Nghề đúc đồng truyền thống có nhiều trung tâm khác nhau, nhưng về kỹ thuật đúc thì cơ bản giống nhau. Muốn đúc đồng trước hết phải có vật mẫu, rồi dựa vào vật mẫu mà làm khuôn.
Trong thời đại đồ đồng, các nền văn hóa từ Đồng Đậu đến Đông Sơn, còn để lại cho chúng ta nhiều khuôn bằng đá và bằng đất. Nói chung, khuôn đá được dùng nhiều lần, để đúc những vật nhỏ và đơn giản.
Còn khuôn đất để đúc những vật rất nhỏ đến rất lớn, tùy theo mẫu đơn giản hay phức tạp mà người thợ đúc làm khuôn sản xuất, tức dùng để đúc nhiều lần, hay làm khuôn một, tức chỉ đúc có một lần rồi sau phải phá bỏ mới lấy được vật đúc ra.
Với những đồ dùng đơn giản như mâm, chậu thau,… người thợ đúc làm khuôn đất cố định gồm hai lớp khuôn trong, và khuôn ngoài lồng nhau có thể tháo ra dễ dàng, dùng để đúc nhiều lần.
Trường hợp vật mẫu phức tạp hơn một chút, như chuông nhỏ để bàn thờ nếu miệng chuông nhỏ hơn lòng chuông, thì phải phá bỏ khuôn trong mới lấy được vật đúc ra. Đối với những đồ vật phức tạp, nhiều chi tiết như chuông lớn, lư, đỉnh, tượng,… thì phải phá bỏ cả khuôn trong lẫn khuôn ngoài, mới lấy được vật đúc ra nên khuôn chỉ dùng một lần.
Nguyên liệu chủ yếu để làm khuôn là đất phù sa, đất sét, trấu sống, bột than trấu, bột sạn chịu lửa, giấy đỏ. Các loại đất được giã kỹ, than trấu được rây lấy bột rồi trộn đất rây lấy hạt thật mịn sờ mát tay lại giữ được tuyết, nhào kỹ, xăm giấy gió bằng cả năm đầu ngón tay.
Khuôn ngoài gọi là bìa đắp bằng đất giấy sống gồm đất phù sa, đất sét, bột than trấu, giấy đỏ được trộn với nước vừa đủ độ dẻo. Khuôn ruột gọi là thao đắp đất trấu sống gồm đất phù sa, đất sét, trấu sống, và bột sạn chịu lửa cũng trộn nước vừa đủ độ dẻo.
Đất giấy sét này được cách ly với bìa, và thao bởi thứ bột chống dính (bột tan) để khi khuôn khô thì hóa bỏ đi. Khuôn đất đắp xong rồi thì cần được sấy từng mảng khuôn. Các phường đúc thủ công sấy khuôn bằng cách phơi ngoài trời, thường thì trời nắng phơi một ngày, trời râm phơi ba ngày, trời mưa phải phơi sáu ngày nơi thoáng gió.
Việc sấy khuôn làm cho hơi nước bốc dần, đất khuôn se lại. Sấy xong lại phải nung khuôn cho thoát hết hơi nước để chống rỗ khí, và chống co giãn, chịu được nhiệt độ cao khi rót nước đồng vào khuôn.
Đối với khuôn đúc các đồ vật không có hoa văn trang trí, thì nhiệt độ nung thích hợp là 1000 độ đến 1200 độ C. Còn khuôn đúc đồ vật có hoa văn trang trí thì nhiệt độ nung là từ 900 độ đến 1000 độ C.
Các trung tâm đúc đồng truyền thống tùy theo nặng về đúc mặt hàng nào, có nơi nung khuôn một lần có nơi nung khuôn hai lần, thậm chí có nơi tới ba lần. Lần nung khuôn sau cùng, là nung khuôn để rót đồng.
Khi lắp ráp khuôn để rót đồng, giữa thau và bìa được đặt những mảnh kim loại nhỏ có độ dày bằng độ dày của vật định đúc ở chỗ đó, chúng rải rác ra để giữ thau nằm đúng vị trí trong bìa. Khi nung khuôn, những miếng kim loại sẽ nóng lên, và khi rót đồng vào thì nó chảy tan trong nước đồng, không để lại dấu vết gì.
Nếu đúc các đồ vật nhỏ, trong quá trình rót đồng không cần giữ nhiệt độ trong khuôn, vì lượng đồng ít chỉ giữ trong thời gian ngắn nên phần rót trước chưa kịp đông đặc. Nhưng khi đúc vật lớn thì khuôn phải đặt trong hầm lò, để nóng đều, đồng rót vào lâu đông đặc mới chảy đều lấp đầy các chi tiết.
Việc nấu đồng phải phối hợp nhịp nhàng về thời gian với việc nung khuôn. Khi đúc những sản phẩm lớn cần đến rất nhiều đồng, thì phải nấu đồng trong nhiều nồi. Khi này, người thợ cả phải tính toán thời điểm nhen lửa cho từng nồi, để có thể rót đồng liên tục vào khuôn ở một nhiệt độ ổn định.
