Nghề đúc đồng là một nghệ thuật điêu khắc đồng khá phức tạp

Đồng gắn bó với nhân dân ta trong suốt trường kỳ lịch sử. Nó là chất kim loại quý được lấy làm bản vị của các giá trị trao đổi từ xa xưa cho đến tận gần đây.

Được xem là kim thoại thiêng để đúc tượng thờ, và nhiều đồ tế khí. Tuy nhiên, cũng lại gắn với sinh hoạt đời thường của mọi người. Dù sử dụng dưới góc độ nào, thì đồng thường được pha chế thành thỏi rồi gò dát, có khi sau đó còn gia công khắc rạch thêm.

Với quy trình đúc, nghệ thuật điêu khắc đồng khá phức tạp, song có thể vượt lên những phá hoại của thời gian, là chất liệu đích thực của điêu khắc. Chính vì vậy, chúng ta cùng đi khám phá những thành tựu đúng đồng trong lịch sử như thế nào?

Đồ đồng có bề dày lịch sử chỉ đứng sau các đồ đá, tre, gỗ, và gồm. Ở nước ta, đồng tham gia vào thế giới gỗ – gốm – đá từ 4000 năm trước. Chủ nhân của văn hóa Phùng Nguyên phân bố trong lưu vực sông Hồng, đã có những hoạt động chế tác đồng, còn để lại bằng chứng ở các di chỉ khảo cổ học.

Chẳng hạn, di chỉ Gò Bông (Phú Thọ) đã tìm thấy những cục đồng, xỉ đồng chứng tỏ người Phùng Nguyên đã luyện kim tại chỗ, và phân tích thành phần các cục đồng gồm đồng và thiếc, chứng tỏ họ đã biết tạo ra hợp kim đồng thau.

Tuy nhiên, nếu ở văn hóa Phùng Nguyên đồ đồng chưa lấn được thế lực của công cụ đá, nhưng nó đã bắt đầu cội nguồn của văn minh sông Hồng, thì sang giai đoạn văn hóa Đồng Đậu kế tiếp.

Ở các di vật đã biểu hiện một sự kết thừa, nâng cao, đổi mới, thì đồ đồng đã khá phổ biến, chiếm khoảng ⅕ số công cụ và vũ khí với nhiều loại hình phong phú như rìu, dũa, lưỡi câu, mũi lao, mũi tên,…

Quan trọng nữa là còn tìm được những khuôn đúc đồng bằng đá, bằng đất, có khuôn đúc một hiện vật, có cả khuôn cùng một lúc đúc nhiều hiện vật, tất cả đã khẳng định sự phát triển của kỹ thuật luyện kim đồng thau là đặc trưng quan trọng của văn hóa Đồng Đậu.

Chuyển sang giai đoạn Gò Mun, cùng với nhiều hướng giảm sút của đồ đá về cả số lượng, loại hình, thì đồ đồng thau phát triển mạnh, chiếm ưu thế với tỷ lệ hơn 50% tổng số công cụ và vũ khí, mà bên cạnh những loại hình đã có còn sáng tạo thêm được rìu lưỡi xéo, dùng đồng làm cả đồ trang sức như vòng tay.

Việc tìm ra, khẳng định các giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun là cống hiến quan trọng của giới khảo cổ học Việt Nam. Nó đã nối liền trực tiếp và liên tục từ thời đại đồ đá mới đến văn hóa Đông Sơn rực rỡ, khiến các học giả phương Tây phải choáng ngợp mà hoài nghi nguồn gốc.

Ở đây, dưới góc độ đồ đồng, các giai đoạn trước đã chuẩn bị đầy đủ, đến văn hóa Đông Sơn thì đồ đồng đạt đến mức hoàn hảo cả về kỹ thuật và nghệ thuật.

Cho đến văn hóa Đông Sơn, đồ đá phần lớn chỉ còn để trang sức, đồ gốm nặng ý nghĩa thực dụng, tất cả bị đẩy lùi về phía sau đồ đồng. Ngày nay, chúng ta có bộ sưu tập đồ đồng Đông Sơn, gồm 60 loại hình phong phú, độc đáo với số lượng lớn, kích thước rất khác nhau.

