Tranh dân gian Việt Nam chủ yếu là tranh Tết, xuất hiện từ rất sớm và hết sức phổ biến trong mọi gia đình lao động vào dịp đón xuân.
Đó là sản phẩm tạo hình của các nghệ nhân và gia đình họ, căn bản là người nông dân, chủ yếu là tập trung làm tranh trong những tháng cuối năm.
Tranh dân gian được in toàn bộ hoặc kết hợp in nét với tô màu bằng tay, đều thực hiện trên giấy là chất liệu chống hư hỏng trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, lại do quan niệm hàng năm thay tranh cho mới, nên ngày nay rất khó tìm được những tờ tranh cũ.
Ván in là gia bảo truyền đời, song in mãi phải mòn, và phải khắc lại, nên ván in cổ nhất hiện còn cũng chỉ từ thế kỷ trước. Tuy vậy, những ván khắc và tranh hiện còn dù niên đại không xa mấy cũng vẫn là tư liệu gốc, để chúng ta hiểu về tranh dân gian.
Ngoài ra, tranh dân gian còn gây hứng ngâm vịnh cho các nhà thơ, nên chúng ta có thể qua đó, có thêm nguồn tài liệu gián tiếp để hiểu về tranh dân gian, theo sự phát triển lịch sử.
Có mấy dòng tranh dân gian nổi tiếng trong lịch sử, thì Hà Nội có đủ cả. Ngoài tranh Hàng Trống ở nội thành, và tranh Kim Hoàng ở ngoại thành, tranh Đông Hồ của xứ Bắc gần kề cũng du nhập vào Hà Nội, theo sự di cư của một số nghệ nhân Đông Hồ, và được sản xuất ngay tại Hà Nội, tạo thành một dòng tranh Đông Hồ và Hà Nội.
Ở nơi trung tâm văn hóa và thương nghiệp, tranh dân gian Hà Nội còn tiếp thu một số tranh dân gian nước ngoài. Song các tranh này đều được dân tộc hóa, và dân gian hóa để hợp với thị hiếu của người Việt Nam.
Ngoài nghề làm tranh mà bản thân nó vốn mang tính mỹ nghệ, theo cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng, nhiều nghề thủ công mỹ nghệ khác cũng đã phát triển khá phong phú, thuận lợi trên đất Thăng Long – Hà Nội.
Bài ca xưa “Hà Nội ba mươi sáu phố phường” kể tên các phố Hà Nội trước Cách Mạng Tháng Tám, mỗi phố phường đều gắn với một nghề hoặc một sản phẩm thủ công nhất định. Trong đó, nổi lên nhiều mặt hàng mỹ nghệ có trị giá.
Khắp nước ta, trong các làng quê, nhất là ở vùng đồng chiêm, người nông dân ngoài công việc đồng áng thường cố làm thêm nghề thủ công, và những sản phẩm đó thường chỉ để trao đổi ở chợ quê trong vùng, nên ít có tính nghệ thuật.
Chỉ có một số làng thủ công chuyên nghiệp, người thợ thủ công mới đưa sản phẩm của mình đến các chợ xa, hoặc ra kinh đô. Một số người còn chuyển hẳn ra cư ngụ tại kinh đô, để vừa sản xuất vừa tiện bán hàng ngay tại chỗ.
Một đợt Hà Nội tập trung được nhiều thợ giỏi là vào thế kỷ XVII đến XVIII. Triều đình Lê – Trịnh, sau khi thu hồi được Thăng Long từ tay nhà Mạc, đã cho tu bổ hoành thành và nhất là sau đó, xây dựng phủ chúa Trịnh bên cạnh cung vua Lê.
Cùng với việc xây dựng những công trình kiến trúc lộng lẫy, những nhu cầu phục vụ sinh hoạt của hai bên triều đình và phủ liêu đều ngày càng tăng. Nhiều thợ thủ công mỹ nghệ của các làng chuyên nghiệp đã được tuyển mộ về Thăng Long phục vụ Nhà nước.
Sau đó, họ đã ở lại sinh sống và hành nghề trong một số phường phố. Những thợ thủ công mỹ nghệ lành nghề ở Thăng Long bấy giờ, thường là chủ hiệu kiêm cả sản xuất và bán hàng.
Đó là các thợ thêu, thợ làm lọng, thợ làm trống ở phố Hàng Trống, thợ khảm ở phố Hàng Khay, thợ kim hoàn ở phố Hàng Bạc,…
Lại có những hàng thủ công mỹ nghệ hoàn chỉnh hoặc nửa hoàn chỉnh, từ các vùng lân cận được tập trung cho các thương nhân ở Thăng Long. Chẳng hạn, phố Hàng Đào bán tơ lụa, phố Bát Đàn và phố Bát Sứ bán đồ sành sứ, phố Hàng Đồng bán đồ đồng,…
Cuối thế kỷ XIX, một phóng viên ở Hà Nội là Yann đã tả trong cuốn “Croquis Tonkinois” về cảnh bán hàng thủ công mỹ nghệ ở đây, như sau:
“Mỗi loại hàng hóa đều có một phố riêng. Ở phố Bát Sứ tất cả đều xanh. Tiếp đến phố Bát Đàn tất cả đều đỏ. Rồi đến phố Hàng Đồng lấp lánh ánh vàng chói. Phố Hàng Thêu và phố Hàng Tranh (tức phố Hàng Trống) màu sắc vui tươi sặc sỡ”.
Hàng thủ công mỹ nghệ khi còn sản xuất ở nông thôn và bán tại chợ quê, thường chưa được quan tâm mấy về mặt thẩm mỹ, hoặc có chăng cũng chỉ ở trình độ thấp, nhưng khi đã nhập vào đô thành, để thỏa mãn người Kẻ Chợ thanh lịch và sành sỏi, nó phải được chú ý nâng cao tính nghệ thuật hơn.
Những tinh hoa của các địa phương dồn tụ về đô thành, thợ thủ công ở đây được dịp học hỏi nhau và trình độ thẩm mỹ cũng được nâng lên, tay nghề thành thạo hơn, tính nghệ thuật đã làm cho sản phẩm thủ công không chỉ có giá trị sử dụng, mà còn có giá trị nghệ thuật.
Ngạn ngữ Hà Nội đã khẳng định niềm tự hào về những người thọ có bàn tay vàng, như sau: “Khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ” hoặc “Ngát thơm hoa sói hoa nhài. Khôn khéo thợ thầy Kẻ Chợ”.
Những bàn tay ấy đã sai khiến màu và nét trên giấy, thành những tờ tranh dân gian. Đã nặn đất thành gốm sứ. Đã biến những vỏ cây đó thành tờ giấy lụa. Đã chăn tằm lấy tơ dệt nên những tấm lụa, là, gấm, vóc.
Đã dùng chỉ màu thêu thành những bức tranh sinh động. Đã từ đồ đồng nát đúc thành những vật báu. Đã từ khúc gỗ thô tạo thành những bức chạm và những pho tượng đẹp.
Đã mang chất xà cừ sần sùi khảm thành những bức tranh lóng lánh. Đã lấy nhựa, son, vàng, bạc làm thành biết bao đồ dùng và tranh sơn mài kỳ thú,… làm đẹp cho kho tàng thủ công mỹ nghệ dân gian Thăng Long – Hà Nội.
Tác giả: Chu Quang Trứ
Bạn đang xem bài viết:
Thấp thoáng nghề đẹp dân gian thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội
Link https://vnlibs.com/dieu-khac/thap-thoang-nghe-dep-dan-gian-thu-cong-my-nghe-o-ha-noi.html