Nội dung của các dự án quy hoạch du lịch là gì?

Tùy theo mục tiêu, nhiệm vụ của các dự án quy hoạch phát triển, mà nội dung của các dự án quy hoạch du lịch có sự khác nhau. Về mặt lý luận ở các quốc gia, các nhà khoa học cũng đưa ra nội dung của quy hoạch khá đa dạng.

Theo nhà khoa học du lịch Ngô Tất Hổ trong tác phẩm Phát Triển và Quản Lý Du Lịch Địa Phương (2000), nội dung quy hoạch du lịch được thể hiện trực quan bằng biểu tượng con chim ưng đang bay lên: đầu chim ưng là vật thu hút du lịch và các hoạt động có tác dụng thu hút người du lịch.

Con chim ưng cần đưa vào đôi cánh để bay liệng, giống như hoạt động du lịch muốn phát triển, cánh bên trái chính là điều kiện giao thông và cơ sở hạ tầng, cánh bên phải là cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, và cơ cấu dịch vụ du lịch, nhân tố kinh tế xã hội là đuôi con chim ưng, nó ảnh hưởng tới tốc độ và phương hướng của cánh chim.

Phía trước con chim ưng có tác dụng hướng dẫn của thị trường nguồn khách, chim ưng sẽ bay liệng về phía đó. Sau cùng là bầu không khí, môi trường bao quanh để con chim ưng bay liệng gồm: môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa, và môi trường kinh tế.

Về thực tế mô hình Quy Hoạch Chim Ưng Bay chỉ là phác thảo các phân hệ, và môi trường bao quanh của hệ thống lãnh thổ du lịch. Nội dung quy hoạch phát triển du lịch được quy định ở Điều 19, Chương III, Luật Du Lịch Việt Năm (năm 2005) như sau:

1. Nội dung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bao gồm:

– Xác định vị trí, vai trò và lợi thế của du lịch trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vùng và quốc gia.

– Phân tích, đánh giá tiềm năng, hiện trạng, tài nguyên du lịch, các nguồn lực phát triển du lịch.

– Xác định quan điểm, mục tiêu, tính chất, quy mô phát triển cho khu vực quy hoạch, dự báo các chỉ tiêu và luận chứng các phương án phát triển du lịch.

– Tổ chức không gian du lịch, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch của dự án ưu tiên đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, vốn đầu tư, nguồn nhân lực cho du lịch.

– Đánh giá tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường.

– Đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý, phát triển du lịch theo quy hoạch.

2. Ngoài những nội dung quy định tại Khoản 1 điều này, về quy hoạch cụ thể phát triển du lịch, còn có các nội dung chủ yếu sau:

– Phân khu chức năng, bố trí mặt bằng, công trình kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, phương án sử dụng đất.

– Xác định danh mục các dự án đầu tư và tiến độ đầu tư.

– Phân tích hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường.

– Đề xuất biện pháp để quản lý, thực hiện quy hoạch.

Trên thực tế, căn cứ vào hoàn cảnh quy hoạch, loại hình quy hoạch du lịch rất đa dạng, nên mục tiêu và nội dung của từng dự án quy hoạch du lịch không giống nhau.

Thông thường, khi xác định rõ nội dung quy hoạch, trước khi giao nhiệm vụ quy hoạch cho nhóm nghiên cứu, Ban Ủy Thác quy hoạch (Ban Quản Lý quy hoạch) cần phác thảo một bản gợi ý quy hoạch, để nhóm nghiên cứu hiểu sâu được những nội dung cần phải giải quyết trong đợt quy hoạch.

Nhóm quy hoạch cũng có thể phác thảo bản gợi ý cùng với bên ủy thác, ước định nội dung quy hoạch du lịch là tư tưởng chỉ đạo tuân theo khi tiến hành các nhiệm vụ quy hoạch, và là căn cứ quan trọng để kiểm tra, nghiệm thu thành quả.

Nội dung quy hoạch du lịch được ước định giữa hai bên càng rõ ràng, sẽ giúp cho nhóm nghiên cứu lĩnh hội càng sâu về yêu cầu quy hoạch, thì văn bản quy hoạch sẽ đáp ứng được ý đồ quy hoạch của bên ủy thác.

Trên thực tế, bản gợi ý quy hoạch là một công việc chuyên nghiệp, tỉ mỉ, nó phải do nhân viên có tri thức chuyên nghiệp về quy hoạch của bộ chủ quản, của Chính Phủ, hoặc là của nhà đầu tư đưa ra thiết kế nội dung, và hình thức cuối cùng cho kết quả quy hoạch một cách chuẩn xác.

Nội dung bản gợi ý quy hoạch (Đề cương quy hoạch) bao gồm các nội dung về mục tiêu phát triển chung, yêu cầu đặc biệt, mục tiêu cụ thể cùng với thành quả của nó, phương án hành động.

A. Đề cương tóm tắt của bản thuyết minh dự án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia.

Nội dung bao gồm:

1. Đặt vấn đề.