Có công cụ sản xuất trong nông nghiệp và trong thủ công nghiệp, có vũ khí đánh gần, đánh xa và phương tiện phòng vệ, có nhiều dụng cụ gia đình, đồ trang sức, nhạc khí và tượng nghệ thuật.

Các loại hiện vật trên, chẳng những có nhiều loại kiểu dáng khác nhau, mà còn có trang trí đẹp, đòi hỏi người thợ thủ công cũng là nghệ nhân dân gian. Do đó, ngoài giá trị thực dụng, còn có giá trị nghệ thuật cao.

Nổi trội lên ở văn hóa Đông Sơn, trở thành biểu trưng của văn minh sông Hồng, là trống đồng Đông Sơn được phân bố trên một địa bàn rộng lớn của vùng Đông Nam Á.

Trong đó, riêng Việt Nam cho đến năm 1980 có 169 chiếc (gồm 91 chiếc loại lớn và trung bình, và 78 chiếc trống minh khí). Các nhà sử học Việt Nam, đã khẳng định: “miền Bắc Việt Nam được coi là một trung tâm xuất hiện và truyền bá sớm của trống đồng Đông Sơn”.

Trống đồng Đông Sơn của người Việt cổ

Trống đồng Đông Sơn cả về kỹ thuật đúc, nghệ thuật tạo dáng, trang trí là sáng tạo tuyệt vời của người Việt cổ. Trong đó, những hình trang trí phủ đầy bề ngoài trống, đã phản ánh trung thực con người, đương thời trong các hoạt động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, vui chơi, tín ngưỡng, và cả nhiều sinh vật gắn bó với con người.

Do đó, đồng trước giai đoạn Đông Sơn chủ yếu là công cụ và vũ khí yêu cầu có độ cứng, độ sắc cao, nên hợp kim đồng thay có tỷ lệ đồng là 80% đến 90%, thiếc từ 10% đến 20%, còn hàm lượng chì rất thấp (chỉ 0,01% đến 0,4%) ngang với tỷ lệ vài tạp chất.

Sang giai đoạn Đông Sơn, do đồng thau được dùng phổ biến, để đúc nhiều hiện vật mang tính nghệ thuật, người Đông Sơn đã biết giảm tỷ lệ đồng và thiếc, để tăng hợp kim đồng – thiếc – chì có độ dẻo, dễ điền đầy các chi tiết của khuôn đúc.

Các di chỉ văn hóa Đông Sơn còn cung cấp cho ta một số nồi nấu đồng, khuôn đúc rìu, dao găm, giáo, chuông,… có cấu tạo khuôn, kỹ thuật làm khuôn chứng tỏ người thợ đúc đồng đương thời.

Có đôi mắt bằng ngọc, đôi tay bằng vàng, mà còn có hiểu biết sâu sắc về kỹ thuật luyện kim, tạo được những lò nấu đồng chịu đựng được nhiệt độ rất cao 1400 độ C.

Từ thế kỷ II trước Công nguyên, đất nước ta bị Bắc thuộc, cũng là lúc văn hóa Đông Sơn tiếp xúc với văn hóa Hán, nhưng vẫn còn giữ được trong vài thế kỷ.

Cụ thể, ở nghề đúc đồng, trống đồng vẫn được đúc. Song, đã cải biên hay trá hình chậu úp, đồng thường được dùng để đúc những dụng cụ gia đình, những đồ tế tự, và những mặt hàng mỹ nghệ.

Câu chuyện Mã Viện, sau khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đã lùng tìm thấy rất nhiều trống đồng, và phá ra lấy đồng đúc ngựa tốt dâng vua Hán, chứng tỏ nghề đúc đồng thời đó vẫn ở một trình độ cao.

Để kìm hãm, thậm chí nhằm phá hoại sâu xa thủ công nghiệp nước ta, thái thú Giao Chỉ là Tôn Tú, đã lùng bắt hàng nghìn thợ giỏi ta, đưa về Giang Đông dâng vua Ngô, để xây dựng kinh đô Kiến Nghiệp, chắc hẳn trong đó, có những người thợ đúc đồng tài ba của nước ta.

