Nghệ thuật thủ công mỹ nghệ với tranh cổ của Hà Nội

Tranh cổ của Hà Nội còn lại rất ít. Song dựa vào sử sách và văn bia, trong những sinh hoạt văn hóa ở kinh thành Thăng Long, người ta rất chú ý đến tranh.

Tranh để làm đẹp cho công trình kiến trúc, tranh để ca ngợi công tích của một số nhân vật,… Vì thế, đối với tranh cổ của Hà Nội là một trong những vật báu phải gìn giữ theo thời gian.

Theo Mã Doãn Lâm trong Văn Hiến Thông Khảo ở mục Giao Chỉ, có dẫn sách Quế Hải Ngu Hành Chí của Phạm Thành Đại nói rằng, các cung điện của vua nhà Lý ở Thăng Long, đều có vẽ trang trí:

Tất cả các tầng gác của cung thất đều sơn son, cột trụ có vẽ rồng, hạc và tiên nữ. Những cung điện ấy không còn, tất nhiên tranh vẽ ở cột cũng không còn. Song, những đề tài này còn thấy chạm trên đá ở một số ngôi chùa.

Sử sách và văn bia cổ từng nói nhiều đến vẻ đẹp độc đáo của chùa Một Cột, thời Lý. Đồng thời, cũng cho biết, ở hành lang của hồ nước nơi đây, còn nhiều tranh tường (bích họa) về thế giới Phật giáo.

Khi xây dựng Văn Miếu, nhà Lý đã cho vẽ ở đây hình 72 người trò giỏi của Khổng Tử. Khi mà nhà Trần sửa lại Văn Miếu, cũng cho vẽ một lần nữa những bộ tranh trên. Số tranh rất lớn ấy, ngày nay không còn bức nào, cũng không được tài liệu cũ miêu tả cụ thể, nên cũng không rõ trình độ vẽ chân dung đương thời ra sao.

Ngoài số tranh ở Văn Miếu, các vua Lý, vua Trần, còn cho vẽ nhiều tranh thờ khác. Năm 1040, vua Lý Thái Tông đã cho vẽ hơn nghìn bức tranh Phật. Đồng thời, với việc tạc hơn nghìn pho tượng Phật.

Năm 1289, vua Trần Nhân Tông duyệt định công thần sau ba lần kháng chiến chống Nguyên. Tìm những người từng xung phong phá phòng tuyến địch, lập được chiến công đặc biệt, thì cho chép tiểu sử và vẽ hình vào sách Trung Hưng Thực Lục.

Những bức tranh ấy vẽ người thực đang sống, hoặc mới hy sinh, và sự nghiệp đang gây xúc động lòng người. Hẳn là khi vẽ những tranh ấy, họa sĩ xưa có chú ý đến tính chân dung.

Cũng ở kinh thành Thăng Long, vua Trần Minh Tông từng sai vẽ tranh chân dung Bùi Mộc Đạc và Trần Bang Cẩn, là những người bề tôi tài đức, đã góp nhiều công sức phò giúp triều đình.

Ở bức chân dung Trần Bang Cẩn, vẽ năm 1324, còn có bài thơ ca ngợi: “Hình dung cốt cách tựa cây thông. Tướng mạo nghiêm trang thật đáng trông. Mọi vẻ phong lưu tô được hết. Khôn tô choi chói tấm lòng sen”.

Ngoài tranh vẽ về người, vua Trần Anh Tông ở kinh thành Thăng Long còn làm thơ và vẽ tranh tập thơ thành tập Thủy Vân Tùy Bút. Rất tiếc, tập trang này đã bị đốt khi vua mất.

Vào cuối thời Trần, vua Trần Nghệ Tông cũng cho vẽ ở Thăng Long bộ tranh Tứ Phụ, kể chuyện Chu Công giúp Thành Vương Hoắc Quang giúp Chiêu Đế, Gia Cát Lượng giúp Hậu Chúa và Tô Hiến Thành giúp Lý Cao Tông.

Bức tranh đề tặng Hồ Quý Ly với lời khuyên: “Khanh giúp quan gia cũng nên theo những người ấy”. Tiền giấy đầu tiên của nước ta do Hồ Quý Ly phát hành vào năm 1397, gọi là Thông Bảo Hội Sao cũng nên được xem ở ý nghĩa rộng, như những bức tranh khắc gỗ vẽ các đề tài rồng, phượng, lân, rùa, mây, sóng,…

Tới thời Lê, thời Nguyễn, trên địa bàn Thăng Long có khá nhiều tranh cổ. Ngoài những tranh đã thất truyền. Ngày nay, chúng ta còn giữ được một số gồm cả tranh chân dung, tranh sinh hoạt, tranh tôn giáo và tranh dân gian.

