Từ chiều sâu 4000 năm với bao nhiêu biến thiên, nghề đúc đồng cổ truyền Việt Nam, còn để lại một số trung tâm ngày nay vẫn còn hoạt động, trước hết liên quan đến Tổ Nghề.
Nghề đúc đồng ở nước ta được khởi lên từ văn hóa Phùng Nguyên 4000 năm trước. Song cụ Tổ nghề mà các nơi đúc đồng thờ, thực ra không phải là tổ sáng tạo mà chỉ là tổ phục hưng sau 3000 năm đã có nghề.
Trở lại nhân vật Khổng Lồ trong truyền thuyết về ông tổ đúc đồng, tùy từng vùng được đồng nhất với một trong hai vị thiền sư có thật ở thời Lý là Dương Không Lộ (1016 – 1094) và Nguyễn Minh Không (1065 – 1141).
Dù hai thiền sư sống cách nhau gần nửa thế kỷ, song truyền thuyết đã tái sáng tạo lịch sử, để hai thiền sư trên đã cùng với Từ Đạo Hạnh sang Tây Phương tu luyện, khi đắc đạo rồi trở về nước, mỗi người tu ở một nơi.
Từ Đạo Hạnh tu ở chùa Thầy, sau đầu thai làm vua Lý Thần Tông. Nguyễn Minh Không tu ở chùa Keo, sau có công chữa khỏi ác bệnh cho vua Lý Thần Tông nên được ban quốc tính, và phong là quốc sư, có đền thờ ở phố Lý Quốc Sư (Hà Nội).
Còn Dương Không Lộ tu ở chùa Phả Lại (Bắc Ninh) có hai chú tiểu là Phạm Quốc Tài quê ở Đề Cầu (còn gọi là Đề Kiều – Thuận Thành – Bắc Ninh) và Trần Lạc quê ở Đông Mai (còn gọi là làng Nôm hay cầu Nôm – Văn Giang – Hưng Yên nhưng xưa là Bắc Ninh), ngoài việc tu hành còn giỏi đúc đồng.
Có thuyết kể chính thiền sư Dương Không Lộ sau khi xin được đồng của Trung Quốc, đã về chùa núi Phả Lại đúc quả chuông khổng lồ, khi đánh thử thì trâu vàng chạy theo, nhưng khi tiếng chuông tắt thì trâu mất hút. Bèn xuống hồ Lãng Bạc đầm, sư bèn đạp chuông rơi xuống sông Lục Đầu.
Nơi chuông rơi xuống, về sau vẫn được gọi là Vực Chuông. Khi hai chú tiểu đã thạo nghề, sư phụ cho họ về quê dạy dân làng đúc đồng. Dân Đề Cầu và Đông Mai biết đúc đồng thờ Không Lộ làm tổ sư, và thờ cả hai chú tiểu là Phạm Quốc Tài và Trần Lạc.
1. Trung tâm đúc đồng Đề Cầu và Đông Mai.
Từ những thiền sư là con người của lịch sử, nhưng đã huyền thoại hóa, dân gian xây dựng nên truyền thuyết ông Khổng Lồ dạy dân đúc đồng. Nhân vật ông Khổng Lồ chính là sự khái quát một dạng anh hùng văn hóa kỳ vĩ, và truyền thuyết cũng ghi nhận một sự thực là địa danh của hai nơi đúc đồng nổi tiếng: Đề Cầu và Đông Mai.
Đề Cầu và Đông Mai là hai xã, từ xa xưa đã thuộc hai huyện khác nhau (Siêu Loại và Văn Giang) của tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc hai huyện của hai tỉnh (Thuận Thành – Bắc Ninh; Mỹ Văn – Hưng Yên).
Nhưng lại sát cạnh nhau, nên sự phân chia chỉ có tính cách hành chính, còn trong sinh hoạt xã hội, kinh tế và tình cảm hoàn toàn hòa nhập, có thể coi là một trung tâm gọi gọn là Đề Cầu.
Đề Cầu là một xã lớn, nên ở thời Nguyễn, tên xã trở thành tên tổng, cũng là một xã cổ, nên cả xã có 4 thông đều có tên chữ và tên nôm là Châu Mỹ (Mé), Diễn Tiền (Điền), Hạ (Rí Hạ) và Thượng (Rí Thượng). Ngày nay, Đề Cầu mang tên mới là Nguyệt Đức thuộc huyện Thuận Thành của Bắc Ninh.