– Những mục tiêu của dự án (mục tiêu chiến lược, mục tiêu cụ thể).

2. Xu hướng phát triển du lịch của quốc gia:

– Những đặc tính và ý nghĩa kinh tế của du lịch (đặc tính của du lịch, ý nghĩa kinh tế của du lịch).

– Xu hướng phát triển du lịch quốc tế: Sự phát triển chung của dòng khách du lịch thế giới và khu vực (các loại khách du lịch, sự phát triển của dòng khách du lịch thế giới và khu vực); Sự phát triển thị trường du lịch của quốc gia (thị trường du lịch quốc tế, thị trường du lịch trong nước).

3. Kiểm kê, đánh giá khả năng cung cấp các sản phẩm du lịch.

– Kiểm kê đánh giá điều kiện tự nhiên các sản phẩm du lịch (tài nguyên du lịch thiên nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn).

– Kiểm kê đánh giá kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch, tổng quan về hiện trạng kết cấu hạ tầng kỹ thuật (giao thông vận tải, thông tin liên lạc, cung cấp điện, cung cấp nước).

– Hiện trạng và dự báo về cơ sở vật chất kỹ thuật, lao động trong du lịch (khái niệm cơ sở vật chất kỹ thuật trong du lịch, hiện trạng cơ sở vật chất kỹ thuật trong du lịch).

4. Tổ chức lãnh thổ du lịch.

Sự phân hóa không gian của du lịch, và tiến hành phân vùng du lịch gồm: trình bày cơ sở của việc phân vùng hệ thống phân vị được sử dụng, phân chia quốc gia theo các phân vị, xây dựng bản đồ phân bố không gian lãnh thổ.

Sự phát triển vùng du lịch: phân tích, tính toán, căn cứ vào kết quả nghiên cứu ở những phần trên và xu hướng thu hút đầu tư, xu hướng phát triển kinh tế xã hội dự báo.

Các điểm, các cụm du lịch, các tuyến du lịch chủ yếu của vùng, dự báo các dự án ưu tiên đầu tư của vùng.

Dự báo sự phát triển, khả năng khách sạn của quốc gia theo trong vùng du lịch. (Cơ sở của công tác dự báo; Giả thuyết về khả năng khách sạn được xếp hạng của quốc gia; Đặc trưng kỹ thuật của ngành khách sạn hiện tại và theo dự án; Một số dự báo liên quan đến khả năng phát triển khách sạn quốc tế trong thời gian của đợt quy hoạch theo các vùng).

5. Cơ cấu tổ chức và quản lý ngành du lịch.

Sự cần thiết phải có các biện pháp tổ chức quản lý đi kèm với kế hoạch chỉ đạo phát triển du lịch. Tình hình hiện tại và các đề xuất tổ chức.

6. Các chiến lược phát triển du lịch.

Những nguyên tắc chung. Lựa chọn các chiến lược phát triển du lịch (chiến lược cơ bản, chiến lược tăng trưởng, chiến lược giữ gìn bảo vệ di sản du lịch, chiến lược đầu tư về du lịch, chiến lược về nguồn nhân lực, chiến lược về nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, chiến lược thị trường, chiến lược nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch).

B. Nội dung đề cương quy hoạch du lịch các tỉnh, huyện, thị xã hoặc thành phố trung tâm du lịch, cụm và điểm du lịch.

Nội dung bao gồm:

1. Vị trí mục tiêu và chiến lược phát triển du lịch của địa phương.

– Vị trí ngành du lịch ở địa phương trong chiến lược phát triển du lịch cả nước, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

– Những quan điểm mục tiêu và chiến lược phát triển du lịch của địa phương trong thời gian quy hoạch.

2. Kiểm kê, đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch của địa phương.

– Kiểm kê đánh giá tiềm năng phát triển du lịch. Bao gồm: Kiểm kê đánh giá về điều kiện tự nhiên và tài nguyên du lịch; Kiểm kê đánh giá điều kiện dân cư kinh tế xã hội, gồm dân cư, dân tộc, kinh tế xã hội, đánh giá chung; Đánh giá chung về tiềm năng phát triển du lịch.

– Kiểm kê đánh giá thực trạng phát triển du lịch. Bao gồm: Thực trạng khách du lịch; Doanh thu từ du lịch; Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; Lao động trong du lịch; Đầu tư trong lĩnh vực du lịch; Đánh giá chung về thực trạng phát triển du lịch.

3. Định hướng phát triển du lịch của địa phương trong thời gian quy hoạch.

– Định hướng phát triển du lịch theo ngành.

– Định hướng phát triển du lịch theo lãnh thổ.

– Định hướng đầu tư phát triển du lịch.

C. Chỉ tiêu quy hoạch

Khi xác định nội dung quy hoạch du lịch cụ thể cần phải xác định được một số chỉ tiêu phát triển du lịch, chỉ tiêu kinh tế xã hội, chỉ tiêu đánh giá nhất định. Người quy hoạch và các ban ngành của chính phủ, hoặc cơ quan quản lý du lịch ở địa phương cần phải lựa chọn xem áp dụng hệ thống chỉ tiêu nào.

