Vùng du lịch là gì?

Phân vùng du lịch là nhiệm vụ quan trọng của quy hoạch du lịch, thường được tiến hành trước các bước quy hoạch khác.

Vùng du lịch là đối tượng để quy hoạch du lịch, nhất là đối với các dự án quy hoạch phát triển tổng thể quy hoạch du lịch ở giai đoạn đầu.

Các dự án phân vùng du lịch có nhiệm vụ khảo sát, đánh giá xác định đúng những đặc điểm của các nguồn lực phát triển du lịch, và phân công lao động theo lãnh thổ, tìm định hướng chuyên môn hóa, định hướng thu hút đầu tư và làm cơ sở cho quy hoạch.

Các dự án phân vùng kinh tế nói chung, và phân vùng du lịch nói riêng, phải đảm bảo hiệu quả lâu dài từ 50 năm đến hàng trăm năm. Các dự án phân vùng du lịch nếu được tiến hành cẩn trọng và nghiêm túc, khoa học mang tính thực tiễn và tối ưu sẽ tránh được sự lãng phí công sức, thời gian, tài chính và các nguồn lực.

Đặc biệt là tránh được việc tách ra, nhập vào giữa các vùng du lịch, và các hệ thống lãnh thổ nhỏ hơn, góp phần mang lại hiệu quả về nhiều mặt cho phát triển du lịch nói riêng, cho quy hoạch phát triển du lịch và cho phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Phân vùng du lịch là phân vùng ngành kinh tế. Do vậy, các nhà quy hoạch trong quá trình xây dựng, thực hiện các dự án quy hoạch. Kế hoạch phát triển du lịch cần nghiên cứu, vận dụng những lý luận và thực tiễn của việc phân vùng kinh tế xã hội, và những lý luận của khoa học du lịch làm cơ sở khoa học cho việc tiến hành phân vùng du lịch.

1. Quan niệm vùng du lịch là gì?

Hệ thống lãnh thổ du lịch không thể tồn tại, nếu không có không gian. Trong không gian mà hệ thống lãnh thổ du lịch tồn tại, còn có các hệ thống chức năng khác, nó có tác động tới hệ thống lãnh thổ du lịch như tổng thể lãnh thổ sản xuất, các hệ thống dân cư, giao thông liên lạc. Không gian tồn tại của môi trường nuôi dưỡng hệ thống lãnh thổ du lịch, bao giờ cũng lớn hơn không gian của hệ thống lãnh thổ du lịch, được coi là vùng du lịch.

Vùng du lịch bao gồm hai thành phần quan hệ tương hỗ, là hệ thống lãnh thổ du lịch và không gian kinh tế xã hội bao quanh, đảm bảo cho hoạt động hữu hiệu của nó. Như vậy,..

Vùng du lịch là một hệ thống lãnh thổ du lịch không đồng nhất, bao gồm hệ thống lãnh thổ du lịch và môi trường nuôi dưỡng nó. Do vậy, nhiều quan niệm về vùng du lịch khác nhau.

– Theo Báo cáo tóm tắt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam (1995-2010) thì vùng du lịch được quan niệm như sau: “Vùng du lịch là một hệ thống lãnh thổ kinh tế xã hội, bao gồm một tập hợp các hệ thống lãnh thổ du lịch, thuộc mọi cấp có quan hệ với nhau, và các cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo cho sự hoạt động của các hệ thống lãnh thổ du lịch”.

– Theo Quan niệm của N.X. Mironeko và I.T. Tirodokholebook (1981) thì quan niệm như sau: “Vùng du lịch được quan niệm là một cộng đồng lãnh thổ của các xí nghiệp chuyên môn hóa phục vụ khách du lịch, có quan hệ mật thiết về kinh tế, nhằm thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của khách trên cơ sở sử dụng tổng thể tự nhiên, văn hóa lịch sử hiện có, và các điều kiện kinh tế của lãnh thổ”.

Có ý kiến cho rằng, vùng du lịch có thể chỉ là một lãnh thổ, nơi mà du lịch có ý nghĩa quan trọng, chủ chốt như Prikryl và Thesty (1968) quan niệm. Song, những lãnh thổ như vậy rất hiếm.

