Các làng nghề và tổ nghề mộc chạm tại Việt Nam

Trong trường kỳ lịch sử của quốc gia Đại Việt, Thăng Long là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của nhà nước. Nơi đây tập trung nhiều sản phẩm văn hóa nghệ thuật nổi tiếng.

Trong đó, đồ mộc chạm cơ bản được sản xuất ở các trấn xung quanh như: Xứ Bắc (Bắc Ninh) có các làng Thiết Úng (nay thuộc Hà Nội), Phù Khê, Kim Thiều, Xứ Đông (Hải Phòng, Hải Dương) có các làng Vĩnh Bảo, Cúc Bồ, Đồng Giao. Xứ Nam (Nam Định) có làng La Xuyên. Xứ Đoài (Hà Tây) có làng Nhân Hiền, Chàng Sơn, Sơn Đông, Già Kiều.

Các làng mộc chạm trên đều có chung ông Tổ viễn đại, nhưng về ông Tổ cận đại thì hoặc không nhớ tên, hoặc mỗi làng ghi nhận một ông Tổ riêng. Như vậy, về nguồn cội cũng như về phong cách nghệ thuật. Ở đây, có sự thống nhất nhưng đa dạng.

Về cụ Tổ viễn đại thì nay trở thành huyền thoại. Đó là Nữ thần nghề Mộc với hai anh em là Lỗ Ban và Lỗ Bộc. Chuyện kể rằng ở thuở hồng hoang, con người phải sống trong hang đá như những bầy thú, trời thương dân bèn sai một vị nữ thần xuống trần dạy mọi người làm nhà để ở.

Bà không nói cho dân chúng nghe, cũng không làm cho dân chúng bắt chước, mà chỉ kín đáo ra hiệu bằng cách đứng thẳng người, hai tay chống nạnh vào hông. Nhiều người không hiểu, song có hai anh em là Lỗ Ban và Lỗ Bộc sáng ý, nhưng mỗi người lại hiểu theo một cách khác nhau.

Người thì nghĩ Bà bảo làm nhà, vì chỉ có một cột là thân Bà đứng, từ lưng chừng cột có tay chống đưa ra đỡ mái trước và sau, người thì nghĩ kiểu nhà có hai hàng cột là hai chân, trên lưng chừng cột có xà ngang đưa ra hai phía để đỡ mái.

Bà còn lấy lá dứa cứa vào cây và họ đã nhận ra cách làm cưa. Tương tự thế, nhận ra cách làm đục, lại từ tỷ lệ thận người với đơn vị cơ bản là đốt ngón tay, nghĩ ra cái thước với quan hệ các khoảng nằm (ngang), ngồi (đứng) và chảy (chéo).

Rồi Lỗ Ban và Lỗ Bộc lại dạy cho mọi người cách thức làm nhà, và do đó các hiệp thợ mộc đều tôn hai ông là Tổ sư của nghề mình. Sau Lỗ Ban và Lỗ Bộc, có người còn kể đến hai nhân vật người Trung Quốc nữa là Ly Sào và Biển Thước.

Họ cho rằng, Ly Sào đã chế ra giường ghế, lại tận dụng mẫu gỗ thừa làm đồ sinh hoạt và chạm đồ chơi. Còn Biển Thước đã nghĩ ra việc đẵn gỗ rừng mang cưa cắt, và đục đẽo dựng thành nhà, lại chạm khắc trang trí cho đẹp, và khi có nhà rồi lại đóng ghế ngồi, giường nằm và đồ chơi.

Thần thoại Mường (cũng có nghĩa là quan niệm của cộng đồng Mường) Việt cổ, lại cho rằng chính con rùa thần bị người bắt, đã bày cho cách làm nhà để xin tha mạng chết.

Rùa bảo người: “Nhìn bốn chân tôi làm nên cột cái. Nhìn sườn dài, sườn cụt mà xếp thành rui. Ngó qua đuôi làm chái. Ngó qua mu làm mái….”. Với người Việt, Rùa thần còn bày cho An Dương Vương xây thành Cổ Loa không bị đổ, còn cho Lê Lợi gươm thiêng để giải phóng đất nước.

Từ các cụ Tổ với ý nghĩa người đầu tiên sáng tạo ra cách dựng nhà, đóng đồ dùng và chạm đồ chơi, lớp học trò của cụ Tổ là người Việt nổi tiếng đầu tiên, chính là cụ Sần sống ở thời Hùng Vương dựng nước.

Cụ Sần là thợ mộc vừa tái dựng nhà vừa khéo chạm trổ, tiếng tăm vụ lan truyền khắp trần gian và cả thượng giới. Thánh Tản Viên muốn dựng cung điện trên núi Ba Vì (Hà Tây), bèn sai thần linh đi rước cụ lên núi. Cụ xin cho cụ bà đi theo để giúp việc và lo cơm nước.

Vật tư được tập trung đầy đủ, thợ chỉ có vợ chồng cụ Sần mà chẳng bao lâu dựng xong ngôi đền khang trang lộng lẫy. Thánh Tản rất hài lòng, ban thưởng hậu và tiễn về quê, chỉ dặn không được tiết lộ chuyện trên non Tản.