Theo Chu Khứ Phi, các thời Đường, thời Tống, và thời Nam Tống, bọn đô hộ phương Bắc, trong khi vơ vét tài nguyên nước ta, đã kéo bễ đỏ cả núi. Chắc chắn trong đó, có việc khai mỏ và đúc đồng, cùng phản ánh chính sách của bọn đô hộ, vừa kìm hãm vừa nuôi dưỡng ở mức nhất định, để khai thác đối với nghề đúc đồng của nước ta, mà bằng chứng cụ thể là quả chuông Thanh Mai mới được phát hiện năm 1986.

Quả chuông này, được tìm thấy ở dưới độ sâu 3m5 trong bãi sa bồi ven sông Đáy, thuộc xã Thanh Mai (huyện Thanh Trì – Hà Tây), có hình dáng giống như các quả chuông cổ Việt Nam còn thấy (đúc từ thời Trần về sau), nhưng miệng thẳng chứ không loe ngang.

Quai chuông đã làm thành đôi rồng, đấu lưng vào nhau uốn cong lên, thân chuông có những nhóm chỉ nối ngang và dọc, chia mặt chuông làm 4 ô trên và 4 ô dưới, để khắc bài văn có hai núm gỗ hình tròn, với 10 cánh hoa bao quanh.

Bài văn chuông cho biết chuông được đúc năm Mậu Dần, hiệu Trinh Nguyên thứ 14, tức năm 798, nặng 90 cân Nam (nay cân được 46kg), thân chuông cao 52cm, quai chuông cao 8cm.

Chuông do Hội Tùy Hỉ của những người Hoa và những người Việt cùng đúc. Đây là một thành tựu xuất sắc của kỹ thuật đúc đồng ở thế kỷ VIII. Cách tạo dáng, cấu trúc và độ dày của hợp kim đồng thau, làm cho chuông có âm hưởng ngân vang, phù hợp với âm thanh của các lễ cầu nguyện như chính bài minh ghi rõ:

“Hồi tâm dụng phúc. Cùng tạo minh chung. Trời xa ứng nghiệm. Địa ngục tường minh. Tam đồ hết khổ. Bát nạn tiêu khuynh. Thân nay giả hữu. Muôn kiếp lưu danh. Cận kề Phật pháp. m hưởng cùng vang. Công danh xin gửi. Bất diệt vô sinh”.

Trên cơ sở nguồn gốc sâu xa, từ văn hóa Phùng Nguyên và đỉnh cao ở văn hóa Đông Sơn, nghề thủ công được tồn tại khéo léo trong nghìn năm Bắc thuộc, không những về kỹ thuật, mà còn trở thành một chỗ dựa tinh thần, để bảo tồn văn hóa dân tộc.

Trống đồng được xem như vị thần bản mệnh của dân tộc, được dân gian lập đền thờ. Trong đó, có đền Đồng Cổ (đền Trống Đồng) ở Đan Nê (Thanh Hóa). Cho đến khi đất nước độc lập, nhà Lý đã rước thần trống đồng từ Đan Nê về Thăng Long, lập đền Đồng Cổ ở Bưởi để hàng năm triều đình đến tổ chức ăn thề.

Nâng cao địa vị thần Trống Đồng lên tột đỉnh, nhà Lý cũng đồng thời phục hưng lại nghệ thuật đúc đồng. Đưa kỹ thuật đúc đồng lên một đỉnh cao mới, xây dựng những truyền thuyết và lịch sử hóa truyền thuyết về việc tổ đúc đồng, và những kỳ quan đồ uống.

Để gây ấn tượng đậm, và niềm tin sâu, không chỉ ở đương thời mà truyền mãi về sau. Về ý định này, thực sự nhà Lý đã thành công, và nhờ đó mà đồ đồng, đã có một cuộc sống thần kỳ ở cả chính sử và dã sử.