Tranh chân dung phải kể bức tranh vẽ Phùng Khắc Khoan mà bản chép lại vẫn còn ở nhà thờ ông tại Phùng Xá (Thạch Thất). Đây là bản vẽ trên lụa, bố cục theo công thức tranh thờ trang nghiêm, nhưng vẫn còn giữ được vẻ mộc mạc, chân chất.

Ngô Thị Nhậm trong cuốn Sứ Trình Thi Họa Tập. Ngoài lời thơ, còn ghi lại bằng hình vẽ nhiều cảnh trên đường đi sứ từ Thăng Long sang kinh đô nhà Thanh. Những bức vẽ như từ trên cao, nhìn chếch xuống, tả cảnh hình thế núi sông, nhà cửa,… có giá trị như những bức tranh phong cảnh.

Ở đình làng Vẽ (Từ Liêm) còn giữ được bộ tranh vẽ sơn màu trên ván gỗ, diềm viền quanh vẽ hoa lá trang trí. Đề tài phản ánh các lớp người trong xã hội xưa là “sĩ – công – nông – thương – ngư – tiều – canh – mục” nét vẽ tinh mảnh, dùng nhiều nét vàng trên nền sơn đỏ tươi.

Một số chùa ở vùng ven sông Đáy thuộc Hà Nội và Hà Tây, thường có tranh Thập Điện, tả cảnh Diêm Vương xử tội. Trên địa bàn Hà Nội, có thể kể bộ Thập Điện vẽ trên ván gỗ ở chùa Đại Mỗ.

Tranh vẽ mộc mạc, những mảng màu bẹt đồng bộ, vẽ màu rồi tô một số nét và họa tiết, nhân vật chính (Diêm Vương) luôn vẽ to và ở giữa. Sau đến quỷ sứ, còn tội nhân vẽ nhỏ nhất và ở dưới cùng của tranh.

Chùa Trăm Gian (Hoài Đức) có bộ tranh đắp kết hợp với vẽ kể chuyện các vị Tổ của Phật Giáo Đại Thừa, với lối thể hiện như kiểu tranh Thập Điện kể trên.

Ở Du Lâm, xã Mai Lâm (Đông Anh) còn giữ được bốn bức tranh của cụ Nguyễn Tiến Lệ (sinh năm 1874), vẽ bằng ngón tay (chỉ họa). Trong đó, có một bức vẽ cảnh cây lan bên mộ đá, gợi được chất, nét mềm mại, cảnh tao nhã, có kèm bài thơ nói lên chủ đề và tình cảm của tác giả.

Tác giả: Chu Quang Trứ


Bạn đang xem bài viết:
Nghệ thuật thủ công mỹ nghệ với tranh cổ của Hà Nội
Link https://vnlibs.com/dieu-khac/nghe-thuat-thu-cong-my-nghe-voi-tranh-co-cua-ha-noi.html

Các tìm kiếm có liên quan: Bức tranh tứ linh cổ làm bằng gốm men xanh; Cư dân mạng mang theo kính lúp thưởng thức tranh cổ; Giá thị trường chợ đen bức tranh cổ phong thủy; Hình ảnh cho tranh cổ phong cách nghệ thuật; Trung tâm bán tranh cổ.

Các tìm kiếm có liên quan: Khám phá bảng tranh cổ trang đặc sắc quyến rũ; Làm sống dậy hồn Thăng Long xưa qua 54 bức tranh cổ; Nơi bán tranh cổ giá rẻ uy tín chất lượng nhất; Phong cách họa sĩ nghệ thuật phong cảnh tranh treo thuần túy xưa;

Các tìm kiếm có liên quan: Phóng to 10 lần bức tranh cổ trong bảo tàng; Tranh cổ động phong trào thể dục thể thao; Tranh cổ phong Trung Quốc mua hàng uy tín tiện lợi; Tranh cổ phong ý tưởng nghệ thuật phong cảnh hình ảnh; Tranh trang trí phòng khách phong cách tân cổ điển.