Không một lĩnh vực khoa học nào, lại có thể phát triển có hiệu quả mà lại không có một đối tượng nghiên cứu rõ ràng, và một quan niệm khoa học đúng đắn, tức là một hệ thống các luận điểm khoa học với một sự thống nhất về phương pháp luận.
Đối tượng nghiên cứu của quy hoạch là hệ thống lãnh thổ du lịch. Song, hiện nay có nhiều quan niệm về hệ thống du lịch khác nhau, việc nghiên cứu lựa chọn những quan niệm đúng đắn, đầy đủ về đối tượng nghiên cứu của bộ môn khoa học này là cần thiết.
1. Một số quan niệm và đặc điểm của hệ thống lãnh thổ du lịch.
Hệ thống lãnh thổ du lịch như một thành tạo toàn vẹn về hoạt động và lãnh thổ, có sự lựa chọn các chức năng xã hội nhất định. Một trong những chức năng quan trọng được lựa chọn là phục hồi và tái sản xuất sức khỏe, khả năng lao động, thể lực và tinh thần con người.
Vì vậy, hệ thống lãnh thổ du lịch thường được coi là hệ thống kinh tế xã hội, được tạo thành bởi các yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau, như nhóm người du lịch, các tổng thể tự nhiên, văn hóa, lịch sử, các công trình kỹ thuật, đội ngũ cán bộ công nhân viên, và bộ phận tổ chức quản lý. Nét đặc trưng của hệ thống lãnh thổ du lịch là tính hoàn chỉnh về chức năng và lãnh thổ.
– Theo I.I Pirogionhich trong cuốn Cơ Sở Địa Lý Du Lịch và Dịch Vụ Tham Quan, trang 46, của nhóm Trần Đức Thanh và Nguyễn Thị Hải chia sẻ: “Hệ thống lãnh thổ du lịch là một hệ thống kinh tế xã hội, bao gồm các yếu tố có quan hệ tương hỗ với nhau, như các luồng khách du lịch, tổng thể tự nhiên và tổng thể văn hóa, lịch sử, các công trình kỹ thuật, nhân viên phục vụ và cơ quan điều hành.
Hệ thống lãnh thổ du lịch như một thành tạo vẹn toàn về chức năng và lãnh thổ, có cả một loạt các chức năng chính là phục hồi và tái sản xuất mở rộng sức khỏe, và khả năng lao động, thể lực và tinh thần của con người (du khách). Về phương diện này, hệ thống lãnh thổ tương đương với các tổng thể lãnh thổ sản xuất, đồng thời cả với hệ thống giao thông và các hệ thống định cư”.
– Theo nhà khoa học du lịch Ngô Tất Hổ trong Phát Triển và Quản Lý Du Lịch Địa Phương, trang 15 của nhóm Trần Đức Thanh và Bùi Thanh Hương chia sẻ: “Cấu tạo của hệ thống du lịch gồm bốn bộ phận là hệ thống thị trường nguồn khách, hệ thống quá cảnh, hệ thống điểm đến, hệ thống bảo trợ.
Trong đó, thị trường nguồn khách, hệ thống quá cảnh, hệ thống điểm đến du lịch hợp thành một hệ thống bên trong có kết cấu chặt chẽ. Ngoài ra, còn có các yếu tố như chính sách, chế độ, môi trường, nhân lực hợp thành một hệ thống bổ trợ.
Trong hệ thống bổ trợ này, Chính Phủ là một đơn vị đặc biệt quan trọng. Ngoài ra, cơ cấu giáo dục cũng là một bộ phận quan trọng. Hệ thống bổ trợ không tồn tại độc lập, mà cần phải dựa vào ba hệ thống kia, cùng ba hệ thống kia đồng thời phát huy tác dụng”.