Đông Mai là một xã nhỏ, thời Nguyễn thuộc tổng Đại Từ huyện Văn Giang, nhưng trong thời Pháp thuộc tổng Đại Từ nhập vào tỉnh Hưng Yên, nay là làng Cầu Nôm thuộc xã Đại Đồng huyện Mỹ Văn – Hưng Yên.
Làng Đông Mai tục gọi là làng Nôm, đầu làng có chợ là nơi trao đổi hàng hóa và phẩm vật mà của Đề Cầu chiếm hàng đầu, nên gọi là chợ Cầu Nôm, tên chợ gọi quen thành tên làng.
Câu ca dao “Đồng nát thì về Cầu Nôm” đã nói lên hoạt động chính của dân Cầu Nôm là chuyên mua đồng nát, về nấu lại thành đồng thau bán cho các làng Văn Ó (Ó Nghé), Xuân Phao (Ó Phèo), Long Thượng (Rồng).
Cùng xã Đề Cầu đúc ra các vật bằng đồng như chuông, đỉnh, tượng, sanh, nồi, linh,… rồi Cầu Nôm lại mua sản phẩm đúc của các làng trên, để mang bán khắp chợ miền xuôi và miền ngược.
Trung tâm đúc đồng Đề Cầu này, vừa sản xuất vừa phân phối, nguyên liệu chủ yếu là tái chế từ đồng nát. Sách Phong Thổ Hà Bắc đời Lê, ghi nhận: “Đề Cầu đúc đồng, đúc thành các thứ tiền đồng, đỉnh đồng, sanh đồng, nồi đồng không thiếu thứ gì”.
2. Trung tâm đúc đồng Ngũ Xã.
Vào thời Lê, nhân dân 4 thôn của xã Đề Cầu và nhân dân Đông Mai bị nhà nước trưng tập về kinh đô Thăng Long đúc tiền đồng, và những khí vật bằng đồng cần dùng cho triều đình, sau được phép ở lại bán đảo thuộc hồ Trúc Bạch.
Lập ra một làng đúc đồng mới gọi là Ngũ Xã Tràng, để nhắc các thế hệ con cháu nhớ về “Trường đúc của nhân dân năm xã” gốc ở Đề Cầu và Đông Mai, cũng rước tổ sư Không Lộ ở quê ra thời trong đền riêng.
Ở đây, có đất tốt, dẻo mượt cần cho việc đắp lò, làm khuôn, lại sẵn nước cần dùng trong kỹ thuật đúc. Các thợ đúc Ngũ Xã đã đúc hoàn hảo pho tượng đồng Trấn Vũ nặng 6,600 cân.
Sang thế kỷ XVIII, Nguyễn Huy Lượng ở bài Tụng Tây Hồ phú đã xác nhận lò đồng Ngũ Xã để lửa suốt đêm khiến đom đóm phải ghen tức: “Lửa đóm ghen năm xã gây lò”. Ở thế kỷ XIX, Ngũ Xã ngoài việc đúc các vật phẩm bằng đồng, còn đúc tiền gia công cho nhà nước.
Làng đúc đồng Ngũ Xã đã có sự phân công sản xuất theo các chi, mỗi chi chuyên đúc một vài chủng loại, có năm chi chính về đúc tượng, đúc chuông, đúc đồ thờ, đúc đồ mỹ nghệ, và đúc đồ dân dụng. Tuy nhiên, đúc những vật phẩm lớn thì cần có sự hợp tác của nhiều thợ thuộc các chi khác, thậm chí từ các nơi khác.
Chẳng hạn năm 1952, trong khi đúc pho tượng A Di Đà cho chùa làng, đã huy động tới 100 thợ Ngũ Xã, 40 thợ từ quê cũ Bắc Ninh sang, 4 người từ Hải Dương và Sơn Tây tới. Họ đúc đồng, chủ yếu theo sự đặt hàng của dân làng, của nhà nước và cả của tư nhân.