Trong khi dựng đền cho Thánh Tản, cụ Sần tập trung khí tuệ, trổ hết tài năng, nên khi ra về, người phờ phạc. Khi thấy sức tàn lực kiệt, cụ mang chuyện cũ ra nói với dân làng, nhưng nói xong thì cụ mất luôn.

Chuyện cụ Sần vào đến Thanh Hóa có biến dạng đi một chút. Cụ Sần sống ở thời Lê trung hưng, cụ chỉ đạo dựng đình Hoành Sơn bên bờ hữu ngạn sông Lam. Đình to đẹp nổi tiếng vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh.

Khi dựng xong bỗng mưa to gió lớn, nước lũ tràn về làm ngập ngang đình, một giờ sau nước rút hết, đình lại khô nhưng không thấy ông thợ cả đâu. Thì ra, chính Long Vương dâng nước để thăm đình và đón ông thợ cả xuống thủy phủ dựng long cung.

Xong việc, Long Vương tiễn về với một cái niêu, cứ bắc lên bếp là có cơm, nhưng bắt ngậm con dao vàng và dặn không được nói gì về chuyện ở thủy phủ kể cả với vợ con. Nhưng về già, một hôm nói với con: “Ta ở thủy phủ vui thật là vui…” thì bị dao chọc chết liền.

Các thợ giỏi ở thời sau được xem là Tổ cận đại, thì luôn gắn với các làng nghề mộc chạm cụ thể. Vùng Vĩnh Bảo (Hải Phòng) có các phường thợ làm tượng gỗ phủ sơn Hà Cầu, Bảo Động, Mai Yên thuộc xã Đồng Minh, đều nhận tổ sư nghề tạc tượng của mình là cụ Nguyễn Công Huệ.

Cụ Huệ sống ở đầu thời Lê (thế kỷ XV), quê hương đất ít lại hay bị lũ lụt, làm ruộng không sống nổi, cụ phải đi lang thang kiếm ăn và học được nghề tạc tượng rồi về quê dạy cho dân làng, cụ còn dạy cả nghề dệt vải và ngải cứu chữa bệnh.

Nhưng dân ở đây đi sâu vào nghề tạc tượng, hàng năm vẫn giữ lễ Tổ nghiêm túc. Văn khấn ghi rõ Tổ sư là “Nguyễn Công tự Huệ tiên sinh” với nội dung ca ngợi cụ như sau:

“Tiên thánh sư, quốc sư, phát xuất linh địa tú chung, ấn tự Nam Giao, tính sùng Phật đạo, trưởng thông bác cử, nghiệp thụ tượng công, xảo tứ linh thiêng, tài cao xuất chúng, công chỉ thượng, sáng đoan tạo thủy, kham vi vạn đại chi tông. Tư phùng, mỗ,… tiếc bạc lễ kiến cung, phục nguyện đan thành chiếu giám.

Mặc phú nội ngoại hòa đồng, hoặc sĩ, hoặc nông, hoặc công, hoặc thương, chiêm dĩ tường nhi do trung khởi kính, lai thiên, lai vi, lai sùng, lai hạ. Tích hồng lưu nhi sở nguyện hai tòng. Thực lai tiên thánh sư chi phúc dã.”

Tại nhà thờ Tổ vẫn còn tượng cụ Nguyễn Công Huệ, được tạc ở thế ngồi thoải mái, nét mặt đạo mạo, mặc áo một bên trễ xuống quá vai và phanh hở cả ngực và bụng, ngồi một chân co gập để trần, một tay đặt trên đùi, mọt tay vòng qua đầu gối, các nếp vải quần mềm mại.

Tượng được sơn phủ hoàn kim, cả nội tâm và hình dáng được xem là tượng nổi tiếng của Đồng Minh. Tuy không còn tác phẩm nào của cụ Huệ, và không rõ tung tích cụ. Song các phường thợ ở đây truyền rằng, cụ đã tổng kết công thức tạc tượng lấy diện (mặt người) làm đơn vị, diện được tính từ cằm đến chân tóc.

Công thức chung là “Tọa tứ, lập thất” (ngồi cao bằng 4 mặt, đứng cao bằng 7 mặt). Song, phải tùy nhân vật cụ thể mà gia giảm. Tượng Phật ngồi kiết già, thì hai đầu gối phải gọn, mặt phúc hậu và thanh khiết với tai dài, từ mắt xuống miệng lại ngắn.

Tượng Hộ Pháp thì mắt to, miệng bự quai chảo. Tượng Quan Văn thì mặt điềm đạm, mắt nhỏ cơ mưu, chòm râu buông rủ, khăn áo gọn gàng,… Thật ra đây cũng là công thức tạo tượng người nói chung, mà phường thợ các nơi cũng đề cập tới.

Nổi lên trong các gia đình tạc tượng ở Đồng Minh là hai họ Tô và họ Hoàng, vốn có quan hệ nghề nghiệp và quan hệ hôn nhân từ xa xưa, mà nay con cháu họ Hoàng còn theo giỗ bên ngoại với họ Tô.

