Làng Bát Tràng thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, là một trung tâm gốm sứ từ lâu đời của nước ta. Ngày nay, vẫn hoạt động và phát triển. Nghề gốm sứ ở đây phản ánh ngay ở tên gọi của làng Bát Tràng, là nơi làm bát.
Truyền rằng, ban đầu tên là Bạch Thổ Phường nghĩa là phường của những người thợ làm đồ bằng đất sét, rồi lại đổi là Bát Tràng Phường nghĩa là phường có lò bát. Tên làng đầu tiên Bạch Thổ Phường vốn có nguồn gốc xa xưa.
Mươi năm trước, làng còn đình, trong đình có treo đôi câu đối: “Bồ di thủ nghệ khai đình vũ. Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần”. Nghĩa là: dân làng Bồ dời nghề cũ ra đây xây dựng đình vũ, lòng người tỏa ngát hương lan kính tạ thánh thần.
Ký ức dân làng còn truyền nhau rằng, nguyên quê ở làng Bồ Tát. Làng Bồ Tát còn tên nữa là làng Bạch Tát thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Truyền thuyết địa phương kể rằng: Một số người làng Bồ Tát đi thuyền ngược sông Hồng, để buôn bán, gần đến kinh đô Thăng Long thì thấy một bãi đất hoang phì nhiêu, họ bèn ghé bờ nghỉ đêm.
Đêm ấy, có người mơ được vua Thủy Tề rước xuống thủy cung chơi. Cảm thương cảnh nghèo khó, nên khi khách về, vua sai một đoàn thợ đi theo và xây cho tòa nhà lộng lẫy toàn bằng đất thô.
Về sau, con cháu người này cứ cậy đất thô ra ăn mãi mà tường không đổ,… Tỉnh dậy, người này kể lại giấc mơ cho cả đoàn biết. Mọi người cho đây là điềm lành, bèn quyết định bỏ nghề buôn, ở lại cắm đất làm ấp, lập làng,…
Theo một truyền thuyết dân gian khác, thì nghề gốm Bát Tràng, đã có từ thời Lý. Do ba ông tổ truyền nghề cho dân ba nơi. Mà trong đó, Thổ Hà và Bát Tràng là hai nơi nổi tiếng hơn cả.
Vậy phải chăng, nghề gốm Bát Tràng có từ thời Lý. Truyền thuyết chưa thể tin ngay. Song, ở thời Lý, có sử ghi rõ chùa Một Cột ở Thăng Long có dựng tháp sứ trắng (hoặc bằng lưu ly) tức đồ gốm có men.
Khảo cổ học cũng tìm thấy nhiều đồ gốm trang trí kiến trúc ở các di tích Lý có tráng men xanh. Có điều, những gốm men ấy làm ở đâu thì chưa rõ.
Tài liệu đáng tin cậy sớm nhất, nói tới gốm Bát Tràng là Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi, viết ở đầu thời Lê, cho biết nhà nước định lệ mỗi lần cống Trung Quốc, làng Bát Tràng phải cung ứng bảy mươi bộ bát đĩa.
Vậy ít ra, từ thế kỷ XIV, đồ gốm Bát Tràng đã khá tinh xảo rồi. Sang thế kỷ XVI, nhìn cảnh làng gốm Bát Tràng huyên náo, ngày đêm các lò gốm sứ nhả khói, khách mua hàng đi lại nhộn nhịp, nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã gọi Bát Tràng là “cái lư hương của xứ Kinh Bắc”.
Nhiều chùa cổ còn giữ được những lư hương, và chân đèn có viết hoặc khắc chìm lên xương gốm từ lúc chưa nung, những dòng chữ cho biết thường làm vào các niên hiệu Sùng Khang (1566 – 1578), Diên Thành (1578 – 1585), Đoan Thái (1586 – 1587) và Hưng Trị (1588 – 1590) đời Mạc Hậu Hợp.
Do nhiều người góp công của thuê thợ ở các nơi làm gốm men trắng hoa lam. Trong đó, có thợ ở Bát Tràng xã, Gia Lâm huyện, Thuận An phủ, làm để cúng nhà chùa. Chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây) hiện còn năm chân đèn gốm đời Mạc. Trong bốn chiếc có ghi chữ, thì ba chiếc ghi rõ làm ở xã Bát Tràng.
Những chân đèn kiểu này ở các Viện Bảo Tàng Lịch Sử và Bảo Tàng Mỹ Thuật đều có trưng bày nhiều, cao khoảng chín mươi phân mét, lấy men trắng làm nền, trang trí bằng những hình rồng, phượng, mây, hoa lá vẽ màu xanh lam, hoặc kết hợp hình vẽ với hình đắp nổi để mộc, mà hình đắp dán vào mới là họa tiết chính (rồng, phượng).
Pujio Koyama trong cuốn Gốm Cổ Châu Á (Céramique ancienne de L’Asie), ở trang 397, có giới thiệu ảnh một chiếc chân đèn gốm Việt Nam, trưng bày ở Bảo Tàng Mạc Phủ – Đức Xuyên, mà ông cho biết được mang về Nhật Bản từ cuối thế kỉ XVI, đầu thế kỷ XVII.
