Một số đồ đồng nghệ thuật đặc biệt trong sinh hoạt phổ biến

Đồ đồng rất phổ biến trong sinh hoạt gia đình và sinh hoạt tôn giáo. Trong đó, nếu đồ gia dụng thường đơn giản và không lớn lắm, thì đồ tôn giáo và nghệ thuật khá phức tạp.

Đòi hỏi việc đúc là một nghệ thuật, điển hình là việc đúc chuông và đúc tượng. Từ sau Cách Mạng Tháng Tám cho đến giữa thập niên 80. Do tình hình chiến tranh, đời sống khó khăn và cả do nhận thức không đầy đủ, việc đúc chuông và tượng thờ hầu như đã bị quên lãng.

Nhiều thợ chuyên phải chuyển sang đúc các thứ khác, và nay hầu như không còn. Song, trong ký ức nhân dân và một số tài liệu để lại, còn coi việc làm này như huyền thoại.

1. Việc đúc chuông đồng.

Chuông đồng có ở một số đền thần và quán đạo, đặc biệt phổ biến ở mọi chùa, một ít nhà thờ Thiên Chúa giáo cũng dùng loại chuông chùa, hoặc đúc theo chuông chùa. Chuông chùa được gọi là hồng chung hoặc đại hồng chung, phổ biến cao từ 1m đến 1m50, cá biệt có quả cao tới 2m50.

Nó là đồ tế khí nhưng không treo ở trên bàn thờ hay trước bàn thờ, là nhạc khí nhưng không đánh theo bản nhạc và không gắn với bài hát. Như văn chuông chùa Bộc đã dẫn trên: “Phật vốn nhìn vào mà không thấy, còn có chuông thì thấy cái cần thấy. Phật vốn là nghe mà không nghe thấy, còn có chuông thì nghe được cái cần nghe,…”.

Như vậy, chuông phải có hình dáng đẹp và trang trọng, cùng với kỹ thuật đúc phải cho âm thanh huyền diệu. Trong lịch sử đã có chuông Quy Điền là một trong Tứ Đại khí ở thời Lý.

Có thuyết nói nặng quá không treo nổi, lại có thuyết bảo đánh không chuẩn tiếng như đã thành khí nên không phá, và do đó phải để dưới ruộng rùa mà thành tên gọi.

Đầu thế kỷ này, chuông chùa Cổ Lễ (Nam Định) rất to, đúc xong cũng không đánh được, phải để ở cù lao giữa hồ. Trong khi đó, truyền thuyết lại kể quả chuông chùa Phả Lại (Hà Bắc) do Dương Không Lộ đúc, đánh tiếng vang sang tận Trung Quốc, và ngân mãi mới tắt. Sau phải đẩy xuống chỗ sâu sông Cầu gọi là Vực Chuông.

Chuông chùa là thứ nhạc cụ đặc biệt, khi thỉnh mạnh hay nhẹ, thư thả hay dồn dập nó cho một tiết tấu âm thanh ngân vang như khúc nhạc. Âm thanh của chuông ngoài việc phụ thuộc thành phần hợp kim, còn phụ thuộc vào kết cấu chuông.

Hợp kim đồng thau đúc chuông thường được dùng loại đồng già, mà kinh nghiệm dân gian đã tổng kết: “Chuông già động đến thì kêu. Anh già giọng nói, em xiêu tấm lòng”.

Đồng già thường có tỷ lệ thiếc so với đồng từ 1/3,5 đến 1/2,3 thiếc càng cao thì đồng càng già, làm cho chuông càng kêu, nhưng như thế hợp kim càng giòn dễ vỡ. Chuông càng lớn, lực đánh càng mạnh, kim loại dòn quá sẽ không chịu nổi. Do đó, tùy kích thước chuông mà người thợ cả, phải tính toán tỷ lệ hợp kim hợp lý.

Về kết cấu chuông, âm thanh phụ thuộc vào đường viền miệng chuông, và độ dày mỏng giữa các phần của thân chuông. Kinh nghiệm cho biết phải tính toán chính xác ngay khi làm khuôn.

Miệng chuông như lợi chậu dày nhất, phần giữa là bụng chuông mỏng hơn có 4 vú (núm để đánh bằng vồ đôi khi có thêm 2 vú nữa ở sát dưới 2 vú trên đối nhau), phần trên từ vai trở lên lại dày, vú ở độ cao chừng 1/3 thân chuông từ dưới lên.