Đôi khi còn bán ra nước ngoài như ở thế kỷ XVII, thuyền trưởng người Anh là Brewster đã mua hai quả chuông đồng ở Kẻ Chợ, mỗi quả nặng chừng 500 cân Anh (khoảng 250kg) nhưng khi đi thuyền đến phố Hiến thì cả hai chuông đều bị giữ lại.
3. Trung tâm đúc đồng Quảng Bố và Đại Bái.
Quảng Bố (hay Quảng Bá) có tên nôm là làng Vó, xưa là một xã nổi tiếng nên tên xã cũng là tên tổng. Còn Đại Bái có tên nôm là làng Bưởi, xưa cũng là một xã, nằm sát hồ ở phía Tây Nam của làng Vó.
Hai làng sát liền nhau, cùng chung sinh hoạt và nghề nghiệp, nhưng cho đến thời Pháp thuộc vẫn thuộc hai khu vực hành chính riêng: Quảng Bố thuộc tổng Quảng Bố huyện Lang Tài – Bắc Ninh.
Nay Quảng Bố là một thôn của xã Quảng Phú cùng với xã Đại Bái đều thuộc huyện Gia Lương tỉnh Bắc Ninh. Hai xã đúc đồng này được coi là một trung tâm, và gọi gọn theo thói quen trong vùng là nghề đồng Đại Bái.
Xã Đại Bái có 4 thôn, cả 4 thông đều làm nghề gò đồng và đều thờ tổ sư là Nguyễn Công Truyền. Thần phả ở làng ghi nhận, Nguyễn Công Truyền (989 – 1069) người thời Lý từng theo cha vào Thanh Hóa sinh sống, lớn lên vào quân đội từng được phong là Điện Tiền tướng quân. Khi cha mất, ông xin từ quan để đưa mẹ về quê và sáng chế ra nghề gò đồng.
Nhưng… sách Bắc Ninh Toàn Tỉnh Địa Dư Chí lại chép Nguyễn Công Truyền người thời Lê Sơ, từng đi theo đoàn sứ bộ sang Trung Quốc, ở bên ấy ông đã quan sát nghề đồng, khi về nước được phong là Phấn Lực tướng công, đã dạy dân không chỉ đúc đồng mà còn gò đồng.
Vì thế, dân Đại Bái lập nên phố Hàng Đồng cho đến nay, vẫn còn có nhiều người gò đồ đồng. Ở Đại Bái, đã có sự phân công sản xuất theo từng thôn, mỗi thôn cũ ngoài thờ tổ sư Nguyễn Công Truyền còn thờ thêm một vị hậu tiên sư làm tổ của ngành.
Thôn Tây thờ hậu tiên sư ngành đánh mâm là Phạm Ngọc Thạch. Thôn Ngoài thờ hậu tiên sư ngành đánh nồi là Nguyễn Viết Lai và Vũ Tiết Thái. Thôn Xôn thành lập sau, chuyên đánh chậu không thấy nói hậu tiên sư.
Đại Bái còn giữ được tờ trát của triều đình Huế, đề ngày mùng 4 tháng 2 năm Đồng Khánh 3 (1888) theo đó chúng ta biết hồi Pháp mới chiếm đóng xong Bắc Kỳ, đã đưa đồ đồng Đại Bái đi dự đấu xảo, và dành được bằng khen.
Sau đó, theo lệnh của tổng đốc Ninh Thái, thợ cả Nguyễn Văn Thạch đã dẫn 23 thợ bạn người làng Đại Bái, mang theo đầy đủ đồ nghề vào Huế để đúc, gò, chạm đồng trang trí cho các cung điện.
Sách Phong Thổ Hà Bắc Đời Lê ghi nhận: “Đại Bái có nghề dập thau làm đủ các thứ mâm thau, chậu thau, ấm thau đều rất khéo”. Ở đây, cũng có chợ Bưởi có tiếng trong vùng, nên tên nôm Bưởi còn được gọi đầy đủ là Bưởi Nồi. Ca dao địa phương có câu: “Muốn ăn cơm trắng cá trôi. Thì về làng Bưởi đánh nồi với anh”.
Còn Quảng Bố ở bờ nam sông Bái nổi tiếng là một làng khoa cử, có nhiều phong tục đẹp, nhưng nổi tiếng về nghề đúc đồng, ca dao địa phương có câu: “Muốn ăn cơm trắng cá ngon. Thì về làng Vó nặn khuôn đúc nồi”.