– Theo như quan niệm của I.I. Pirogionhich chia sẻ: “Vùng du lịch nghỉ dưỡng là một hệ thống lãnh thổ kinh tế – xã hội, là toàn bộ các hệ thống lãnh thổ du lịch thuộc tất cả các cấp, các kiểu và các cơ sở cấu trúc thượng tầng, bảo đảm chức năng của hệ thống lãnh thổ du lịch, và có đặc điểm chung của ngành chuyên môn hóa du lịch, và những điều kiện kinh tế xã hội để phát triển du lịch”.

Ông còn cho rằng, các vùng du lịch phân chia theo dấu hiệu tương hỗ giữa các thành phần cấu trúc của chúng. Ở đây, sự tạo vùng không phải chỉ là những mối quan hệ cấu trúc thượng tầng, mà còn là những mối quan hệ hợp tác hóa, liên hợp hóa trong sản xuất dịch vụ du lịch.

– Theo định nghĩa của V.P. Xtauxkas chia sẻ: “Vùng du lịch là một lãnh thổ mà ở đó, chức năng tổ chức du lịch hay chữa bệnh, trở thành một chức năng cạnh tranh với một hình thức sử dụng lãnh thổ khác, nơi mà chức năng này đóng hoặc sẽ đóng vai trò chủ đạo”.

– Theo E.A. Kotliarov (1978) chia sẻ: “Vùng du lịch được hiểu là một lãnh thổ hoàn chỉnh với sự kết hợp các điều kiện, đối tượng và chuyên môn hóa du lịch, không chỉ là lãnh thổ để chữa bệnh, nghỉ ngơi mà còn là một cơ chế hành chính phức tạp. Nó có các xí nghiệp nông nghiệp, công nghiệp, vận tải, xây dựng và các cơ sở văn hóa. Nó được hình thành do phân công lao động theo lãnh thổ trong lĩnh vực phi sản xuất”.

– Quan niệm về vùng du lịch của V.P. Xtauxkas là rất hiếm. Những vùng du lịch như vậy thường là ở những cấp phân vị thấp. Trong khi đó, việc chuyên môn hóa du lịch do tác động của sự phân công lao động theo lãnh thổ, có thể là một ngành liên vùng, một vùng hay ngành liên khu của một tổng thể kinh tế quốc dân. Vì vậy, quan niệm này không được các nhà khoa học cấp nhận.

Như vậy, có nhiều quan niệm về vùng du lịch, nhưng quan niệm về vùng du lịch của I.I. Pirogionhich và quan niệm về vùng du lịch trong “Báo cáo tóm tắt Quy hoạch phát triển tổng thể du lịch Việt Nam, thời kỳ 1995 đến 2010” về nội hàm có nhiều đặc điểm giống nhau, nó đã phản ánh khách quan, và xác thực về đặc điểm của vùng du lịch hơn, được nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế chấp nhận hơn.

Trên quan điểm hệ thống, có thể coi vùng du lịch như một tập hợp hệ thống lãnh thổ được tạo nên, bởi hai yếu tố có quan hệ chặt chẽ với nhau là hệ thống lãnh thổ du lịch, và môi trường kinh tế xã hội xung quanh, nhằm đảm bảo cho cả hai hệ thống này hoạt động hiệu quả.

Hệ thống lãnh thổ du lịch là hạt nhân tạo nên vùng du lịch. Từ hạt nhân này đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện và phát triển vùng du lịch, trong mối quan hệ với môi trường kinh tế xã hội và chính trị. Các yếu tố nuôi dưỡng hạt nhân tạo vùng giúp nó cùng với hạt nhân trở thành vùng du lịch.

Trong một hệ thống phân vùng du lịch, không thể loại ra những lãnh thổ khác biệt, chúng cần được coi như những phần đất du lịch tiềm năng, hay những lãnh thổ mà chức năng du lịch chỉ có ý nghĩa khu vực hoặc địa phương.

Vì vậy, khi phân vùng du lịch cần phải xác định chức năng hoạt động của tất cả các lãnh thổ, cũng như vị trí của nó trong hệ thống phân công theo chức năng và lãnh thổ. Vùng du lịch và vùng kinh tế xã hội là hai thái cực và thực tế khác nhau.

Vùng du lịch là vùng kinh tế ngành, còn vùng kinh tế xã hội mang tính tổng hợp. Việc phân vùng du lịch dựa trên lý luận, cơ sở khoa học của phân vùng kinh tế, nhưng lại có những nguyên tắc, phương pháp riêng, dựa trên những tiêu chuẩn riêng.