Có thể thấy kích thước trên thể hiện ở nhiều quả chuông, loại lớn thường gặp như chuông chùa Hà (Thánh Đức tự – Hà Nội) và loại rất lớn ít gặp như chuông quán Huyền Thiên (Hà Nội).

Quai treo chuông là bồ lao đúc đặc (trong một số văn chuông, từ bồ lao còn để chỉ cả quả chuông). Nếu thịt đồng dày quá (mà cùng độ to) thì tiếng kém vang và ít ngân, nếu mỏng quá thì tiếng bị oang, dày vừa phải thì tiếng trong.

Muốn đúc chuông đồng phải đắp quả chuông mẫu theo đặc điểm trên, rồi dựa vào đấy mà làm khuôn. Khuôn ngoài gồm hai phần trên và dưới rời nhau rồi ghép lại chồng lên nhau, nếu chuông rất lớn (như chuông quán Huyền Thiên) thì có ba phần chồng nhau.

Đúc xong để lại vết nối ba via phải tẩy mài, mặt trong của khuôn ngoài (tức bìa) được in đại tự trên chuông, các gờ dọc ngang, vú và hoa văn (nếu có) để khi đúc xong thì mặt chuông nổi cao các hình trang trí.

Khuôn trong (tức thao) làm theo lõi chuông. Riêng bồ lao làm quai treo phải nặn bằng sáp ong bọc đất ra ngoài rồi nung cho sáp chảy thì vỏ đất bọc sẽ thành khuôn, mang gắn vào thân chuông.

Lắp chuông xong, việc nung khuôn, pha chế hợp kim đồng thau, nấu đồng và rót vào khuôn đều rất nghiêm ngặt, nước đồng phải dàn đều vào các khoảng trống giữa hai lớp khuôn không được để bọt khí trong thịt đồng, hay một giọt đồng dính bên trong sẽ làm cho tiếng chuông bị rè.

Đúc những quả chuông to (thông thường khoảng 200kg đồng) phải cần đến vài nồi nấu đồng, thời gian nấu các nồi phải tính toán để rót hết nồi này có nồi khác tiếp theo ngay. Do đó, lúc này phải cần nhiều thợ hợp lực với nhau.

Ngày đúc chuông được xem là ngày lễ trọng của nhà chùa và của địa phương. Chuông đúc xong được làm lễ khai thanh đánh thử tiếng. Chuông đạt yêu cầu kỹ thuật được khắc bài văn, và những hình trang trí chìm (nếu có như chuông chùa Hà).

Trước kia, đúc chuông là việc làm thường xuyên, có những thợ chuyên. Vào thập niên 90, một số nơi lại đúc chuông nhưng lẻ tẻ và khá mới lạ, nên thường thua kém chuông cổ truyền.

2. Việc đúc tượng

Tượng đồng là tác phẩm nghệ thuật tạo hình chẳng những có cấu tạo phức tạp, mà phải có thần thái sống động. Tác phẩm mẫu nặn đắp bằng chất liệu tạm (đất, thạch cao,…) có thể rất tốt.

Song, khi chuyển sang chất liệu đồng, đòi hỏi phải có kỹ thuật làm khuôn cao, tính trước được tỷ lệ độ co giãn của những bộ phận thật chính xác, điều khiển nhiệt độ nung khuôn và nấu đồng một cách thành thục.

Rồi khi rót đồng phải đảm bảo chảy đều lấp kín mọi chi tiết, thường phải đặt khuôn theo độ dốc ngược tượng, rót đồng chân hay lưng tượng tức những nơi kín, nhưng với những tượng to lớn quá cỡ, vẫn phải đặt khuôn xuôi chiều. Trong thời hiện đại đã có một số tượng đồng đặc biệt, được đúc rất thành công.

2.1 Việc đúc tượng Phật chùa làng Ngũ Xã.

Tượng Phật bằng đồng của làng đúc đồng Ngũ Xã đúc năm 1952, có thể xem là pho tượng đồng to nhất Việt Nam thời đấy. Việc đúc pho tượng kỳ vĩ này, đã được Louis Malleret thuật lại khá kỹ trên Tạp chí của Học viện Pháp quốc Viễn đông bác cổ (Bulletin de L’ecole Francaise d’Extreme Orient – Số 46 năm 1954) kèm theo nhiều ảnh và bản vẽ là những tư liệu rất quý.