Trong cuộc “Triển lãm cổ tích Việt Nam” trường Viễn Đông Bác cổ Hà Nội, đã giới thiệu kết quả sự cố gắng sưu tầm của trường Viễn Đông Bác cổ trong năm mươi năm nay, từ ngày sáng lập.
Trong đó, phần đồ gốm đã dành cho gốm Bát Tràng một vị trí xứng đáng cùng với những nhận xét quan trọng. Một hạng đồ gốm rõ rệt Việt Nam, là những đồ gốm Bát Tràng.
Những đồ gốm đó làm vào khoảng thế kỷ XVI đến XIX. Phần nhiều là đồ thờ, bát hương, bình hoa, cây nến,… do nhiều kỳ mục cúng. Tên những người cúng có khắc thành từng hàng.
Một vài khi có cả tên người thợ làm gốm. Đó là một điều đặc biệt, vì xưa ở nước Việt Nam cổ, phần nhiều những đồ gốm có tính cách mỹ thuật, đều không có tên người làm. Những đồ gốm đó, có cả niên hiệu lúc làm. Đó là những tài liệu quý giá cho mỹ nghệ gốm sứ Việt Nam.
Một số họ ở Bát Tràng còn giữ được gia phả, nói chung những dữ liệu còn ghi được, có thể ngược về trước chừng 20 đời, mà mỗi đời theo quy ước là 30 năm, thì ít ra Bát Tràng cũng đã sầm uất được 600 năm nay.
Theo bài Đình Ký viết năm Bảo Thái thứ 5, tức 1725. Thì trước khi có ngôi đình gỗ lim mái ngói như lúc bấy giờ, làng Bát Tràng xưa đã dựng một ngôi đình cổ bằng tre trúc và lợp cỏ tranh, như miêu tả: “Xưa kia mộc mạc mao từ. Nay thời ngói lợp chu vi trang hoàng. Xưa kia tre trúc tầm thường. Nay thời tứ thiết vững vàng biết bao”.
Hẳn là vào thời điểm làm lại đình ấy, khoảng đầu thế kỷ XVIII, đời sống kinh tế hay nói cách khác là nghề gốm ở đây đang phát triển mạnh. Ngoài đình, Bát Tràng còn có hai ngôi miếu.
Làng thờ những sáu vị thành hoàng, gồm 1 nữ và 5 nam, ngày thường vị thành hoàng nữ ở một miếu, còn năm vị thành hoàng nam ở một miếu, chỉ đến ngày hội làng mới rước tất cả sáu vị thành hoàng lên đình, xong hội lại rước về miếu.
Trong 6 vị này, có một vị là thần Bạch Mã, dân làng cho rằng đây là Hỏa Thần. Các làng làm gốm thường thờ thần Lửa dưới những tên gọi khác nhau. Làng Bát Tràng chỉ có bãi bồi, không có ruộng đất, chết phải chôn nhờ đất làng bên.
Xưa làng có bãi đất sét trắng dùng để làm bát đàn, nhưng dùng mãi đã hết, phải mua nguyên liệu ở xa. Từ khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, Bát Tràng phải mua đất sét vàng ở vùng Dâu (Bắc Ninh) về làm xương gốm.
Còn áo bọc ngoài cốt đất ấy, thì dùng đất trắng mua ở làng Hổ Lao, Hổ Lễ ở Hải Dương. Riêng những loại gốm quý thì làm toàn bằng đất trắng. Khoảng những năm 20 của thế kỷ XX, một số thợ gốm Bát Tràng học thêm được kỹ thuật làm đồ sứ, và qua nhiều lần thể nghiệm, họ đã thành công.
Muốn làm đồ sứ họ phải ra tận Đông Triều mua cao lanh về làm xương gốm. Từ đó, Bát Tràng lại có thêm nhiều sản phẩm nổi tiếng. Quan trọng nhất trong đồ gốm là xương đất dùng để tạo dáng.
Có đất thích hợp rồi phải luyện đất thật kỹ. Đất mua về cho vào tàu giếng, tức một loại bể chứa, để ngâm từ 3 đến 4 ngày, rồi rút nước đi, dùng cuốc, mai và cái nề – một loại kéo xén đất bằng dây thép buộc căng hai đầu càng bằng tre hoặc gỗ – để luyện cho đất mịn dẻo.
Đất luyện kỹ được chia thành từng phần, đưa lên bàn xoay để chuốt thành đồ dùng theo những dáng nhất định. Việc chuốt thường do phụ nữ đảm nhận, họ dùng chân để xoay bàn xoay, còn tay thì vuốt rất mềm mại và chính xác, cả về kích thước và hình dáng những dụng cụ mà mình định tạo ra.