Sử sách còn ghi nhận nhiều lần đúc đồng, tạo ra những khí vật lớn và thiêng. Năm 1031, đúc chuông chùa Long Trì nặng 10,000 cân đồng, năm 1035 đúc chuông chùa Trung Quang nặng 6,000 cân đồng, năm 1041 phát 7,500 cân đồng để đúc tượng Phật, hai vị Bồ Tát và chuông lớn ở Viện Từ Thị Thiên Phúc, năm 1056 phát 12,000 đồng đúc chuông chùa Sùng Khánh Bảo Thiên,…

Trong khí vật là chuông, thì nổi lên yêu cầu về tiếng phải vang ngân, người thợ đúc đồng đã khám phá ra một công thức hợp kim, là pha thêm kim loại quý vào để đúc phần vú chuông.

Vì thế, năm đầu của vương triều mình, nhà Lý đã phát 1,680 lạng bạc để pha đúc chuông chùa Đại Giáo, năm 1014 phát 310 lạng vàng để pha đúc chuông chùa Hưng Thiên, và phát 800 lạng bạc để pha đúc chuông chùa Thắng Nghiêm,…

Việc khai thác mỏ đồng, cũng được sử sách xác nhận. Chẳng hạn, từ năm 1198, tổ chức khai thác mỏ đồng lục ở Lạng Châu. Ký ức nhiều người còn ghi đậm truyền thuyết đã lịch sử hóa về ông Tổ đúc đồng, gắn liền với kỳ quan Tứ Đại Khí.

Gạt đi những chi tiết thần kỳ về việc tu luyện và chữa bệnh, chỉ riêng ở phạm vi đúc đồng, thì mỗi nơi kể đều địa phương hóa để tự hào, nhưng cái chung là.

Vào thời Lý, sư Không Lộ mang một cái túi nhỏ sang Trung Quốc quyên giáo đồng, được vua Trung Quốc cho vào kho, sư bèn làm phép thu tất cả đồng vào túi rồi tìm cách về nước.

Về nước, sư đúc một quả chuông lớn, khi đúc xong đánh thử, tiếng vang truyền sang tận Trung Quốc khiến con trâu vàng ở kho tưởng mẹ gọi bèn lồng sang ta. Sợ tiếng chuông làm các nước mất hết vàng, sẽ gây thù oán với ta, sư bèn vất chuông xuống hồ nước, trâu vàng cũng xuống hồ theo. Số đồng còn lại, sư cho đúc bốn khí vật lớn là chuông Quy Điền, tháp Bảo Thiên, Phật chùa Quỳnh Lâm và vạc chùa Phổ Minh.

An Nam tứ đại khí là gì?

An Nam Tứ Đại Khí là một trong bốn bảo vật quốc bảo, kỳ quan của văn hóa thời Lý và thời Trần với bốn công trình nghệ thuật bằng đồng tinh xảo và điêu luyện.

Cả bốn khí vật này, đều đã mất từ lâu. Trong đó, hai khí vật ở Thăng Long (chuông Quy Điền và tháp Bảo Thiên) được gán cho quân Minh phá năm 1426, để lấy đồng đúc vũ khí chống lại nghĩa quân Lam Sơn. Nhưng… truyền thuyết kết hợp với sử sách và văn bia còn xác nhận.

Chuông Quy Điền. Chùa Một Cột xây năm 1049, đến năm 1101 nhân sửa chùa, có đúc một quả chuông lớn. Chuông đúc xong nặng không thể treo lên được, bèn để ở ruộng nước có nhiều rùa, nhân đó thành tên chuông Quy Điền.

Tháp Bảo Thiên. Chùa Bảo Thiên xây bên cạnh hồ Lục Thủy (hồ Hoàn Kiếm ngày nay) vào năm 1056, năm sau tại sân chùa xây cây tháp Đại Thắng Tư Thiên cao vài mươi trượng. Gồm 12 tầng, tầng dưới bằng đá, các tầng trên bằng đồng, trên đỉnh tháp có tượng tiên nữ bưng mâm ngọc, hứng móc ngọt. Cho đến đời Tây Sơn, còn thấy nền tháp với một số tượng đá đẹp.

Phật chùa Quỳnh Lâm. Chùa Quỳnh Lâm ở Đông Triều, có tượng Phật Di Lặc cao 6 trượng, đặt trong tòa điện cao 7 trượng, đứng xa mười dặm còn trông thấy rõ.