Hội chủ hưng công việc đúc pho tượng này là vị sư trụ trì chùa Ngũ Xã là thượng tọa Vĩnh Tượng và tiến sĩ Vũ Văn Quý đã huy động vốn và tập hợp nguyên liệu, chọn lựa mẫu tượng. Trên cơ sở các tượng Phật cổ, nghệ nhân Nguyễn Phú Hiếu đã sáng tác pho tượng Phật ngồi kiết già tọa thiền trên đài sen 96 cánh, riêng tượng đã cao xấp xỉ 4 mét, nặng 12,300 kg.

Phụ trách việc đúc đồng pho tượng này là nghệ nhân Nguyễn Văn Tùy huy động tất cả tới 144 thợ đúc. Công việc đổ đồng đúc tượng chỉ trong ba tiếng đồng hồ, nhưng công việc chuẩn bị và tiến hành mất ba năm rưỡi, từ 29/5/1949 đến 24/20/1952.

Riêng việc đắp pho tượng mẫu đã mất 18 tháng, làm khuôn để đổ đồng mất 1 năm. Tượng mẫu bằng đất sét đặc, nhưng tượng đúc bằng đồng rỗng. Do đó, sau khi đã có khối tượng đất bản dương, rồi phải tạo một khuôn xi măng làm bản âm.

Từ bản âm này mà trát đất vào trong bằng chiều dày của pho tượng đồng sẽ đổ. Sau đó, tạo lớp cách ly rồi tiếp tục trát đất trộn giấy bản, và vỏ trấu vào trong làm khuôn lõi tượng gọi là thao. Các mảnh thao được phân chia sao cho dễ tháo lắp nhất, và được đánh dấu cẩn thận.

Tiếp đó làm khuôn ngoài gọi là bìa, chia ra tới 51 mảnh được đánh số cẩn thận. Các mảnh thao và mảnh bìa chẳng những được lắp ráp cẩn thận,mà còn được móc nối với nhau bằng các thanh sắt để cố định vị trí cách nhau một khoảng bằng chiều dày sẽ đổ của pho tượng đồng, ở phần thấp nhất là 10cm rồi mỏng dần lên phần cao chỉ còn 2cm.

Phía ngoài của bìa được các đai sắt cuốn quanh, liên kết bằng ốc vít, rồi ngoài cùng có lớp vỏ khuôn bao lại toàn bộ. Phía trong của thao cũng được gia cố một lớp khuôn ruột nữa cho chắc. Khi lắp ráp bìa và vỏ khuôn đã bố trí một hệ thống lỗ hậu, được tính toán hợp lý cho việc rót đồng khi đúc.

Tất cả các loại khuôn (thao, bìa, vỏ) được lắp đặt trong một hố đào sâu, chừng 1m6 nhưng bên dưới đã đổ bata rồi đổ bê tông cốt thép tạo một lớp nền thật cứng, thật ổn định để chỉ còn sâu chừng 70cm.

Bốn phía của hố đổ tượng được xây 4 lỗ có đường thông với đáy ruột khuôn, tức khoang rỗng giữa thao và bìa, đốt lò liền một tuần đến khi đổ tượng cho hơi nóng bốc từ dưới lên nung khuôn đến độ chín cần thiết, để dẫn dòng nước đồng vào mọi ngóc ngách tạo ra các chi tiết trên tượng.

Qua các lò xây cầu thang gạch bám theo thành khuôn, những bậc tương ứng ở các cầu thang có bắt ván dày nối nhau, để thợ đi đổ đồng vào các lỗ đậu ở các phần cao của tượng.

Còn phần dưới của tượng thì đồng được nấu từ 5 lò lớn gần đấy, được đặt trên xe 4 bánh để có thể đẩy trên đường ray, hoặc trực tiếp đổ vào các lỗ đậu. Tám lò khác được bố trí thành từng nhóm, hai lò ở phía ngoài.

Các lò được đánh số thứ tự nấu đồng, phối hợp rót nước đồng liên tục thật nhịp nhàng trong buổi sáng thì đúc xong. Khi rót nước đồng xong, phần thân tượng, sang phần đầu tượng, thượng tọa trụ trì chùa đã bỏ qua lỗ đậu một số vàng lá, dây chuyền, hoa tai, nhẫn,… bằng vàng do các Phật tử công đức.

Đồng đúc tượng Phật chùa Ngũ Xã do tập hợp từ nhiều loại hiện vật đồng thau, có nguồn gốc khác nhau và được nấu trong nhiều lò khác nhau, nên các kim loại (đồng, thiếc, chì, kẽm, sắt) tạo nên hợp kim đồng thau có ở khắp các bộ phận trên tượng, nhưng tỷ lệ rất khác nhau, theo chiều cao của tượng, không hẳn tăng dần hay giảm dần.