Gần đây, để sản xuất nhanh, người ta đã cơ khí hóa kết hợp với thủ công khâu tạo dáng gốm. Tạo dáng xong thì được hàng mộc, đem phơi cho khô, rồi lại đưa lên bàn xoay để sửa lại, gọi là dồi và nạo, tức là gọt những chỗ u thừa hoặc đắp, chạm những hoa văn trang trí.
Việc sửa này phải do những người thợ có chuyên môn cao đảm nhiệm, cần sự tinh khéo để làm tăng vẻ duyên dáng của đồ vật. Tạo dáng rồi còn phải tráng men. Men Bát Tràng truyền thống là loại men trắng, dùng đất trắng Hổ Lao, Hổ Lễ trộn với những loại tro đặc biệt.
Bát Tràng thường mua tro Quế và tro Lường (Hà Nam), khoảng trăm năm nay còn dùng cả tro trâu, và gần đây còn dùng cả tro vỏ cây đước của các xưởng thuộc da. Tro các loại trên được giã nhỏ mịn.
Bột đất trắng và bột tro trộn theo tỷ lệ nhất định, hòa nước loãng sanh sánh như sữa. Nếu vật phẩm chỉ cần tráng men thôi, thì thường tráng hai lần, lần đầu tráng bằng nước đất trắng, gọi là áo, phơi khô thì tráng lại, phủ ra ngoài một lớp men trắng bóng.
Nếu vật phẩm có hoa văn trang trí, thì phải dùng bút lông vẽ màu lên, có loại vẽ dưới men, loại vẽ giữa men và loại vẽ trên men, tức là vẽ trên xương đất mộc hay xương đất đã tráng men. Sau đó, mới nung.
Men bao giờ cũng có độ nóng chảy thấp hơn xương gốm. Đến nhiệt độ thích hợp thì men chảy ra mà xương gốm vẫn đứng, giữ nguyên dáng hình.
Nét vẽ trang trí phải được thao tác thuần thục, nét bút đã hạ là màu ngấm ngay vào xương mộc, không thể tẩy xóa được, phải đưa nhanh tay, hình được thể hiện theo lối tưởng ý định hình, do đó rất sinh động.
Tráng men song, tức cắt bớt những chỗ men đầy ứ đọng và nạo men thành vòng tròn dưới đáy, để khi nung chồng lên nhau khỏi bị dính. Xong khâu tạo dáng và men thì đến khâu nung trong lò.
Lò gốm của Bát Tràng có nhiều kiểu. Loại nhỏ là những lò vuông ngày nay còn phổ biến ở những gia đình làm riêng, ngang dọc khoảng 0,6m x 1,0m và cao chừng 3m, tùy theo nhiên liệu đốt lò cho nhiều hay ít nhiệt.
Loại to là lò rồng có nhiều ngăn phân chia bởi những tường ngang, mỗi ngăn gọi là một bích. Thành lò phải xây bằng đất sét chịu lửa. Xếp sản phẩm vào lò gọi là chồng lò, do thợ cả đảm nhiệm, vì phải đòi hỏi tay nghề vững vàng.
Khi nung đồ gốm, người ta thường xếp ken gạch mộc hay đá vôi xung quanh thân lò. Vì thế, khi nung gốm, ngoài sản phẩm chính là gốm sứ, còn có sản phẩm phụ là gạch và vôi.
Gạch Bát Tràng nung theo nhiệt độ của gốm sứ, nên già như sành, sẫm lại, rắn đanh, không bị bào mòn bởi mưa gió, rất được nhân dân ưa thích và đã đi vào thơ ca dân gian cũng như thơ ca bác học.
Đồ gốm sứ Bát Tràng có nhiều loại. Những thế kỷ trước, đồ gốm Bát Tràng thuộc loại cao cấp, hiếm quý, nên phần nhiều là đồ thờ, như chân đèn, lư hương, bình hoa,…
Tuy nhiên, cũng đã từ rất lâu rồi, Bát Tràng cũng có nhiều đồ gia dụng mà phổ biến nhất là bát đàn giản dị, bình dân nhưng trang nhã. Gốm Bát Tràng từ lâu đã đi sâu vào đời sống hàng ngày của các gia đình Việt Nam.
Ví dụ như chiếc ấm tích với bộ chén vại khỏe chắc, những chiếc bát chiết yêu duyên dáng, những đĩa và bát ăn cơm mộc mạc, bình dị, trang nhã. Bát Tràng còn làm cả đồ gốm sứ mỹ nghệ nữa.
Nhìn những chiếc đĩa treo tường, lọ hoa các cỡ, các loại con giống, đôn, thống, tượng để bàn và phù điêu,… người ta phải thán phục đến kinh ngạc, tưởng như các nghệ nhân ở Bát Tràng hoàn toàn sai khiến được đất và lửa, để tạo nên những chất ngọc cho đời.
Tác giả: Chu Quang Trứ
Bạn đang xem bài viết:
Làng Bát Tràng lịch sử ghi nhận chuyên nghề gốm Bát Tràng
Link https://vnlibs.com/dieu-khac/lang-bat-trang-lich-su-ghi-nhan-chuyen-nghe-gom-bat-trang.html