Do vậy, ranh giới của vùng du lịch thường không trùng với phân vùng tự nhiên, văn hóa hay kinh tế – xã hội. Về phương diện lý thuyết, vùng du lịch được tạo thành bởi các yếu tố tạo vùng. Mỗi vùng có những đặc trưng riêng, được thể hiện qua lợi thế các nguồn lực phát triển các ngành chuyên môn hóa.

Chuyên môn hóa du lịch của vùng được hình thành bởi các yếu tố về vị trí địa lý, tài nguyên du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng, nhu cầu về số lượng khách du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng, nhu cầu về số lượng khách du lịch.

Vùng du lịch gồm có vùng đã hình thành, và vùng đang hình thành. Các vùng du lịch đang trong quá trình hình thành, thì các loại hình du lịch chuyên môn hóa chưa rõ nét.

2. Nhiệm vụ của phân vùng du lịch là gì?

– Nghiên cứu những đặc điểm khu vực của nhu cầu du lịch phụ thuộc vào sở thích, số lượng du khách, vạch ra các chỉ tiêu phân vùng theo các nguồn lực về tài nguyên du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, kết cấu hạ tầng, trung tâm tạo vùng và hệ thống phân vùng.

– Kiểm kê và đánh giá về số lượng, chất lượng sự phân bố và kết hợp các dạng tài nguyên du lịch, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nhân tố kinh tế xã hội khác, xác định những xu hướng khai thác chính.

– Xác định cấu trúc tối ưu của vùng gồm các trung tâm tạo vùng, sức hút của chúng, xác định ranh giới của vùng, và các hệ thống lãnh thổ ở cấp nhỏ hơn vùng.

– Định hướng chuyên môn hóa, xác định các ngành kinh tế du lịch, các loại hình du lịch, các mối quan hệ nội vùng, liên vùng, hệ thống tổ chức điều hành.

– Xây dựng các định hướng, chiến lược phát triển vùng, lựa chọn những khu vực quy hoạch và đầu tư.

3. Ý nghĩa của phân vùng du lịch là gì?

Phân vùng du lịch cho phép xác định cơ cấu và sự phân hóa tối ưu theo lãnh thổ của vùng gồm: cấu trúc cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nguồn lao động phù hợp với nguồn tài nguyên, nhu cầu du lịch, mối quan hệ giữa các thành phần trong vùng và mối quan hệ giữa các hệ thống lãnh thổ du lịch khác.

Từ đó, đề xuất các định hướng, các chính sách nhằm phát huy lợi thế của vùng, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển du lịch của vùng, và làm cơ sở cho quy hoạch du lịch, lựa chọn vùng đầu tư.

4. Những đặc trưng cơ bản của vùng du lịch là gì?

– Tính hệ thống: Mỗi vùng du lịch là tập hợp các hệ thống lãnh thổ du lịch thuộc mọi cấp, mọi kiểu và môi trường mà nó tồn tại, phát triển, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau giữa các phân hệ, các hệ thống lãnh thổ kinh tế xã hội khác và các vùng khác.

– Tính cấp bậc: Mỗi vùng du lịch có vị trí được xác định trong không gian, có quy mô lãnh thổ, nguồn tài nguyên, nhu cầu du lịch, dân cư, lực lượng sản xuất nhất định, thuộc hệ thống phân vị nhất định, có vị trí nhất định trong hệ thống phân vùng của cả nước (vùng lớn, vùng cấp 1, vùng cấp 2).

– Tính đặc thù: Mỗi vùng du lịch đều có những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, nguồn tài nguyên, điều kiện kinh tế xã hội riêng, nên ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất lãnh thổ du lịch khác nhau, hình thành nên những ngành chuyên môn hóa riêng (phát triển những loại hình du lịch riêng).

– Tính tổ chức: Vùng du lịch là hệ thống kinh tế – xã hội và toàn bộ hệ thống du lịch, nên việc phân vùng, định hướng sự phát triển ngành du lịch của vùng phải hòa nhập với sự phát triển kinh tế xã hội của vùng, cần có sự tổ chức, chỉ đạo chặt chẽ, đồng bộ của các cấp và các cơ quan quản lý của địa phương.