Trong đó, ở phần thắt lưng tỷ lệ đồng và kẽm giảm nhất còn sắt, thiếc, chì nặng nhất. Pho tượng to và nặng nhất, được đúc ngay ở thời chúng ta, khi mà kỹ thuật luyện kim màu đã đạt đỉnh cao.

Nhưng những người thợ đúc đồng Việt Nam, chỉ bằng phương pháp đúc thủ công, không cần tính chính xác tỷ lệ hợp kim, đã tạo được một công trình thật hoàn hảo, không một khiếm khuyết.

2.2 Việc đúc tượng Bác Hồ của HTX Trúc Sơn.

Trong phong trào hợp tác hóa, những người thợ đúc đồng Ngũ Xã đã thành hợp tác xã Trúc Sơn như gợi hình quê hương, là bán đảo cao bên hồ Trúc Bạch. Tượng Bác Hồ đã được nặn, đục từ nhiều năm rồi, nhưng phần lớn bằng thạch cao.

Năm 1986, HTX Trúc Sơn trong phong trào phục hồi nghề đúc thủ công mỹ nghệ dân gian Hà Nội, đã quyết định đúc pho tượng đồng Bác Hồ đầu tiên. Tượng mẫu bán thân do nghệ nhân Nguyễn Phú Hiếu là tác giả của pho tượng Phật chùa Ngũ Xã đảm nhận.

Việc đúc đồng do ông Nguyễn Văn Quẹn phụ trách, có sự trợ giúp của ông Nguyễn Văn Tùy là người phụ trách đúc pho tượng Phật ngày xưa, và có thêm được sự giúp sức của rất nhiều người khác cùng tham gia.

Trên cơ sở tượng mẫu, ông Quẹn đã tu sửa và thêm cho hoàn chỉnh rồi trực tiếp làm khuôn. Ngày 10/01/1969 mọi công việc chuẩn bị chu đáo. Từ 4 giờ chiều, ông bắt đầu đốt lò nung khuôn, và trực tiếp theo dõi cửa lò, cho đến 5 giờ sáng hôm sau.

Khi thấy khuôn đỏ đều từ đáy đến đỉnh tượng, biết là khuôn bên trong đã chín đều, ông mở lò và đưa khuôn ra một cái hố sâu chừng 40cm và đổ cát. Trong khi chờ khuôn nguội, phải thổi hết bụi ở các lỗ thông hơi, và tính thời gian cho nấu đồng.

Khoảng ba tiếng đồng hồ sau, khuôn bên trong không đỏ nữa, đã chín vừa phải, nước đồng cũng chảy sóng sánh vừa đẹp, bền, bèn được lộn ngược để khi rót đồng phần đầu mặt thật rõ.

Nước đồng được chuyển sang các nồi nhỏ để rót vào lỗ đậu. Khi đó, là 9 giờ công việc đúc tượng xong, đến 3 giờ chiều, phá khuôn và chỉ phải sửa lại đường ba via là hoàn chỉnh. Tượng Bác Hồ bằng đồng đầu tiên nặng 73kg đã thành công.

Sau khi Bác đi xa, tỉnh Vĩnh Phúc đặt HTX Trúc Sơn đúc tượng Bác toàn thân, cao 2m2 nặng 800kg. Đây lại là một thử thách mới, vì phải đúc liền cả khối nặng hơn mười lần pho tượng trước. Ông Nguyễn Văn Quẹn lại được cử làm trưởng ban đúc tượng Bác.

Do tượng lớn phải xây lò nghiêng, và kéo rất dài, khuôn tượng phải đắp hai mặt, thao phải chia làm 5 phần gắn lại rồi trát ra ngoài. Khuôn nung xong được đặt trong bể, rồi phủ cát để khi rót đồng, thao không bị phá. Ngày 10/10/1970 khuôn được làm xong, và ngày 06/01/1971 pho tượng được đúc xong hoàn chỉnh.

2.3 Đúc lại trống đồng Ngọc Lũ.

Trống đồng Ngọc Lũ là trống đồng Đông Sơn (trống tiêu biểu có niên đại đúc cách ngày nay chừng 2500 năm đến 2700 năm). Trống đồng Ngọc Lũ là một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của dân tộc Việt Nam, đã làm thế giới phải ngạc nhiên về kỹ thuật đúc đồng, và tư duy toán học kết hợp với tư duy nghệ thuật.