Quan hệ nghề nghiệp và cũng là quan hệ dòng máu của hai họ này, được tính từ hai vụ kỳ tài Tô Phú Vượng và Hoàng Đình Úc. Còn khởi đầu của quan hệ hôn nhân thì truyền thuyết có lệch nhau một chút.

Cụ Tô Phú Vượng là bố vợ cụ Hoàng Đình Ức hay vụ Điện (tiền) Tô Phú Luật là cháu nội cụ Vượng, lấy chị ruột cụ Chánh và cụ Phó (con của cụ Ức), hoặc hai cụ này lấy vợ bên họ Tô?

Cũng có thể nói mối quan hệ hôn nhân qua lại giữa hai họ Tô và họ Hoàng, được kéo dài qua nhiều thế hệ, và tùy từng cặp mà có sự chuyển đổi nội ngoại. Và cũng từ quan hệ trên, mà huyền thoại về tài nghệ của các cụ có xê dịch một chút. Song, câu chuyện được nhiều người nhớ là:

Cặp bố vợ – con rể Tô Phú Vượng và Hoàng Đình Ức. Ở đời của vị vua Lê Cảnh Hưng (giữa thế kỷ XVIII) nổi tiếng về tạc tượng và đóng đồ thờ, tài nghệ la truyền đến tận triều đình. Vua Lê Cảnh Hưng cho sứ giả về tận Bảo Hà (tức Bảo Động và Hà Cầu) đón hai nghệ nhân này về Thăng Long làm ngai vàng cho vua.

Dốc tâm sức vào công việc, nhìn chiếc ngai vàng đẹp quá, Tô Phú Vượng nghĩ mình đáng được thưởng thức sản phẩm nghệ thuật của mình một chút, bèn thử ngồi lên xem sao. Không ngờ chuyện đến tai vua, hai cha con nghệ nhân bị khép tội khi quân. Nhưng vua Lê Cảnh Hưng tiếc người tài, không nỡ giết, chỉ tạm giam trong ngục.

Ngồi tù, nhờ may mắn nhặt được hạt gạo kiến tha, cụ Tô Phú Vượng dùng ngón tay tạc thành con voi tí hon đủ cả đầu và đuôi, đủ cả vòi rồi nhờ quan coi ngục dâng lên vua.

Vua Cảnh Hưng bèn tha tội cho cả hai cha con và phong cụ Tô Phú Vượng làm Kỳ Tài hầu, có tước hầu ở hàng hai (công – hầu – bá – tử – nam). Nhưng không hưởng lộc, mà chỉ xác định vinh quang đỉnh cao tài nghệ.

Trên đường về quê, qua chùa Đông Cao (Hải Dương) thấy đang trùng tu, hai cha con nhận làm cho chùa pho tượng Ngọc Hoàng, vì nghĩ rằng vua trên trời cũng như vua dưới trần, lấy hình dáng vua Cảnh Hưng làm tượng Ngọc Hoàng, còn để đền ơn cứu mạng.

Vì vậy, mọi người vẫn truyền nhau: “Muốn chiêm bái vua Cảnh Hưng, cứ đến chùa Đông Cao xem tượng Ngọc Hoàng”. Con cháu cụ Vượng theo nghề cha ông đều là người tài: Con là cụ Tú (tài) Tô Phú Doanh, cháu là cụ Hàn (lâm) Tô Trọng Tấn và cụ Điện (tiền) Tô Phú Luật.

Cụ Điện Luật từng lấy 100 thứ lá ghép thành chiếc kiệu bát cống gọi là “Bách Diệp Thanh Long” dâng vua, được vua ban sắc và phong tài nên gọi là cụ Điện Luật.

Cụ Điện Luật cùng các con cháu còn tạc nhiều tượng thánh, tượng các quan và tượng Phật ở miếu Ba Xã (Bảo Động, Hà Cần, Mai Yên) và chùa Bảo Động hiện còn ở địa phương, và ở nhiều chùa khác trong vùng, nhiều chức dịch cũng đặt các cụ làm tượng chân dung.

Hai họ Tô và họ Hoàng đã có tới 7 cụ nghệ nhân được nhà nước xưa phong là kỳ tài. Nhiều người thuộc các họ khác cũng đã nhiều đời làm nghề tạc tượng. Cụ Bùi Văn Thuyên ở đầu thế kỷ này đã tạc tượng chân dung chủ nợ, mà được xóa nợ, sau lại tạc chân dung quan huyện Vĩnh Bảo Cát Văn Tần rất giống, nhờ đó được cất nhắc làm lý trưởng rồi làm tiên chỉ.

Từ kỹ thuật tạc tượng gỗ, nhiều nghệ nhân ở đây còn đắp tượng đất, nhất là đắp các bộ tượng Hộ Pháp, Kim Cương, La Hán cho một số chùa trong vùng cũng rất sinh động. Cùng với tạc tượng, các nghệ nhân ở Đồng Minh còn đục con rối, đóng và tạc nhiều đồ thờ như ngai, bài vị, hương án,…

Họ tạc ở nhà theo đơn đặt hàng, nhưng trước khi phần lớn là đi khắp nơi tạc tượng, và đóng đồ thờ cho các di tích. Hàng năm, cứ đến ngày mồng 10 tháng Giêng, sẽ làm lễ giỗ Tổ. Sau đó mọi người tỏa đi làm thuê, đến ngày mùa lại về quê giúp gia đình gặt hái. Đến hết ngày 25 tháng Chạp mới về nhà ăn Tết.

