm tạo vùng yếu nhất.
Trong thực tế không phải lúc nào ranh giới này cũng trùng với ranh giới hành chính. Tuy nhiên, để thuận lợi cho tổ chức quản lý và đầu tư phát triển người ta, thường sử dụng ranh giới các tỉnh làm ranh giới giữa các vùng. Ở nước ta, các vùng du lịch đang trong quá trình hình thành nên ranh giới của vùng chưa thật rõ.
2. Các bước và phương pháp tiến hành phân vùng.
– Xác định sự phân hóa lãnh thổ dựa theo nguồn tài nguyên du lịch.
– Kiểm kê, khảo sát nguồn tài nguyên theo lãnh thổ. Tiến hành thực địa và thu nhập các thông tin số liệu về các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên (địa hình, địa chất, khí hậu, động thực vật) và tài nguyên nhân văn (các di tích lịch sử, các di tích văn hóa lịch sử, các lễ hội văn hóa truyền thống, các làng nghề truyền thống,…).
Sau khi đã thu thập thông tin, tài liệu cần tiến hành sắp xếp, phân loại, thống kê, phân tích về số lượng, chất lượng, sự phân bố, kết hợp các loại tài nguyên, hệ thống hóa, và các thông tin tư liệu thu thập.
– Đánh giá tài nguyên du lịch và đưa vào các chỉ tiêu đánh giá. Việc đánh giá tài nguyên du lịch nhân văn, có thể dựa vào các giá trị xếp hạng và bằng cách cho điểm từng yếu tố theo thang điểm 5 bậc (hoặc 3 bậc), hoặc theo các chỉ tiêu sức chứa (về mật độ) của tài nguyên tự nhiên, cũng có thể đánh giá sức hấp dẫn của tài nguyên, theo các giá trị của tài nguyên, cảm nhận của du khách và thực trạng bảo tồn khai thác tài nguyên.
– Xác định sự phân hóa tài nguyên theo lãnh thổ dựa vào việc kiểm kê, đánh giá các loại tài nguyên, tiến hành xác định sự phân hóa các loại tài nguyên.
– Xác định sự phân hóa lãnh thổ dựa vào cơ sở hạ tầng, và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch bao gồm các bước:
* Kiểm kê cơ sở hạ tầng, gồm mạng lưới giao thông vận tải, thông tin liên lạc, cấp thoát nước, xử lý nước thải và các chất thải, kiểm kê cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.
Những số liệu thu thập gồm mạng lưới giao thông, hệ thống khách sạn, nhà hàng, những cơ sở liên quan tới phục vụ cho khách du lịch, khả năng cấp nước sạch, thu gom xử lý chất thải và phân loại thông tin thu thập. Tiến hành phân loại, sắp xếp thống kê, phân tích cân đối các thông tin số liệu thu thập được.
* Đánh giá cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch theo các tỉnh, các vùng cả về số lượng, chất lượng, mức độ tập trung và sự phân bố của chúng theo lãnh thổ.
* Xác định các trung tâm tạo vùng và sức hút của chúng.
* Căn cứ vào các nguồn lực phát triển của vùng đã được kiểm kê đánh giá, và xác định sự phân hóa lãnh thổ ở trên để có thể xác định các trung tâm tạo vùng du lịch.
Ví dụ: Hà Nội có vị trí nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, là thủ đô, trung tâm kinh tế chính trị và văn hóa của cả nước. Hà Nội có nguồn tài nguyên phong phú, mức độ tập trung cao, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch khá tốt.
Ở đây, lại là đầu mối giao thông lớn của các vùng kinh tế phía Bắc, có sân bay quốc tế Nội Bài. Vì vậy, Hà Nội trở thành trung tâm du lịch lớn để tạo vùng du lịch Bắc Bộ. Cũng tương tự như vậy đối với Thành phố Hồ Chí Minh.
Còn Huế và Đà Nẵng, các yếu tố tạo vùng hạn chế hơn, quy mô nhỏ hơn, sức hút không mạnh bằng Hà Nội, và Thành phố Hồ Chí Minh nhưng cũng đã tạo nên vùng du lịch Bắc Trung Bộ.
Sức hút của vùng được tính toán bằng khả năng hấp dẫn du khách của vùng từ trung tâm tạo vùng. Xác định ranh giới của vùng du lịch dựa trên sự tổng hợp của ba chỉ tiêu trên, và hệ thống phân vùng đã xây dựng.
Khi xác định ranh giới của vùng cần căn cứ vào những đặc điểm tương đồng của tài nguyên, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật,… sức hút của trung tâm tạo vùng, của mỗi vùng, nguyên tắc hành chính,…
Ngoài việc, phân vùng du lịch còn phải tính đến tính liền kề giữa các lãnh thổ cấu trúc nên vùng du lịch. Những địa phương không có nguồn lực thuận lợi cho phát triển du lịch.
Nhưng nằm liền kề với những địa phương có nhiều nguồn lực thuận lợi cho phát triển du lịch vẫn nằm trong lãnh thổ vùng. Hoặc hai tỉnh thành gần nhau đều có các chỉ tiêu trên cũng không thể đưa về một vùng du lịch, mà cần phải tính đến khoảng cách, khả năng hút từ trung tâm tạo vùng.
Bùi Thị Hải Yến
Bạn đang xem bài viết:
Quan điểm và phương pháp phân vùng du lịch
Link https://vnlibs.com/du-lich/quan-diem-va-phuong-phap-phan-vung-du-lich.html