Năm 1974, Viện Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam đã bốn lần đúc thử theo phương pháp của Nhật Bản đều không thành công. Lần đầu bị vỡ khuôn, lần thứ hai bị thủng lớn ở mặt trống, lần thứ ba chẳng những có độ dày không đều, mà còn có nhiều mảng thủng lớn ở tang và quai, lần thứ tư đúc rất dày và đúc riêng thân với mặt trống sau hàn lại.

Năm 1975, Viện Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam lại tiến hành đúc thử lần thứ năm với phương pháp thủ công cổ truyền, và đã thành công khá mỹ mãn (đạt 80%) và rút ra được kinh nghiệm, để nếu đúc lại sẽ khắc phục được những nhược điểm mắc phải.

Lần đúc này do HTX Trúc Sơn (thợ Ngũ Xã) giúp kỹ thuật và cử 6 thợ đúc do cụ Dương Văn Túp phụ trách. Từ trống mẫu đã tiến hành đắp khuôn vỏ theo 3 mảng để khô, gắn lại rồi trát đất giấy sét vào mặt trong dày, tạo ra một trống mẫu nằm trong khuôn.

Khi trống mẫu xong, lại đắp tiếp vào phía trong để tạo ra khuôn ruột (thao) có khung xương sắt. Đánh dấu vị khuôn ruột với khuôn vỏ đợi, khi khuôn ruột khô tháo khuôn vỏ ra, và bóc bỏ lớp đất trống đi.

Dùng hòn kê bằng đồng dày 5mm có đinh xỏ để lắp ráp cố định hai khuôn ruột và vỏ, rồi nung úp khuôn trong 28 tiếng đồng hồ ở nhiệt độ thường xuyên là 900 độ C. Sau đó, đặt ngửa xuống hố có chèn cát nghiên 15 độ, và rót đồng qua các lỗ đậu từ phía dưới lên, phải rót nhanh chỉ trong 5 phút là xong.

Kết quả trống đúc có dày hơn một chút, không bị khoảng thủng lớn, hoa văn rất rõ, tuy ở chỗ kê cao có bị mờ. Do sơ ý khi rót đồng làm gãy phễu, đã gây ra một lỗ thủng nhỏ. Từ thực nghiệm này, những người thợ đúc đồng tin rằng, có thể đúc lại được trống mỏng và đẹp như trống gốc.

Như vậy, kỹ thuật đúc đồng truyền thống đã trội vượt kỹ thuật đúc đồng hiện đại, đảm bảo đúc tốt cả những vật đúc to và phức tạp, có giá trị cao về tạo hình và khi cần có cả giá trị thanh âm nữa.

Chính điều đó, là một trong những cơ sở kỹ thuật đến ngày nay, chúng ta có thể chiêm ngưỡng và thấy với nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đồng quý giá và trường tồn, đến từ những nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của Việt Nam ta ngày xưa.

Tác giả: Chu Quang Trứ

Bạn đang xem bài viết:
Một số đồ đồng nghệ thuật đặc biệt trong sinh hoạt phổ biến
Link https://vnlibs.com/dieu-khac/mot-so-do-dong-nghe-thuat-dac-biet-trong-sinh-hoat-pho-bien.html

Các tìm kiếm có liên quan: Các văn hóa tiền đông sơn những mẫu xỉ đồng; Con người tìm thấy đồng đỏ cách ngày nay bao lâu; Đồ đồng xuất hiện cách đây khoảng; giai đoạn sơ kỳ đồ đồng diễn ra trong thời gian nào?; Khái quát về thời đại đồ đồng trên đất nước Việt Nam; Lịch sử địa lý Việt Nam thời đại đồ đồng văn hóa; Một số di tích tiêu biểu như Gò Diễn, Mã Lao;

Các tìm kiếm có liên quan: Người Việt cổ sử dụng đồ đồng phổ biến từ khi nào; Tại sao con người phát hiện ra đồ đồng; Thời đại đồ đồng ở việt nam bắt đầu từ khi nào ở đâu; Thời kỳ đồ đồng ở Việt Nam; Thời kỳ đồ đồng xuất hiện khi nào; Vài nét về trang trí động vật trên đồ đồng văn hóa đông sơn; Văn hóa đông sơn 90 năm phát hiện và nghiên cứu; Xã hội của người việt cổ thay đổi thế nào khi đồng thau được phổ biến.