Nghề tạc tượng ở Đồng Minh tính từ cụ Kỳ Tài hầu Tô Phú Vượng, thuộc đời Cảnh Hưng, đến nay được chừng 250 năm với khoảng mươi thế hệ nghệ nhân nối tiếp nhau. Nếu ngược lên đến cụ Tổ Nguyễn Công Huệ thì chiều dày trên, còn được nhân lên gấp đôi.

Cũng phổ biến như truyền thuyết như trên, nhưng về công việc lại rất phổ cập, là việc dựng đình, mà ở xứ Đông có thôn Cúc Bồ, thuộc xã Kiến Quốc, huyện Ninh Thành – Hải Dương, giáp sông Luộc.

Trước Cách Mạng Tháng Tám 1945, hầu hết đàn ông Cúc Bồ thạo nghề mộc, dựng đình hiệp thành 7 hợp thợ, công việc đồng áng do phụ nữ đảm nhận. Tương truyền, Cúc Bồ từ xa xưa đã có đình làng, nhưng do sông Luộc đổi dòng ngày càng tiến sát đình, gây nguy cơ xói đổ đình.

Vào khoảng đầu thời Lê Trung Hưng, ông Bùi Đình Chiến người địa phương làm quan phủ ở trấn Sơn Nam Hạ, đã đón thợ Nam Xang (Bình Lục – Hà Nam) về chuyển đình đến địa điểm mới, và mở rộng quy mô cho khang trang. Công việc xong thì có hai anh em thợ trẻ, họ Trần xin ở lại làm rể Cúc Bồ, và truyền nghề cho dân địa phương, tính đến nay đã có tới 16 đời.

Thợ Cúc Bồ dựng đình là công trình kiến trúc nghệ thuật lớn của mỗi làng. Ngoài ra, còn làm những kiến trúc lớn khác như chùa, đền, nghè, miếu, nhà thờ họ, dinh thự,… Những kiến trúc ấy đều vượt trên ngôi nhà thông thường.

Nó chẳng những có bộ khung gỗ kiểu cách, chắc chắn và bề thế, mà còn được chạm khắc trang trí phủ kín bề mặt của nhiều cấu kiện như cốn, bẩy, kẻ, ván nong, đầu dư, con giường, trụ chống,…

Đề tài chạm ở đây tùy thời mà là những hoạt cảnh của người đan xen với rồng mây chim thú, có lúc tập trung vào tứ linh, tứ quý,… Do đó, đòi hỏi thợ dựng đình phải giỏi cả kiến trúc và điêu khắc. Thường hai hoặc vài hiệp thợ dụng chung một ngôi đình.

Trên cơ sở kích thước do làng đề ra, các thợ cả thống nhất nhau về mực thước, rồi chỉ đạo các thợ bạn trong hiệp thợ của mình, tùy theo tài nghệ mà đảm nhận những công việc khác nhau: thợ mới thì cưa cắt, bào vỡ, đục phá; thợ lành nghề thì đục mộng mẹo, chạm khắc.

Công việc trang trí cứ vừa làm vừa tưởng tượng, để khi lắp ráp các mạng mộng bén xít, các mảng chạm phối hợp theo một bố cục hoàn chỉnh, có chủ đề rõ ràng, phù hợp với độ cao và ánh sáng để có thể phát huy được hiệu quả cao nhất.

Xứ Đông ở vùng giáp ranh với xứ Bắc, có làng chạm gỗ Đông Giao thuộc xã Lương Điền, huyện Cẩm Bình, Hải Dương, chuyên làm các loại đồ thờ và đồ gia dụng như ngai, ỷ, bài vị, long đình, kiệu, hương án, bát bửu, bát tiên, võ khí, cuốn thư, cửa võng, hoành phi, câu đối, sập gụ, tủ chè, tràng kỷ, salon,…

Những đồ vật trên chỉ làm phần mộc chạm xong, thì giao cho thợ sơn, thợ khảm hoàn chỉnh. Đông Giao còn ngôi đình dựng từ năm 1739, đợt trùng tu lớn để dấu muộn đến nay là vào năm 1939.

Trước đình vốn có ngôi miếu thờ ông Tổ nghề chạm mộc, mà xưa kia hai mùa xuân thu nhị kỳ, những người thợ chạm của làng đều làm lễ Tổ trang nghiêm. Nhưng nay, cả miếu và Thần tích đều không còn.

Cuối làng có ngôi đền lưu giữ nhiều đồ chạm của thợ làng, đặc biệt có bảng mục lục viết bằng chữ Nôm từ thế kỷ XVIII. Trong đó, có những câu ca ngợi nghề nông, và nghề chạm của làng, như sau:

“Bản nông phu ngày tháng nội chu. Kho phong nguyệt của đầy muôn ức. Công khéo léo khoét rồng, trổ phượng. Máy nhiễm chuẩn thằng, hương thừa lư gánh ngọc”. Tinh thần đó cũng toát lên trong tập Hải Dương Phong Vật Khúc Khảo Thích của Trần Đạm Trai viết ở đầu thế kỷ thứ XIX là “Vẩy mũi chàng nên hình long phượng. Thợ Đông Giao mẫu dạng đâu hơn”.