Khi nghiên cứu hai quan niệm trên cho thấy quan niệm của Ngô Tất Hổ, phản ánh đầy đủ đặc điểm và các mối quan hệ bên trong và bên ngoài của hệ thống lãnh thổ du lịch hơn. Nhưng trong nhiều dự án quy hoạch phát triển du lịch, và nhiều tài liệu nghiên cứu về du lịch, các nhà khoa học Việt Nam thường sử dụng quan niệm về hệ thống lãnh thổ du lịch của I.I Pirogionhich. Theo ông, hệ thống lãnh thổ du lịch có các đặc điểm sau:
– Đặc tính hoàn chỉnh về chức năng và lãnh thổ. Chức năng chính là phục hồi tái sản xuất sức khỏe, khả năng lao động thế lực và tinh thần của con người (du khách). Bao gồm các yếu tố có mối quan hệ với nhau chặt chẽ, là một hệ thống mở có mối quan hệ bên trong và bên ngoài.
– Mối quan hệ bên trong là mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành.
– Mối quan hệ bên ngoài là mối quan hệ với các điều kiện môi trường phát sinh và các hệ thống lãnh thổ du lịch khác.
2. Cấu trúc bên trong của hệ thống lãnh thổ du lịch gồm năm phân hệ.
– Phân hệ luồng du khách đóng vai trò trung tâm, nó có những yêu cầu đối với các phân hệ khác của hệ thống lãnh thổ du lịch, do phụ thuộc vào những đặc điểm dân cư xã hội của khách du lịch. Phân hệ này có các đặc điểm như khối lượng, cấu trúc của nhu cầu du lịch, tính lựa chọn, tính mùa vụ, tính đa dạng của luồng du khách.
– Phân hệ tổng thể tự nhiên và lịch sử văn hóa tham gia hệ thống với tư cách là nguồn tài nguyên, là điều kiện để thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi, du lịch và là cơ sở cho việc hình thành hệ thống. Tổng thể này có dung lượng nhất định, có độ thích hợp, có triển vọng, có độ bền vững và hấp dẫn. Nó mang những đặc điểm như số lượng, chất lượng, diện tích, phân bố, sự kết hợp giữa các loại và các điểm tài nguyên, thời gian khai thác. Chúng có thể sử dụng nhiều lần trong quá trình phục vụ du khách.
– Phân hệ các công trình kỹ thuật nhằm cung ứng những điều kiện sinh hoạt của du khách, nhân viên phục vụ (ăn, ở, đi lại, giải trí,…) cũng như những nhu cầu đặc trưng của du lịch nghỉ dưỡng (chữa bệnh, nghỉ ngơi, tham quan dịch vụ văn hóa và đời sống). Toàn bộ các công trình kỹ thuật tạo nên cơ sở hạ tầng du lịch. Nó mang những nét đặc trưng như dung lượng, tính đa dạng, tiện nghi, sinh thái, trình độ kỹ thuật.
– Phân hệ nhân viên phục vụ thực hiện chức năng dịch vụ cho du khách và chức năng cung ứng công nghệ sản xuất của các cơ sở sản xuất hoạt động. Số lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và phẩm chất của đội ngũ cán bộ nhân viên, mức độ đảm bảo lực lượng lao động là những đặc trưng cơ bản của phân hệ.
– Bộ phận điều khiển có nhiệm vụ giữ cho cả hệ thống nói chung, và từng bộ phận nói riêng hoạt động tối ưu.
3. Mối quan hệ giữa các phân hệ trong hệ thống lãnh thổ du lịch.
Các yếu tố cấu trúc nên hệ thống lãnh thổ du lịch, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì vậy, trong quá trình kiểm kê, phân tích, đánh giá các yếu tố của hệ thống lãnh thổ không những cần phân tích, đánh giá các đặc trưng của từng yếu tố, mà còn phải tìm hiểu cả trong mối quan hệ giữa các yếu tố.
– Mối quan hệ giữa phân hệ khách và các phân hệ khác, được mô tả thông qua những hoạt động du lịch, và qua tính chọn lựa cấu trúc không gian và thời gian của hệ thống.