Nồi nấu đồng thường gồm hai phần, chia làm hai tầng, có lỗ thông với ống bễ thụt gió (ngày nay thường thay bằng mô tơ quạt điện). Khi nấu, người thợ đúc đồng đổ than vào phần trên của nồi, và sau đó đỏ đồng trên than nhen lửa xong, cho vào máy thổi gió, than cháy rực sẽ làm đồng chảy, nước đồng đọng lại ở phần dưới nồi lò, còn than tro nổi lên trên.
Đốt cho đến khi trong nồi lò chỉ thấy khói trắng tỏa lên, nước đồng loãng sáng ánh chớp, lúc đó khuôn đã nung nóng và đặt đúng vị trí cần thiết, người thợ sẽ rót nước đồng vào khuôn một cách rất đều tay. Để nguội, phá khuôn ra lấy vật đúc và sửa cho hoàn chỉnh.
Đồng nguyên chất có nhiệt độ nóng chảy cao ở 1084 độ C. Nhưng lại mềm nên thường không được dùng trực tiếp đúc các đồ vật. Nói chung, đồ đồng được đúc từ đồng thay là thứ hợp kim đồng có thành phần không ổn định.
Trong đó, đồng (CU) thường chiếm tỷ lệ từ 70% đến 80%, còn lại là chì (PB) và thiếc (SN), kẽm (ZN),… Hợp kim đồng với chì làm giảm nhiệt độ nóng chảy, nhưng lại tăng trọng lượng và tạo độ bền dai.
Hợp kim đồng với thiếc làm nhiệt độ nóng chảy hạ ở mức từ 700 độ đến 900 độ C, mà độ cứng lại tăng, kéo dài tình trạng lỏng cần thiết của đồng, và bám sát mặt khuôn để nổi rõ các chi tiết.
Nếu hàm lượng thiếc cao, ta được đồng già nhưng hợp kim trở nên dòn rất dễ vỡ, hàm lượng thiếc ít, ta được đồng non. Hợp kim đồng với kẽm làm cho sắc đồng ánh xanh. Hợp kim đồng với nhôm làm nhạt màu đồng và giảm trọng lượng.
Hầu hết các sản phẩm đồng thau, không chỉ là hỗn hợp của đồng với một hay hai chất trên, mà còn có một lượng nhỏ sắt, bạc, vàng,… Trên thực tế, các đồ đồng được đúc từ đồng thau vụn cũ, phế thải thuộc nhiều nguồn có tỷ lệ các loại hợp kim khác nhau.
Do đó, người thợ cả phải dựa vào màu sắc, âm lượng, tỷ trọng, độ cứng,… của nguyên liệu phế thải mà dự đoán hàm lượng từng thứ kim loại, để tùy vật định đúc mà khi đem nấu sẽ gia giảm với liều lượng thích hợp.
Riêng việc đúc chuông và thanh la, chẳng những đảm bảo dáng theo vật mẫu, mà còn phải đảm bảo âm thanh tốt, nên đúc đồng phải ít chất pha tạp, hợp kim đồng thau được tính toán cẩn thận với tỷ lệ, nhất là đồng trên thiếc.
Cũng cần chú ý hợp kim đồng thau có thêm vàng và bạc, phải được giành để đúc đúng chỗ cần thiết, nếu không sẽ làm cho chuông có âm thanh không hay, thậm chí bị điếc. Vì thế, khi các Phật tử cúng vàng vào mẻ đồng đúc chuông, thì phần hợp kim có vàng thường để đổ vào núm đánh.
Liên quan trực tiếp đến kỹ thuật đúc đồng là dụng cụ, tức là đồ nghề của thợ đúc, bao gồm bễ thổi lửa, lò nấu đồng, khuôn đúc,… mà phần trên đã đề cập đến. Ngoài ra, còn có bộ đồ nghề chuyên dùng gồm khá nhiều thứ đơn giản, có thể tự làm lấy được bằng những nguyên liệu rẻ tiền sẵn có (gỗ, tre, sắt) với kích thước nhỏ gọn và nhẹ.
Có thể kể đến như mảnh sành để sửa khuôn, thanh tre xé đất, bay gỗ, đục sắt, giũa thép các loại (dẹp, tròn, ba mặt), cưa thép, doa nhọn mũi ve, thanh nạo, chỗ lông,… nhiều loại lớn nhỏ khác nhau được để trong cái khay gỗ, phải kể thêm cả những chậu đựng nước.
Sản phẩm khi đúc xong và tháo khuôn chưa phải đã hoàn chỉnh, những chi tiết thừa phải dũa bỏ, nếu khuyết tật lớn thì phải phá đi đúc lại, nếu khuyết tật nhỏ có thể hàn, tán rời hơ trên khói tóc để xóa nhòa vết hàn.
Một số vật phẩm còn được khắc chữ và hình trang trí (bên cạnh những hình đúc nổi như chuông, khánh,…) thậm chí hun nhuộm hay sơn thếp như nhiều tượng nổi tiếng tại Việt Nam hiện nay.
Tác giả: Chu Quang Trứ
Bạn đang xem bài viết:
Kỹ thuật đúc đồng truyền thống Việt Nam với khuôn đúc đồng
Link https://vnlibs.com/dieu-khac/ky-thuat-duc-dong-truyen-thong-viet-nam-voi-khuon-duc-dong.html