Thời Nguyễn, với chế độ trưng tập, một số thợ chạm khéo của Đông Giao. Trong đó, có cụ Thuyến, bị triệu vào Huế xây dựng kinh đô, hết hạn một số lại ở Huế lập thành một xóm nhỏ, gọi là xóm Đông Tiến theo tên một thôn của Đông Giao xưa, để nhớ về quê cũ.

Thợ Đông Giao chỉ một số nhỏ làm nghề tại nhà, còn phần lớn lập thành từng nhóm, đi khắp nơi kiếm việc làm. Theo lệ thường, hàng năm sau dịp hội làng, vào cuối tháng Giêng, thì thợ cả đi tìm việc hoặc nhận việc của khách tìm đến làng thuê.

Sau đó, tập hợp thợ bạn, có đầu cánh thông thạo công việc, và cả thợ phụ học việc. Làm xa thì phải ở lại, việc nhiều có khi hàng tháng, hoặc cả năm mới xong. Cũng nghề chặm khắc gỗ, nhưng không phải tạc tượng và đóng đồ, mà là khắc ván in sách, ở xứ Đông còn nổi tiếng với phường thợ Hồng Lục và Liễu Tràng.

Nghề khắc ván in sách ở ta phải có từ rất lâu, thời Lý đã có gia đình sư Tín Học làm nghề này, và trong thời Lý Trần đã có nhiều sách được in ấn. Song ở Hồng Lục và Liễu Tràng, mọi người vẫn nhận tiến sĩ Lương Như Hộc ở thời Lê sơ làm Tổ sư với truyền rằng:

Lương Như Hộc đi sứ phương Bắc, đã học được nghề khắc ván in sách, rồi về quê truyền dạy cho dân làng, đầu tiên là hai ông Phạm Niên (Phạm Trên) và Phạm Đới (Phạm Dưới). Sau mở rộng ra cả thôn Hồng Lục và Liễu Tràng, lan cả sang Khuê Liễu.

Khắc ván để in sách phải thuộc mặt chữ Hán Nôm và viết ngược, kể cả hình minh họa cũng vậy. Chữ phải chính xác, hàng lối rõ ràng. Thợ Hồng Lục – Liễu Tràng đã khắc rất nhiều ván in kinh sách cổ cho triều đình, chùa chiền và cả tư nhân.

Họ thường nhận việc về nhà, để tận dụng thời gian và lao động. Song cũng đi làm thuê cho các chủ hiệu in. Ngày nay, không in sách theo ván nữa. Song khắc con dấu, khắc các phụ bản cho nhà in, khắc ván in tranh đồ họa,… vẫn đang rất cần.

Đối lại Xứ Đông là Xứ Đoài, ở đây bên cạnh huyền thoại về cụ Sần xa xưa. Ở Nủa Chàng (tức Chàng Thôn, Chàng Sơn) thuộc huyện Thạch Thất – Hà Tây còn giữ được cả truyền thuyết và chân dung về cụ Tổ nghề chạm của mình.

Chuyện kể rằng, nơi đây từ xa xưa đã có nghề thợ mộc, từng đi dựng và chạm trang trí cho nhiều đình làng. Thế rồi, vào thời Lê trung hưng, có vợ chồng cụ Nguyễn Xuân Tài và Lê Tư Thiện là thợ mộc nổi tiếng vốn quê ở Thạch Thán, huyện Quốc Oai bên cạnh di cư sang.

Đã giúp thợ làng cải tiến các đồ nghề thợ mộc và dạy dân ở đây phát triển nghề truyền thống, dân bèn lấy ngay tên một đồ nghề là cái chàng làm tên làng. Ở nhà thờ Tổ còn bức phù điêu Tổ nghề là cụ Nguyễn Xuân Tài trong thế ngồi xếp bằng thoải mái, khuôn mặt phúc hậu.

Đứng hầu hai bên cụ Tài là hai chú tiểu đồng, một chú cắp sách và cầm quạt lông, còn chú kia quẩy bầu rượu và cầm quạt giấy. Toàn bộ được phủ nước sơn ta mỏng nhẹ, tươi sâu. Trên bàn thờ Tổ còn cả một chiếc thước gỗ lục lăng, mà trên các mặt thước được khắc đủ cả các vạch tỷ lệ các bộ phận trong một công trình kiến trúc.

Người thợ Nủa Chàng không chỉ làm nhà và chạm trang trí kiến trúc, còn làm đủ mọi thứ đồ gỗ cao cấp gồm cả đóng mộc và chạm khắc, tạc cả những tượng to nhỏ với các đề tài khác nhau. Cụ Đỗ Văn Bỉnh là một nghệ nhân nổi tiếng, tuy cụ đã ra đi, song lớp con cháu học trò của cụ đang phát huy nghề Tổ đắc lực.