Vạc Phổ Minh. Chùa Phổ Minh ở Nam Định có chiếc vạc mà hai người chạy đuổi nhau trên miệng được. Có tài liệu nói, vạc này sâu 4 thước, rộng hơn 10 thước, và nặng 6,150 cân.

Thời Trần sử sách ít nói đến đồ đồng, nhưng việc sử dụng rộng rãi trống đồng trong các lễ nghi long trọng, và tác dụng lớn lao của tiếng trống đồng đã được xác nhận chắc chắn.

Đời vua Trần Nhân Tông (1270-1293) trong cuộc đón sứ nhà Nguyên, đã cho đánh trống đồng giữa những hàng lính cầm gươm giáo sáng lóa, khiến sứ giả Trần Cương Trung phải run sợ thú nhận:

“Kim qua ảnh lý đan tâm khổ. Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh” (Dịch nghĩa: Thấy gươm sắt lóe sáng lòng đau khổ. Nghe tiếng trống đồng sợ bạc cả đầu).

Tiếng trống đồng đón sứ Nguyên thế nào không rõ, nhưng đền thờ thần Trống Đồng ở Đan Nê còn có biển ghi rõ: “Treo lên đánh thấy tiếng giống tiếng trống mà mạnh hơn, giống tiếng chuông mà ngân, giống tiếng khánh mà êm”.

Và chắc chắn, là một số hiện vật bằng đồng của thời Trần đã được phát hiện. Đó là đôi vòng để mắc cáng(?) và đôi bàn đạp yên ngựa tìm thấy trong mộ vua Trần ở Yên Sinh, được đúc khéo, trang trí đẹp với hình rồng, điển hình của nghệ thuật thời Trần.

Và đặc biệt, là quả chuông ở những ngôi chùa thuộc vùng biên giới ba phía của đất nước. Chuông chùa Bình Lâm ở Cao Bằng, đúc năm Ất Mùi, niên hiệu Hưng Long, tức năm 1295, được phát hiện năm 1978, chuông chùa Vân Bản ở Hải Phòng, được vớt ở vùng biển Đồ Sơn năm 1958, và chuông chùa Rối ở Hà Tĩnh phát hiện năm 1990.

Hai quả chuông sau tuy không ghi niên đại, nhưng với kiểu dáng hoa văn trang trí và một số quan tước cùng tên người, chắc chắn thuộc cuối thời Trần. Những quả chuông này, dù tìm thấy ở dưới nước biển (chuông chùa Vân Bản) hay trong lòng đất (chuông chùa Rối).

Đều không bị sự phá hoại của môi trường, chứng tỏ một kỹ thuật luyện kim cao, tất cả đều thuộc loại chuông lớn, với kiểu dáng ổn định khá giống nhau. Có thể lấy chuông chùa Vân Bản để xem xét.

Chuông cao 1,27m (cả quai), miệng rộng 0,74m, dáng phát triển từ chuông Thanh Mai, với sáng tạo là miệng loe hình cánh sen và có 6 núm đánh, con rồng ở quai treo vẫn còn mào lửa, nhưng văn dạng chữ S (vốn không thể thiếu ở rồng thời Lý) thì nay, chỉ còn ở một má. Văn chuông cho nhiều tài liệu quý về xã hội đương thời.

Thời Lê sơ hiện vật đồng còn lại ít, cơ bản là những đồng tiền đồng vốn đã có từ thời Đinh, mà sau đấy tất cả các nhà nước quân chủ độc lập của nước ta, đều cho đúc và lưu hành rộng rãi.

Thời Mạc, ngoài tiền còn có hai quả chuông đồng lớn (cao 1,55 mét và 1,75 mét) ở chùa Viên Minh (tức chùa Đà Quận) thuộc tỉnh Cao Bằng, đúc năm Tân Hợi, niên hiệu Kiền Thống 19, tức năm 1611, dáng cơ bản gần chuông thời Trần. Song, kỹ thuật đúc do có thêm nhiều sắt trong hợp kim, nên có màu gần với gang và mặt bị sần oxide hóa.