Tuy thế, tổ sư đúc đồng ở đây lại khá chung chung, có tên là Công Nghệ và tên hiệu là Trực Nghệ, hàm ý chỉ người có công trực tiếp dạy nghề đúc cho dân, mất sớm khi 36 tuổi, và chưa có gia đình, giấy cả tên họ để tránh sự tranh giành giữa các tộc hệ. Cũng có người nói ông họ Nguyễn.
Truyền rằng, ông từng làm quan trong bộ Công và đã theo học nghề đúc đồng, khi thạo nghề thì xin từ quan về dạy cho dân, mất ngày 23 tháng 8. Sau trở thành ngày giỗ tổ nghề của cả làng Vó, và mọi người vẫn khiêng tiếng Nghệ mà đọc là Vàng.
Từ xa xưa ở trung tâm Đại Bái này, đã có sự phối hợp như ở trung tâm Đề Cầu: Quảng Bố mua các nguyên liệu, phế liệu đồng về luyện lại cho đồng nhất, đúc thành những phôi đồng, lại có thể cán mỏng thành đồng lá để cho Đại Bái giọt thành những đồ dùng khác nhau.
Như vậy, về kỹ thuật Quảng Bố đúc đồng (mà sách Phong Thổ Hà Bắc Đời Lê viết là Trú Đồng) thì ở Đại Bái lại giọt đồng (sách trên viết là Đả Đồng, và ca dao gọi là Đánh Nồi). Về sau, Quảng Bố cũng đúc đồng, đi từ chỗ đúc đồ thờ, đến chỗ đúc cả đồ dùng phục vụ sinh hoạt của nhân dân.
Trung tâm đồ đồng Đại Bái nằm cạnh xã Lãng Ngâm, từ thời văn hóa Đông Sơn đã chiếm đỉnh cao của kỹ thuật đúc đồng, mà khảo cổ học đã tìm được nhiều hiện vật tinh khéo.
Phải chăng, trung tâm Đại Bái là sự phát triển trực tiếp kỹ thuật đúc đồng của người Việt cổ ở Lãng Ngâm, thời các vua Hùng? Bộ sách Đại Nam Nhất Thống Chí khi nói đến đồ đồng cả nước, cũng chỉ nhắc đến đồ đồng Đại Bái.
4. Làng hàn đồng Trang Liệt.
Ngoài hai trung tâm Đề Cầu và Đại Bái, Bắc Ninh còn có làng Trang Liệt tên nôm là làng Sặt, nay thuộc xã Đồng Quang huyện Từ Sơn làm nghề buôn bán đồng và sửa chữa đơn giản đồ dùng bằng đồng.
Nhờ những người buôn đồng ở Sặt, mà đồ đồng Đại Bái được đưa đến khắp các tỉnh trên miền Bắc, họ còn mua hoặc đổi đồ đồng mới lấy đồ đồng cũ.
Với kỹ thuật gò, hàn đơn giản, người làng Sặt đã cứu sống những đồ dùng bằng đồng bị thủng, hoặc bị méo. Chính vì hoạt động của những người này, mà tên nôm của làng Trang Liệt được gọi đầy đủ là làng Sặt Đồng.
5. Trung tâm đúc đồng phường Đúc ở Huế.
Trên khu đất phía Tây Bắc làng Dương Xuân ở bờ nam sông Hương, từ thời các chúa Nguyễn đã ra đời một công xưởng đúc đồng gọi là Trú Tượng Ty, sau đấy sang thời Nguyễn phát triển thành Phường Đúc.
Vùng Huế từ khi trở thành thủ phủ của Đàng Trong và đặc biệt khi trở thành kinh đô nước ta dưới thời Nguyễn, có một yêu cầu lớn là khối lượng đồ sộ về đồ đồng với một chất lượng cao.
Trong ký ức của nhiều người dân Huế, các bộ vạc đồng, cửu vị thần công, cửu đỉnh và nhiều đồ dùng khác của triều đình Huế, đều là sản phẩm của những người thợ đúc đồng ở Phường Đúc Huế.