Nủa Chàng thuộc Sơn Tây cũ, thì bên phía Hà Đông cũ cũng có một loạt làng mộc nổi tiếng như Nhân Hiền (tức làng Chiếc) và Vạn Điểm thuộc Thường Tín, Đại Nghiệp (tức làng Che) thuộc Phú Xuyên, Sơn Đồng thuộc Hoài Đức, Dư Dụ thuộc Thanh Oai,… Mà ngày nay đang hoạt động tấp nập, có cả cơ sở ở thành phố.

Thợ mộc Nhân Hiền cũng giỏi cả phần ngang và phần chạm. Bài văn tế Tổ nghề ở đây khẳng định độ tay nghề của thợ làng: “Thước tấc so đo không sai không lẫn. Lầu cao nhà rộng mực thước chi li không lỗi không lầm…”.

Thợ Nhân Hiền đã dựng không biết bao nhiêu công trình văn hóa cho các làng quê, và từ đấy có nhiều nghệ nhân nổi tiếng. Cụ Ứng Trọng Bình tạc tượng chân dung giống và rất có thần, cũng chạm nhiều đề tài khác nhau với đủ các chất liệu gỗ, sừng, ngà,… và cụ đã truyền nghề cho lớp trẻ rất thành công.

Ông Hoàng Văn Thiều học nghề ở cả bố đẻ và bố vợ, lại cả ở trường nghệ thuật, vận dụng kết hợp kinh nghiệm và truyền thống, sáng tạo nhiều tác phẩm có tiếng, rồi lại đào tạo chính quy được nhiều lớp trò mới.

Thợ Sơn Đồng đi sâu vào tạc tượng thờ ở các Phật điện và Thần điện, nhiều điện thờ trong vùng và Hà Nội có tượng do thợ Sơn Đồng tạc. Cụ Nguyễn Viết Thạc nổi tiếng là tài hoa, tác giả của nhiều loại tượng thờ lớn nhỏ khác nhau, mỗi loại tượng có những tư thế và trang sức cụ thể.

Xứ Đoài mở rộng vượt sông Hồng sang Phú Thọ, thợ mộc làng Giáp thuộc xã Tứ Xã huyện Lâm Thanh, có ngôi đền thờ Thánh thợ mộc với ba bàn thờ gọi là ba giờ. Bàn giữa thờ Thánh sư Lỗ Ban, bàn hai bên thờ Tả Hữu Tiên Hiền, là những người thợ giỏi người làng.

Hàng năm vào ngày 12 và ngày 13 tháng Giêng, những người thợ mộc đều về đền làm lễ Tổ và trao đổi chuyện nghề nghiệp. Ở đền Gáp, những người thợ mộc có tổ chức khá chặt chẽ, họ lập thành phố và có thể mua những ngôi có vai vế như ông trùm ngôi bạ, và cả chức mục huyện để gây thanh thế rộng cả vùng.

Thợ mộc làng Gáp làm nhà đều phải theo quy cách từ việc chọn ngày, phạt mộc,… và khi xong công trình thì gia chủ phải biện lễ hồi hương, để những người thợ ăn mừng và kính Tổ. Nhà có chạm trổ thì lễ vật gồm một con lợn và một thúng gạo nếp.

Xứ Nam có nhiều làng thợ mộc rất nổi tiếng. Truyền thuyết ở một số làng thợ mộc Xứ Đông còn kể, đình làng mình do thợ Xứ Nam sửa: Đình Cúc Bồ do thợ Bình Lục di chuyển và mở rộng, đình Đông Giao năm 1939 được thợ Quần Hiền trùng tu,…

Chỉ những ghi nhận trên đã nổi trội tài nghệ thợ xứ Nam. Ngày nay, xứ Nam nổi lên làng nghề chạm mộc La Xuyên được gọi tắt là làng La thuộc xã Yên Ninh, huyện Ý Yên – Nam Định. Ở đây, làng La mang tên thành hoàng cũng được xem như là Tổ nghề Lão La.

Truyện kể rằng, làng La làm nghề chạm mộc từ rất xa xưa, vào cuối thời Đinh khi đất nước bị phương Bắc xâm lược, lão La là phó cả đã dẫn hiệp thợ làng La lên đường đánh giặc, và đã anh dũng hy sinh trên chiến trường.

Thắng giặc, vua Lê Đại Hành truy phong lão La làm Đinh Điện Quan Đại Thần, ban cho dân làng La bát nhang để thờ phụng. Bát nhang được rước từ kinh đô Hoa Lư, theo đường sông đến rìa làng thì mắc cạn. Dân làng xin âm dương rồi lập đền thờ lão La ở bến sông.

Rồi một lần tranh giành thần thánh giữa các làng nhân đền cũ đổ nát, dân làng La giành được bát nhang mang về làng thờ tạm chờ ngày dựng đình. Mọi việc chuẩn bị xong thì có cụ già xuất hiện, và nhận phân kim định hướng đình, xong việc thì biến mất. Mọi người tin rằng đó là Lão La.