Sang thời Lê Trung Hưng, dù năm 1776, khi chiếm được Đàng Trong, nhà nước Lê – Trịnh đã cho phá những súng đồng nòng rộng không dùng được, những đồ đồng nặng không mang đi được, những đỉnh to vạc lớn nặng 700 cân đến 800 cân trở xuống,… lấy được của chúa Nguyễn để đúc tiền.

Và ở Đàng Ngoài, sau lần thu vét đồng năm 1740 của vua Lê Cảnh Hưng. Năm 1786, vua Lê Chiêu Thống theo lời tâu của Nguyễn Hữu Chỉnh lại cho thu vét chuông đồng, tượng đồng ở các chùa đền, để lấy đồng đúc tiền.

Với những hành động trên, chắc chắn rất nhiều khí vật quý bằng đồng đã bị thu phá, để đúc thành tiền. Thế nhưng, chẳng những một số đồ đồng của thời Mạc trở về trước.

Ngày nay vẫn còn, mà cũng còn giữ được khá nhiều đồ đồng của thời Lê Trung Hưng (kể cả ở Đàng Trong), từ những hiện vật nhỏ như đồng tiền, đến những hiện vật lớn và rất lớn là tượng, chuông và vạc.

Nổi trội lên trong nghệ thuật đúc đồng thời Lê là tượng Trấn Vũ ở đền Quan Thánh (Hà Nội) bằng đồng hun đúc năm Vĩnh Trị 2 (1677) cao khoảng 9 thước (3m72) nặng 6,600 cân (4,000 kg).

Thể hiện một vị thần là đạo sĩ ngồi xõa tóc, chân để trần, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm, thân gươm có rắn quấn, và chống lên lưng rùa. Tượng Trấn Vũ chẳng những là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mà về kỹ thuật đúc đồng đã đánh dấu một đỉnh cao.

Chính vì thế, mà tác giả của pho tượng đồng này là nghệ nhân Trùm Trọng, cũng được tạc tượng đá cao bằng người thực, và để thờ trong khám ở sát hồi tường bên trái của tòa điện chính. Đó là sự tôn vinh cao nhất đối với người nghệ nhân.

Đàng Trong là vùng đất mới, các chúa Nguyễn khi vào trấn thủ đã tìm mọi cách thu hút dân ngoài Bắc vào theo. Trong đó, có những người thợ đúc tài giỏi, và trong mưu đồ cát cứ đã xây dựng một số công trình, để khẳng định quyền lực của mình.

Dưới góc độ nghề đúc đồng, các chúa Nguyễn ở từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XVIII đã để lại những vạc, chuông rất đặc sắc, hiện còn một số ở Huế. Hiện còn giữ được 10 chiếc vạc lớn đều đúc ở thế kỷ XVII.

Trong đó, nổi lên hai chiếc vạc ở sân trước các nhà Tả vu và Hữu vu trong Đại Nội, đúc vào các năm 1660 và 1662, cao 1m5, cả quai cao 1m3, miệng rộng 2m22, chu vi gần 6m, nặng xấp xỉ nhau, chiếc lớn nhất là 2582 cân, dáng thành đứng miệng loe.

Mặt ngoài thân chia ra các dải ngang. Trong đó, lại chia ô, mỗi ô là một hình trang trí hoa lá và nhất là chim thú hầu hết chuyển động ngược chiều kim đồng hồ (là chuyển động thuận đã được xác định từ trống đồng Đông Sơn).

Chuông đồng ở Đàng Trong không nhiều như ở Đàng Ngoài. Song, lại có quả chuông to nhất và rất đặc sắc ở chùa Thiên Mụ, được gọi là Đại Hồng Chung đúc năm 1710, thân cao 1m9 (nếu kể cả bồ lao treo là 2m47), miệng rộng 1m42, chu vi thân 3m61, nặng 3,285 cân 8 lạng (2,052 kg).

Với nhiều hình trang trí đẹp gồm rồng, mây, tinh tú, và bát quái, được đúc rất mịn, tiếng vang ngân chứng tỏ một kỹ thuật luyện kim đồng thau đạt tới đỉnh cao. Những vạc và chuông lớn này, đã vượt lên trên lệnh phá năm 1740, và 1776 của nhà Lê – Trịnh.