– Tính tổng hợp: Bên cạnh những tiềm năng du lịch mang tính đặc sắc, để phát triển những ngành chuyên môn hóa, các vùng du lịch thường có nhiều nguồn lực và các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển của nhiều loại hình du lịch. Vì vậy, các dự án phân vùng phải góp phần phát huy tổng hợp các nguồn lực, cho sự phát triển du lịch của vùng.

5. Các loại vùng du lịch là gì?

Vùng được phân chia theo cấp bậc. Bao gồm:

– Vùng du lịch lớn bao gồm một nhóm các tỉnh, thành phố liền dải với nhau;

– Vùng du lịch cấp II tương đương với tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương;

– Vùng chuyên môn hóa (còn được gọi là vùng chức năng) là vùng du lịch biển, du lịch núi,…

6. Các nguyên tắc phân vùng du lịch là gì?

Để thực hiện được các nhiệm vụ phân vùng, việc phân vùng du lịch cần tuân theo những nguyên tắc sau:

– Nguyên tắc hiệu quả tổng hợp. Việc kiểm kê, đánh giá các nguồn tài nguyên, cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực cần phải xác thực. Hệ thống phân vùng được xác lập phải tạo thuận lợi cho mọi hoạt động du lịch, kinh tế xã hội của mỗi vùng, và toàn hệ thống.

Nó đem lại lợi ích kinh tế xã hội cho các doanh nghiệp, thuận lợi cho việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường, phát huy mọi nguồn lực phát triển cho vùng trong hiện tại cũng như trong tương lai, đảm bảo sự phát triển bền vững cho mỗi vùng, và cả nước, là cơ sở khoa học cho quy hoạch du lịch.

– Nguyên tắc thống nhất. Giữa vùng du lịch, vùng kinh tế và vùng hành chính cần có sự thống nhất về ranh giới, quy mô diện tích. Nguyên tắc này giúp cho tối ưu hóa việc đi lại của du khách, định hướng phát triển tất cả các ngành trong vùng.

Tránh được những tranh chấp trong việc sử dụng, bảo vệ tài nguyên, lao động, các công trình kỹ thuật, tránh việc tách ra, nhập vào làm thuận tiện cho việc tổ chức, quản lý đầu tư, phát triển, hoạch định các chính sách phát triển các hoạt động du lịch.

– Nguyên tắc viễn cảnh lịch sử. Phân chia các vùng trên cơ sở phân tích lịch sử việc tổ chức theo lãnh thổ của ngành kinh tế du lịch, và dự báo sự phát triển của nó về quy mô, ranh giới của vùng du lịch được xác lập, phải phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xã hội của vùng lâu dài tới hàng trăm năm.

– Nguyên tắc trung tâm. Mỗi vùng ít nhất có một trung tâm tạo vùng tương ứng với quy mô của vùng. Trung tâm của vùng phải đảm bảo là cực phát triển, cực tăng trưởng, có sức hút đủ mạnh với các lãnh thổ trong vùng, thuận lợi về các công trình kỹ thuật, có nguồn tài nguyên nhiều về số lượng và có chất lượng cao, tạo mối quan hệ gắn bó với hệ thống lãnh thổ du lịch của vùng.

Bùi Thị Hải Yến


Bạn đang xem bài viết:
Vùng du lịch là gì?
Link https://vnlibs.com/du-lich/vung-du-lich-la-gi.html

Tìm kiếm có liên quan: 7 vùng du lịch Việt Nam tương đồng; Á vùng du lịch là gì; Các á vùng du lịch ở Việt Nam; Các vùng du lịch ở Việt Nam; Chi tiết các vùng du lịch ở Việt Nam mới nhất; Đô thị du lịch là gì; Khám phá nét đặc trưng của vùng du lịch Việt Nam; Một số lợi ích từ du lịch cho các cộng đồng địa phương;

Tìm kiếm có liên quan: Những điểm tương đồng ở các điểm du lịch; Phân tích hệ thống tiêu chí trogn phân vùng du lịch; Phân vùng cơ sở tuyến điểm du lịch; Tổ chức lãnh thổ du lịch học tập; Trọng điểm phát triển du lịch là gì; Trung tâm du lịch là gì; Vùng du lịch Bắc Bộ ở đâu; Vùng du lịch là gì; Vùng du lịch nào có diện tích lớn nhất cả nước.