Người làng La truyền rằng, ông cha họ vốn là thợ làm nhà, đóng thuyền, rồi dựng đình dựng chùa, chạm trang trí kiến trúc và tạc tượng thờ. Về sau, thợ làng La còn đóng sập gụ, tủ chè, rồi chạm đục đủ mọi thứ tượng to nhỏ. Ngày nay, sản phẩm chạm khắc của làng La đi khắp nơi trong nước, và vượt khỏi biên giới sang nhiều nước xa xôi.

Xứ Bắc có nhiều làng nghề thợ mộc, nơi thì đi sâu vào dựng nhà, nơi chuyên về đóng đồ dùng gia đình. Song, về chạm gỗ nổi lên cụm làng vốn xưa thuộc đất Đông Ngàn – Kinh Bắc. Nay theo phân giới hành chính mới có làng thuộc Hà Nội, có làng thuộc Bắc Ninh.

Làng Thiết Úng gọi nôm là Ống, thuộc xã Vân Hà, huyện Đông Anh – Hà Nội vừa có truyền thống hiếu học, vừa có truyền thống chạm mộc. Ngày nay, cả làng biết làm nghề. Ngay cạnh đình làng có nhà thờ hàng hiệu thờ ông Tổ nghề chạm mộc.

Nhà thờ vốn xưa hai nếp song song, nếp trong có bàn thờ và dành cho người cao tuổi ngồi, nếp ngoài cho sinh hoạt của thợ trẻ. Nhưng nay chỉ còn nếp trong với hậu cung. Hàng năm những thợ Thiết Ứng dù đi làm ở đâu, cũng về quê ăn Tết và dự lễ giỗ Tổ vào ngày 13 tháng Giêng.

Sau lễ có thi Trí xảo giới thiệu cho nhau những sáng tạo mới, người tài được phần thưởng trầu cau. Giỗ Tổ nhưng chỉ nhớ viễn Tổ là thánh sư Lỗ Ban, không rõ cụ Tổ trực tiếp.

Tuy nhiên, bài Mục Lục đọc ở hội đình làng, do tiến sĩ Đồng Nhân Phái viết ở thế kỷ XVIII đã nói đến tài của thợ làng, như sau:

“Người thọ thời rèn búa trong tay mực thước. Cho đúng lầu cao dựng khéo, thợ cả công đầu. Phủ quan thưởng tài tam phẩm vinh cho quốc sủng”.

Thời Nguyễn, làng có nhiều thợ bị triệu vào Huế trang trí cung điện. Trong đó, có người khi xong việc được phong hàm trí huyện như cụ Hàm u, không nhận quan chức, nhưng được vinh quy trọng thể.

Cho đến trước Cách mạng triều đình Huế, và thống sứ Bắc Ninh đã phong cho 70 thợ giỏi Thiết Úng là Bá Hộ Cửu Phẩm, một số cụ mở cửa hiệu ở Bắc Ninh như hai ông Hàn Tư, Hàn Phúc, hoặc ra Hà Nội kinh doanh như các cụ Bá Duệ, cụ Cửu Phẩm, cụ Chánh Khuyến. Cụ Bá Căng ghép gỗ liền xít cả vân, bảo hành hàng tối thiểu trong vòng 5 năm.

Trong triển lãm thuộc địa Pháp tại Marseille năm 1906, ở gian hàng Bắc Kỳ có giới thiệu nghề mộc chạm dân dụng Bắc Ninh, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chi mang theo những người thợ của làng Thiết Ứng sang, vừa sản xuất vừa trưng bày, và bán hàng tại chỗ, cả năm nhóm người kỳ cạch đóng sập gụ tủ chè với nhiều chi tiết trạm trổ, kết thúc triển lãm, Nguyễn Hữu Chi được tặng huy chương đồng.

Nối tiếp truyền thống cha ông, các lớp thợ ngày nay có nhiều người nổi tiếng là bàn tay vàng, liên tục được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ nhân, như các cụ Đồng Văn Sảng (1967), cụ Đào Văn Bồi (1970), cụ Kỳ và ông Hiển (1987),…

Liền đồng với Thiết Ứng là hai làng chạm gỗ Phù Khê và Kim Thiều. Phù Khê tên làng cũng là tên xã thuộc huyện Từ Sơn – Bắc Ninh. Từ xa xưa đã góp vào thủ công địa phương bằng nghề chạm gỗ để vào câu ca dao: “Nghĩa Lập bánh đúc, cháo kê. Tấn Bào nung ngói, Phù Khê chạm rồng”.

Thợ Phù Khê ngày xưa đi khắp nơi cắt gỗ dựng nhà, xẻ gỗ đóng đồ. Dựng nhà sau khi chọn gỗ lấy mực còn phải chạm trang trí, mà với các đình, chùa và nhà đại khoa thì phần chạm khắc khá công phu, tỉ mỉ với nhiều đề tài quen thuộc mà luôn phải sáng tạo, đổi mới.

Ngoài ra, còn đóng bàn thờ, hương án, ngai ỷ, sập gụ, tủ chè, và ngày nay thêm nhiều đồ mới, cả sáng tác tượng nghệ thuật nữa. Thợ đi làm dù gần hay xa Tết, đều về quê và giữ lệ làng trong đó có giỗ Tổ nghề mộc chạm vào ngày mồng 7 tháng Giêng: “Mồng bảy phường thợ. Mồng tám khám mã”.