* Mối quan hệ giữa phân hệ khách với tổng thể tự nhiên, văn hóa, lịch sử được xác định bởi sự lựa chọn của các nhóm du khách, với đặc điểm kinh tế xã hội và nghề nghiệp khác nhau.
Chúng được phản ánh bằng sự hấp dẫn, sức chứa, độ bền vững, độ thích hợp. Sức chứa, độ bền vững, sự thích hợp, sự hấp dẫn của tổng thể tự nhiên, văn hóa, lịch sử có mối quan hệ chặt chẽ với các yếu tố khác.
Nếu tập trung một lượng du khách quá lớn trong một lãnh thổ có quy mô nhỏ, không những dẫn tới sự hủy hoại tổng thể tự nhiên, mà còn gây ra áp lực với du khách. Vì vậy, phải xác định mức độ chịu tải với tổng thể tự nhiên, phải lựa chọn những hoạt động du lịch không gây tổn thất cho hệ cân bằng sinh thái, và khả năng phục hồi của cảnh quan tự nhiên và văn hóa xã hội.
Cần phải chú ý đến độ bền vững trong quá trình sử dụng, bảo vệ, phải nghiên cứu các định hướng, biện pháp nâng cao khả năng duy trình cảnh quan cho hoạt động kinh doanh du lịch.
Sự thích hợp của tổng thể tự nhiên là phản ánh những điều kiện thuận lợi. Thời gian kéo dài sự thích hợp cho cơ thể con người thông qua các yếu tố: nhiệt độ, tốc độ gió, độ ẩm, lượng mưa.
Thích hợp với trạng thái sức khỏe của du khách, cho phép trong báo cáo quy hoạch du lịch đưa ra phân loại các yếu tố của khí hậu, và thời gian khí hậu thích hợp hoặc không thích hợp cho sức khỏe của du khách và cho phát triển du lịch.
Tính hấp dẫn của tổng thể tự nhiên và văn hóa, lịch sử như sự kỳ thú, tính độc đáo (tần số lặp lại hay không bao giờ lặp lại của đối tượng, và hiện tượng được phản ánh thông qua đánh giá thẩm mỹ, sự đa dạng, đặc sắc của tổng thể tự nhiên, văn hóa xã hội, độ chia cắt địa hình, độ che phủ của rừng, đặc điểm, độ ngập của nước, những giá trị văn hóa lịch sử).
* Mối quan hệ giữa du khách với các công trình kỹ thuật và nhân viên phục vụ. Các nhóm du khách không giống nhau, về cấu trúc và lãnh thổ. Do đó, họ đòi hỏi những kiểu công trình và lãnh thổ tương ứng. Cần phải phân loại các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch về số lượng và chất lượng (bình dân, hạng cao,…).
Du khách luôn đòi hỏi nhân viên phục vụ có chất lượng cao. Họ mong muốn nhân viên phục vụ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, phẩm chất tốt. Để xác định, đánh giá đội ngũ nhân viên phục vụ phải qua điều tra (điều tra nhân viên, trưng cầu ý kiến du khách và qua thống kê số liệu, qua đánh giá năng lực làm việc và phẩm chất nghề nghiệp của họ).
* Mối quan hệ giữa du khách với bộ máy tổ chức quản lý du lịch. Mỗi hệ thống lãnh thổ du lịch có bộ máy tổ chức, quản lý với chất lượng nhân lực tốt, có cơ cấu phù hợp, có những hệ thống quy định pháp quy chặt chẽ, phù hợp, cùng với cách tổ chức quản lý đồng bộ, liên thông, hiệu quả sẽ góp phần quan trọng để tạo cho hoạt động du lịch có hiệu quả, tạo ra môi trường hấp dẫn du khách.
Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành những chuyến đi du lịch, du khách có nhu cầu về các thông tin dịch vụ du lịch như tài nguyên và môi trường du lịch của điểm đến, thêm vào nữa là những thông tin trên góp phần hấp dẫn du khách đến với điểm hoặc khu du lịch.
Vì vậy, trong quy hoạch du lịch các nhà quy hoạch cần phải nghiên cứu, khảo sát, đưa ra những giải pháp, chiến lược tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch của hệ thống lãnh thổ du lịch được quy hoạch, nhằm hấp dẫn du khách.
– Mối quan hệ giữa tổng thể tự nhiên, văn hóa xã hội với các phân hệ khác.
* Mối quan hệ giữa tổng thể tự nhiên và văn hóa, lịch sử với các dự tính chu kỳ mà nó gây ra có ảnh hưởng đến tính mùa vụ trong hoạt động du lịch. Tổng thể tự nhiên, văn hóa, xã hội, khách du lịch, cán bộ nhân viên có tác động đến chất lượng và quy mô phân bố của phân hệ các công trình kỹ thuật.
Do vậy, các hoạt động kỹ thuật thuộc dịch vụ du lịch cần phải mang tính sinh thái, để không gây ra những sự hủy diệt các giá trị quý báu của tự nhiên, văn hóa, lịch sử với du lịch.
Ví dụ, đưa ra những kiến nghị cấm sử dụng thuyền có động cơ gây ô nhiễm nguồn nước,… phải định mức được mật độ quy mô các loại công trình khác nhau, cường độ hoạt động kỹ thuật, hệ số độ bền kỹ thuật của các tổng thể tự nhiên (đường mòn trên một đơn vị diện tích, số tàu thuyền trên một đơn vị diện tích,…).
Cơ quan điều hành sẽ cung cấp định mức và nguồn thông tin về các phân hệ. Tài nguyên du lịch quy định về quy mô, kiểu dáng, chiều cao, mật độ của cơ sở vật chất kỹ thuật ở các điểm du lịch biển cách mép nước thủy triều, lên ít nhất là 100 mét, nhưng lại theo xu hướng phân bố dọc bờ biển nên cần mở các cửa ra phía biển.
Hoặc một hecta mặt nước biển hay hồ chỉ có sức chứa tối đa là 8 du thuyền. Trong đó, chỉ có bốn du thuyền hoạt động,… Hay ở các điểm du lịch sinh thái nên hạn chế mở những con đường lớn (vì phải chặt cây nhiều), mật độ xây dựng nhà cửa thưa, độ cao hạn chế từ một đến hai tầng, phải tránh những đường thoát nước,…
– Tổng thể tự nhiên ảnh hưởng đến cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
Tài nguyên du lịch thông qua giá trị, diện tích có giá trị du lịch sẽ ảnh hưởng tới đặc điểm và số lượng nhân viên. Tại những hệ thống lãnh thổ phát triển du lịch có diện tích, có giá trị du lịch với mật độ và chất lượng tài nguyên du lịch cao, có khả năng thu hút một số lượng du khách lưu trú, tham quan lớn cần số lượng nhân viên du lịch đông.
Tài nguyên du lịch còn quy định đặc điểm chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ nhân viên. Ví dụ, những hệ thống lãnh thổ du lịch có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, đặc sắc thì đội ngũ cán bộ nhân viên cần phải am hiểu về những kiến thức văn hóa, lịch sử và văn hóa du lịch nhiều hơn. Song tại các vườn quốc gia, thì đội ngũ nhân viên lại đòi hỏi nhiều về kiến thức về sinh thái và du lịch sinh thái,…
Tài nguyên du lịch còn có mối quan hệ với bộ máy tổ chức quản lý điều hành du lịch. Trong một hệ thống lãnh thổ có một bộ máy tổ chức quản lý có cơ cấu hợp lý, tính chuyên môn nghiệp vụ cao, có hệ thống những quy định, chế tài hợp lý, khoa học và cách tổ chức quản lý đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả sẽ là điều kiện quan trọng để bảo vệ, tôn tạo và khai thác tài nguyên du lịch hiệu quả và bền vững.