Hiện nay, chỉ tiêu quy hoạch thường dùng ở Việt Nam và một số nước bao gồm các chỉ tiêu: tổng số lượt người đi du lịch (số lượt khách quốc tế, số lượt khách nội địa), tỷ lệ đi du lịch, số ngày lưu trú trung bình đầu người, chi phí du lịch bình quân đầu người, số người mà khách sạn đón tiếp không liên quan đến du lịch, số người đi du lịch mà các tỉnh thành đón tiếp, công suất buồng phòng, giá trị tài sản cố định, giá trị thuần túy của tài sản cố định, thu nhập du lịch (hoặc của doanh nghiệp), thuế và phụ cấp doanh nghiệp, tổng lợi nhuận đầu người, tỷ lệ lợi nhuận, số nhân viên bình quân trên một phòng khách sạn (gồm khách sạn quốc tế và nội địa), thu nhập du lịch quốc tế, tổng thu nhập du lịch, tỷ lệ đầu tư được lợi, tỷ lệ du lịch, tỷ lệ môi trường,… (ba chỉ tiêu sau được xác định có tính đến các mục tiêu kinh tế xã hội, và môi trường của du lịch, mới được áp dụng ở một số nước trên thế giới).

D. Thành quả của các quy trình lập dự án quy hoạch du lịch

Nhìn chung, thành quả của việc lập quy hoạch bao gồm các sản phẩm: văn bản quy hoạch, văn bản thuyết minh quy hoạch, bản đồ quy hoạch treo tường, và sơ đồ thiết kế chi tiết, phần phụ lục.

Văn bản quy hoạch là sự thuyết minh ngắn gọn, rõ ràng về thành quả quy hoạch, chủ yếu để cung cấp cho các quan chức chính phủ thẩm duyệt. Do các thủ trưởng chính quyền không thể phê duyệt được bài viết quá dài dòng.

Vì vậy, trong văn bản quy hoạch chỉ nên đưa ra kết luận và số liệu cuối cùng của nghiên cứu, thường không giải thích và giới thiệu bằng bối cảnh. Văn bản quy hoạch cần ngắn gọn, thuận tiện cho việc thẩm định, và đưa ra cho cấp có thẩm quyền liên quan, hoặc khi các đoàn thể, nhân dân thảo luận về các phương án quy hoạch.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phải xác định các chỉ số về sức chứa, về mật độ; chỉ số về chất lượng tài nguyên, các chỉ số môi trường,… để đánh giá tài nguyên, môi trường và thực trạng hoạt động kinh doanh du lịch.

Văn bản thuyết minh quy hoạch phải đơn giản và tổng hợp được công trình nghiên cứu. Thuyết minh quy hoạch du lịch thường liệt kê một cách chi tiết về bối cảnh, kết luận quy hoạch và lời dẫn của tài liệu hỗ trợ cùng với việc phân tích số liệu thống kê, trong trường hợp cần thiết, thì còn bao gồm cả văn bản nghiên cứu chi tiết.

Khi cần thiết thì một số nghiên cứu chuyên đề, và tài liệu bổ trợ có thể làm tư liệu bổ trợ kèm theo sau bản thuyết minh, để giúp các ban ngành quản lý chuyên nghiệp và các nhân viên nghiên cứu khác có thể hiểu rõ kết quả nghiên cứu.

Bản đồ quy hoạch nói chung được in và đóng vào trong văn bản, nhưng để thuận tiện giải thích khi thẩm định, hội thảo và để bên ủy thác sử dụng hoặc công khai quy hoạch, nên thành quả của dự án quy hoạch trong giai đoạn lập quy hoạch, bao gồm một số bản đồ treo tường như: bản đồ về hiện trạng tài nguyên, sơ đồ chi tiết mặt bằng khu vực du lịch,…

Bùi Thị Hải Yến


Bạn đang xem bài viết:
Nội dung của các dự án quy hoạch du lịch là gì?
Link https://vnlibs.com/du-lich/noi-dung-cua-cac-du-an-quy-hoach-du-lich-la-gi.html

Tìm kiếm có liên quan: Bài giảng quy hoạch du lịch; Bài giảng quy hoạch du lịch với các dự án phát triển; Các loại quy hoạch du lịch; Đề cương quy hoạch du lịch xây dựng các dự án; Giáo trình quy hoạch du lịch; Kết luận quy hoạch du lịch; Lịch sử phát triển khoa học quy hoạch du lịch; Phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị du lịch sinh thái;

Tìm kiếm có liên quan: Quy hoạch du lịch tổng cục du lịch; Quy hoạch du lịch vùng núi; Quy hoạch dự án du lịch cổng thông tin điện tử tỉnh; Quy hoạch phát triển du lịch như thế nào; Quy trình lập và thực thi các dự án quy hoạch du lịch; Vai trò của quy hoạch du lịch; Xây dựng quy hoạch tiền đề quan trọng cho du lịch.