Do lệnh thu vét đồng của vua Lê Cảnh Hưng và vua Lê Chiêu Thống, nhiều chùa ở ngoài Bắc đã bị mất chuông, khi nhà Tây Sơn lên đã cố gắng khắc phục, nhất là trong thời Cảnh Thịnh, khắp nơi tổ chức đúc lại chuông chùa, quán.

Ngày nay, tuy chưa tổ chức điều tra tổng thể, nhưng chúng tôi cũng nắm được sơ yếu lý lịch của gần trăm quả chuông thời Tây Sơn, phần lớn cao trên 1m20, một số quả cao tới 1m50, có quả cao tới 1m74 như chuông chùa Thầy (Hà Tây).

Được tạo dáng đẹp với tỷ lệ chiều cao thường gấp đôi chiều rộng, bồ lao treo là hai hoặc một con rồng hoàn chỉnh. Những quả chuông này, chẳng những quý mà còn là vật thiêng thông truyền sự giác ngộ, như bài văn chuông chùa Bộc (Hà Nội) vốn đúc năm 1795 (sau đúc và khắc lại ở thời Nguyễn).

“Từng nghe: Dường như không mà lại có, đạo do phương tiện mà hình ra được. Có lòng mộ cảm tất thông được với đạo, âm thanh vang vọng rất xa. Công đức nhỏ có thông báo nhỏ, công đức lớn có thông báo lớn. Còn đối với chuông gõ nhỏ thì kêu nhỏ, gõ mạnh thì tất kêu to,… Phật vốn nhìn vào mà không thấy, còn có chuông thì nhìn thấy cái cần thấy. Phật vốn là nghe mà không nghe thấy, còn có chuông thì nghe được cái cần nghe,… Ở chốn chùa chiền có tiếng chuông làm cho người ta được như ở trên trời, được nghe tiếng sáo vang vọng không trung. m thanh của chuông không bao giờ dứt. Phật cũng không thể bị tắt chìm đi. Tuy vậy, cái ẩn náu ở cái không thì khó, mà biết được thế nào, còn cái được thể hiện ở cái có thì là cái nhìn và cái nghe được chăng?”

Nghề đúc đồng để lại nhiều thành tựu xuất sắc ở thời Nguyễn. Mặc dù, năm 1813, vua Gia Long cấm nhân dân Bắc Kỳ xây dựng chùa quán cùng với việc đúc tượng và đúc chuông. Nhưng nhiều nơi nhân dân vẫn đúc chuông. Trong đó, tiêu biểu là quả chuông chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) đúc năm 1815, cao tới 1m52, miệng rộng 0m71.

Các đời vua sau đó, càng đúc nhiều chuông, hầu hết chuông đời Tự Đức là loại chuông lớn, như chuông chùa làng Chèm (Hà Nội) đúc năm 1878, cao 1m41, miệng rộng 0m68. Nhưng… thành tựu đúc đồng thời Nguyễn, nổi trội vẫn là ở Huế, mà tiêu biểu là các bộ cửu vị thần công và cửu đỉnh.

Cửu vị thần công là gì?

Cửu vị thần công là chín khẩu đại bác lớn, được đặt tên là Xuân Hạ Thu Đông và Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, đều được triều đình Huế phong là Thần Uy Vô Địch Thượng Tướng Công.

Từng khẩu đều dài tới 5m10 và nặng trung bình tới 17,500 cân, thân súng được chạm tỉ mỉ hoa lá, còn khắc rõ danh hiệu, vị thứ, trọng lượng, cách sử dụng và niên đại Bính Tý năm Gia Long 15, tức 1816.

Bộ cửu vị thần công này, là những khí vật bằng đồng khổng lồ hiện còn. Nhưng đúc hoàn hảo cả về kỹ thuật và nghệ thuật, được mọi người quan tâm đến nhiều hơn cả, lại là bộ cửu đỉnh.

Cửu đỉnh thần công là gì?