Ký ức của nhiều thợ đúc ở đây, cũng nhớ tổ tiên họ từ miền Bắc di chuyển vào theo cuộc Nam Tiến của các chúa Nguyễn, và được bổ sung ở thời Nguyễn bằng chế độ công tượng, có nhiều người hết hạn đã ở lại Huế lập nghiệp.
Khi quân Trịnh chiếm được Phú Xuân, Lê Quý Đôn đã ghi nhận tình hình đúc đồng ở đây của các chúa Nguyễn: Có Ty thợ đúc các cục, người Kinh Nhơn 30 người, người Bản Bộ 30 người,… Trên cơ sở ấy, về sau này, Phường Đúc có 5 xóm vẫn giữ các tên cổ là: Kinh Nhơn, Bản Bộ, Trường Đúc, Giang Đinh, Giang Tiền.
Mỗi xóm dù chỉ có mươi nóc nhà ở hai bên dọc theo đường xóm, nhưng vẫn có một ngôi đình riêng quy mô tương đương với mọi ngôi đình làng trong vùng. Phải chăng, mỗi thôn có một nguồn gốc riêng mà việc thờ ở đình riêng, là ảnh xạ của việc thờ nơi quê gốc?
Trên số thợ đúc làm việc trong các công xưởng, từ đời Minh Mạng, nhà nước chủ trương phương thức phát triển theo kiểu cha truyền con nối. Sách Đại Nam Thực Lục ghi rõ: “Vua Minh Mạng sai Bộ Công xem xét những người thợ đúc, thợ bạc trong Sở Đốc công, hễ ai có con đẻ, em ruột đến tuổi cứ nghề ấy cho vào sổ hạng thợ, không được vào sổ hạng dân, cũng không được đi làm ở các sở ngạch khác. Tổng lý sở tại dám dung túng, giấu diếm sẽ bị tội, quan địa phương không xét ra cũng bị lỗi”.
Chính lối đào tạo từ trong gia đình này, các thế hệ thợ nối tiếp nhau giữ được mánh lới nhà nghề, và khi chế độ công tượng không còn hoạt động, thì các lò đúc đồng của từng gia đình cứ thế mà phát triển.
Trong ký ức của nhiều người, người ta vẫn truyền tổ tiên xa đã di cư từ các làng đúc đồng ở ngoài Bắc vào. Theo cuốn Nguyễn Tộc Gia Phổ viết năm Tự Đức 8 (1857) và sao lại năm Đồng Khánh 2 (1887) của họ Nguyễn ở thông Kinh Nhơn, thì thủy tổ là ông Nguyễn Văn Lương nguyên quán ở tổng Đồng Xá, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Con cháu ở đời thứ 2 có ông Nguyễn Văn Đào, được nhiều người nhận là tổ sư nghề đúc đồng, ở đời thứ ba, và thứ tư đều được phong đến tước bá là tước thường dành cho các thợ giỏi, đến đời thứ 5 ở chi 2, có ông Nguyễn Văn Hòa được phong tước Mỹ Đức bá, giữ chức Trú tượng Kinh Nhơn ty cai quan, và ở chi 4 có ông Nguyễn Văn Thúy ngày 10 tháng 1 năm Cảnh Hưng 29 (1768) được phong làm Chánh Dinh Xuất Nội Trú Tượng Ty.
Bên cạnh đó, lại có những người thợ đúc đồng từ phía Nam ra. Cuốn Nguyễn Văn Tộc Phái của họ Nguyễn Văn ở thôn Thượng 4, xã Thủy Xuân, Huế lại xác nhận thủy tổ là ông Nguyễn Văn Ngạn định cư ở đây từ năm Cảnh Thịnh 2 (1794).
Nhưng lại nói thêm, ông Ngạn đã theo cha và ông nội về kinh làm việc đến mình được 3 đời, có quê gốc ở làng Phước Kiều, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, dòng họ này đã tham gia vào tổ chức của Phường Đúc.
Từ những lò đúc đồng tư nhân của con cháu hai dòng họ Nguyễn trên, Phường Đúc ngày càng phát triển, thu hút thêm các dòng họ khác và hoạt động mãi cho đến tận ngày hôm nay.