– Mối quan hệ giữa phân hệ công trình kỹ thuật và kết cấu hạ tầng với các phân hệ khác.
* Phân hệ công trình kỹ thuật ngoài mối quan hệ với khách du lịch, và tài nguyên du lịch còn có mối quan hệ với phân hệ cán bộ nhân viên, và bộ máy tổ chức quản lý du lịch. Số lượng, chất lượng và đặc điểm kỹ thuật khác nhau đã dẫn đến số lượng, và chất lượng đội ngũ nhân viên khác nhau.
Ví dụ, ở những điểm du lịch, khu du lịch có các cơ sở lưu trú, ăn uống đạt tiêu chuẩn quốc tế xếp hạng cao, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ nhân viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, phẩm chất cao.
Và số lượng cán bộ nhân viên không chỉ phụ thuộc vào số lượng phòng khách sạn, mà còn phụ thuộc vào chất lượng của các cơ sở lưu trú, ăn uống. Trung bình một phòng khách sạn quốc tế cần 1,7 lao động đến 2,2 lao động. Trong khi một phòng khách sạn nội địa chỉ cần 1,2 lao động,…
* Phân hệ công trình kỹ thuật và kết cấu hạ tầng có mối quan hệ chặt chẽ qua lại, với bộ máy tổ chức quản lý du lịch. Tại những hệ thống lãnh thổ có bộ máy tổ chức quản lý du lịch có cơ cấu, chức năng phù hợp với các cán bộ có trình độ quản lý tổ chức giỏi.
Cùng một hệ thống quy định chế tài chặt chẽ, hợp lý thì việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, và kết cấu hạ tầng sẽ có quy hoạch, có sự kiểm soát, có môi trường tốt để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Do vậy, số lượng và chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng phù hợp với các phân hệ khác và có chất lượng cao, sẽ có giá trị thẩm mỹ, hấp dẫn du khách, có công suất sử dụng cao và hiệu quả khai thác cơ sở vật chất sẽ cao hơn.
– Đội ngũ cán bộ nhân viên du lịch ngoài mối quan hệ qua lại với các phân hệ trên, còn có mối quan hệ chặt chẽ với bộ máy tổ chức quản lý du lịch. Số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ nhân viên phụ thuộc nhiều vào chính sách, cách thức đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và ưu đãi với nguồn nhân lực.
Vì vậy, trong quá trình quy hoạch du lịch cần khảo sát, kiểm kê, đánh giá xác thực về nguồn nhân lực trong mối quan hệ với các phân hệ khác, của hệ thống lãnh thổ du lịch.
Từ đó, xây dựng những giải pháp, những chiến lược phù hợp, hữu hiệu về nguồn nhân lực. Các hệ thống lãnh thổ du lịch không những có mối quan hệ giữa các phân hệ bên trong, mà còn có mối quan hệ với các phân hệ khác, và với môi trường kinh tế xã hội, chính trị một cách chặt chẽ và biện chứng.
Từ những quan niệm và đặc điểm về hệ thống lãnh thổ du lịch. Cho thấy, để có thể xây dựng và thực hiện được những dự án quy hoạch phát triển du lịch có hiệu quả, góp phần phát triển du lịch bền vững, các nhà quy hoạch cần có hiểu biết về hệ thống lãnh thổ du lịch, và cần nghiên cứu về đặc điểm của hệ thống lãnh thổ du lịch cần quy hoạch.
Bùi Thị Hải Yến
Bạn đang xem bài viết:
Phân tích hệ thống lãnh thổ du lịch trong quy hoạch du lịch
Link https://vnlibs.com/du-lich/phan-tich-he-thong-lanh-tho-du-lich-trong-quy-hoach-du-lich.html