Cửu đỉnh thần công là chính chiếc đỉnh, đặt ở sân Thế Miếu, mang các tên Cao – Nhân – Chương – Anh – Nghị – Thuần – Tuyên – Du – Huyền muốn biểu hiện một vòng lịch đại đầy đủ. Trong đó, Cao là thế hệ khởi đầu và Huyền là thế hệ truyền nối xa nhất.

Tất cả đều ghi rõ đúc năm Ất Mùi, niên hiệu Minh Mạng 16, tức 1835. Dáng chung của các đỉnh như một lư hương tròn có ba chân cao, bề thế, được xem như tác phẩm điêu khắc hoành tráng.

Xung quanh bầu đỉnh còn nổi một mảng tên đỉnh, và 17 mảng các hình chạm nổi về cảnh trí đất nước, tinh tú, hiện tượng thiên nhiên, và các sinh vật xem như những phù điêu treo xung quanh đỉnh.

Từng chiếc, trọng lượng, kích thước có xê dịch, nặng từ 3,201 cân đến 4,307 cân, và cao từ 2m31 đến 2m5 (cả quai), chu vi bầu từ 5m5 đến 5m7. Đã có nhiều người bàn đến kỹ thuật đúc đỉnh, với những hình chạm nổi. Xu hướng chung cho là đúc liền khuôn, và như thế việc làm khuôn đúc khá phức tạp, được giải quyết mỹ mãn.

Sang thế kỷ chúng ta, để khai thác nghề đúc đồng cổ truyền. Ngay từ năm 1907, chính quyền thực dân Pháp đã mở trường Mỹ Nghệ Đồ Gốm và Đúc Đồng ở Biên Hòa. Nhưng thành tựu nổi trội về nghề đúc đồng, vẫn nằm ở trong dân gian và ở ngoài Bắc.

Tuy mục đích chính của nghề đúc đồng bây giờ không phải làm cho Nhà nước, hay cho các điện thờ tôn giáo, mà là làm những đồ gia dụng của nhân dân với kích thước nhỏ. Song, khi cần đúc những tác phẩm nghệ thuật lớn, các nghệ nhân đúc đồng vẫn có thể thực hiện thành công tốt đẹp nhất.

Điển hình là việc nhân dân phường đúc đồng Ngũ Xã (Hà Nội) đã đúc cho chùa Làng Minh, pho tượng Phật A Di Đà vào năm 1952, cao 3m95, chu vi 11m6, hai đầu gối cách nhau 3m60. Riêng tượng nặng 12,300 kg (tương đương 19,680 cân).

Ngoài ra, còn đài sen để đặt tượng có 96 cánh nặng 1600kg đồng nữa (tương đương 2560 cân). Như vậy, cả tượng và đài sen đều bằng đồng, nặng 22,240 cân đồng, vượt xa mọi khí vật cổ truyền hiện còn.

Thành tựu của nghề đúc đồng Việt Nam, suốt chiều dài lịch sử 4,000 năm dựng nước, còn để lại đến nay chỉ một phần. Song, thật đáng ngạc nhiên. Trên cơ sở ấy, chúng ta hoàn toàn tin tưởng ở triển vọng nghề đúc đồng ngày nay.

Tác giả: Chu Quang Trứ

Bạn đang xem bài viết:
Nghề đúc đồng là một nghệ thuật điêu khắc đồng khá phức tạp
Link https://vnlibs.com/dieu-khac/nghe-duc-dong-la-mot-nghe-thuat-dieu-khac-dong-kha-phuc-tap.html

Tìm kiếm có liên quan: Các thể loại điêu khắc; Cơ sở đúc đồng truyền thống Huế; Chạm khắc đồng hồ; Điêu khắc là gì; Làng đúc đồng Huế; Làng nghề đúc đồng nổi tiếng Việt Nam; Làng nghề đúc đồng Thái Bình; Lịch sử điêu khắc Việt Nam; Nghề đúc đồng; Nghệ thuật điêu khắc đồng cao cấp; Nghệ thuật điêu khắc gỗ; Nghệ thuật điêu khắc Việt Nam; Nguồn gốc nghề đúc đồng; Quy trình đúc đồng; Sản phẩm của nghề đúc đồng; Tác phẩm điêu khắc nổi tiếng Việt Nam.