6. Một số làng đúc đồng khác.
Ở đồng bằng sông Hồng, ngoài những trung tâm đúc đồng nổi tiếng, nay thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Hà Nội, cũng còn một số làng đúc đồng khác như làng An Lộc, thuộc Thái Bình,… Và dọc theo sự phát triển của đất nước về phía Nam, chúng ta luôn gặp những làng đúc đồng nổi tiếng trong vùng. Có thể kể đến như:
Thanh Hóa là một trung tâm của văn hóa Đông Sơn, giai đoạn thịnh đạt nhất của thời đại đồ đồng và sắt sớm, mà tiêu biểu là các trống đồng Đông Sơn đạt đỉnh cao cả về kỹ thuật đúc và nghệ thuật trang trí.
Trống đồng chẳng những đã trở thành biểu tượng của văn minh văn hóa cổ xưa của Việt Nam, mà đã đi vào tín ngưỡng dân tộc với việc thờ Thần Trống Đồng, có tên chữ Hán là Thần Đồng Cổ.
Thanh Hóa vốn có đền Đồng Cổ gốc ở Đan Nê, thần từng hiện lên giúp sự nghiệp dựng nước và giữ nước, được nhà Lý rước về Thăng Long lập đền thờ ở phía Nam hồ Tây, để bảo vệ kinh thành, và chứng kiến hội thề hàng năm của các quan lại. Như vậy, hẳn Thanh Hóa phải là một trung tâm đúc đồng nổi tiếng từ rất xa xưa, mà nay vẫn còn một số làng đúc đồng khác: Trà Đông, Đại Bái,…
Trà Đông có tên nôm là Kẻ Chè, thuộc xã Thiện Trang, huyện Đông Sơn. Nhân dân truyền rằng, có hai ông họ Vũ giỏi nghề đúc đồng. Trong đó, một ông tên Vũ Đạo, đã đi khắp nơi, đến đây thấy đất có thể làm khuôn đúc tốt, đã ở lại lập nghiệp, về sau con cháu nối đời làm nghề đúc.
Vì thế, ca dao địa phương có câu: “Đất họ Lê, nghề họ Vũ”. Không xa trung tâm trên mấy, là làng Đại Bái thuộc huyện Thiệu Hóa, cũng nổi tiếng đúc đồng. Ký ức của nhiều người cho rằng, tổ tiên của họ có thể là những thợ đúc đồng làng Đại Bái, thuộc Hà Bắc đi vào đây lập làng mới, và vẫn giữ nguyên tên cũ.
Cũng có thể có một hướng phát triển ngược lại chăng? Dù sao, hai làng cùng nghề cùng tên ở hai tỉnh xa lạ nhau, có một quan hệ thân thuộc.
Từ địa bàn trung chuyển Thanh Hóa, vào Nam có làng đúc đồng Diễn Tháp ở Nghệ An, Thanh Lam ở Hà Tĩnh, rồi Phan Xá và Hoàng Giang ở Quảng Bình, Cam Lộ ở Quảng Trị, Phước Kiên ở Quảng Nam,…
Đến năm 1907, thực dân Pháp còn mở ở Biên Hòa một trường Mỹ nghệ đồ gốm và đúc đồng. Như vậy, nghề đúc đồng vừa có bề dày lịch sử từ xa xưa truyền mãi đến ngày nay, vừa có một bề rộng không gian trên cả nước, từ đồng bằng sông Hồng vào tận đồng bằng sông Cửu Long.
Trên lộ trình lịch sử ấy, mặc dầu những thành tựu đúc đồng của quá khứ đã đạt trình độ tuyệt hảo, song các nghệ nhân xưa luôn nghĩ đến một sự cải tiến không ngừng. Ở Đại Bái (Bắc Ninh) còn đôi câu đối ngắn mà thật hàm súc là “Công đại tiên khai. Nghiệp tùy hậu thế”.
Tạm dịch: Công lớn mở nghề thuộc về người trước, nối nghiệp ra sao lại do các thế hệ đời sau. Như thế, đòi hỏi một sự sáng tạo không ngừng và một ý thức truyền nghề mở rộng.
Tác giả: Chu Quang Trứ
Bạn đang xem bài viết:
Trở lại tổ nghề đúc đồng và những trung tâm đúc đồng
Link https://vnlibs.com/dieu-khac/tro-lai-to-nghe-duc-dong-va-nhung-trung-tam-duc-dong.html