Có giỗ Tổ, nhưng lại không rõ lai lịch Tổ, chỉ truyền nhau đã có từ lâu lắm rồi, và từ nhiều thế kỷ trước, đã dựng nên những chùa to đình lớn trong ngoài xứ Bắc. Ngày nay, thợ chạm Phù Khê, có người như ông Kim từng là đại biểu Quốc Hội để nói lên tiếng nói của giới thủ công nghệ thuật.

Kim Thiều thuộc xã Hương Mạc, cùng huyện với Phù Khê, chuyên đóng các đồ mộc chạm, chỉ về sau này mới tạc tượng thờ và tượng chơi. Tương truyền, cụ Tổ nghề ở đây là người họ Nguyễn, đã truyền nghề cho lớp cháu con thuộc các dòng họ trong làng, rồi cha truyền con nối phát triển mãi đến nay.

Không rõ cụ Tổ sống ở đời nào, song phải từ rất xa xưa, lớp học trò của cụ nhiều người có tay nghề đến thành huyền thoại. Có người đã đóng ngai rồng cho vua, và phạm tội khi quân (như chuyện Tô Phú Vượng ở Xứ Đông), có người đã tạc cả đàn voi trên một hạt đỗ, có người đã chạm cả cảnh thủy chiến trên vảy gỗ chỉ bằng đồng xu,…

Ngày nay, thợ chạm gỗ Kim Thiều có thể chạm bất cứ đề tài gì, một mẫu gỗ cũng có thể biến thành một tác phẩm nghệ thuật, một cục vàng,…

Vùng Thuận Hóa – Huế với tư cách là thủ phủ của Đàng Trong ở thế kỉ XVII đến XVIII, rồi là kinh đô của cả nước ở thế kỷ XIX, đã thu hút được nhiều nghệ nhân thuộc các nghề khác nhau. Trong đó, có nghề mộc chạm.

Nếu thời các vua chúa Nguyễn trị nhậm, Phú Xuân đã có nhiều lầu son gác tía, nhiều đài cao rực rỡ, chạm khắc vẽ vời, khéo léo cùng cực,… chứng tỏ tuy là vùng đất mới. Song đã tập hợp được những thợ mộc chạm có tài.

Thì khi Huế chính thức được nhà Nguyễn chọn làm kinh đô, để đáp ứng công việc xây dựng cung điện ngày càng nhiều và to đẹp, nhà nước đã trưng tập thợ giỏi của cả nước và lập Mộc tượng cục.

Trong số này, có ông Nguyễn Văn Cao gốc người Thanh Hóa nổi tiếng về mộc chạm, mang theo con trai là Nguyễn Văn Thọ vào cùng làm. Ông Thọ lấy vợ người Mỹ Xuyên, mãn hạn phục vụ về quê vợ để sống và dạy nghề cho dân làng, được những người thợ sau này tôn làm tổ nghề, và tổ chức cúng lễ vào ngày mồng bốn Tết Âm Lịch.

Ông Thọ sống dưới thời vua Tự Đức (1847 – 1883). Từ đó, dân Mỹ Xuyên (nay thuộc xã Phong Hòa, thuộc huyện Phong Điền, cách Huế chừng 40km). Ngoài nghề làm ruộng, còn có nhiều người làm nghề chạm mộc khác nhau.

Do nghề này thường làm đồ thờ, và cũng để giữ nghề, nên chỉ truyền cho đàn ông. Trước hết là thợ mộc, họ làm nhà đóng đồ nội thất. Song để tăng giá trị của hiện vật, họ còn chạm lên đó nhiều hình trang trí đẹp.

Từ chạm gỗ, họ còn chạm cả xương, sừng và ngà voi. Xưa kia, ở Mỹ Xuyên chủ yếu là chạm trang trí kiến trúc và các đồ quý hiếm. Nhưng nay, do yêu cầu mới của xã hội, họ tập trung tạc tượng tròn nhỏ nhằm trang trí nội thất.

Một mặt, bằng làng nghề chạm gỗ trải rộng trên cả nước, mà riêng đồng bằng sông Hồng, đã có mật độ khá cao, nó giàn ra đều trên cả tứ trấn, có thể phục vụ nhu cầu của tập thể.

Dân làng cũng như của cá nhân những người có điều kiện, và yêu thích nghệ thuật chạm gỗ. Ngày nay, những làng nghề này đang làm giàu cho đất nước, và làm sang cho nhân dân.

Tác giả: Chu Quang Trứ

Bạn đang xem bài viết:
Các làng nghề và tổ nghề mộc chạm tại Việt Nam
Link https://vnlibs.com/dieu-khac/cac-lang-nghe-va-to-nghe-moc-cham-tai-viet-nam.html

Tìm kiếm có liên quan: Các công việc của nghề mộc hiện nay; Có nên theo nghề thợ mộc hay không; Cô gái khởi nghiệp từ nghề mộc thủ công; Cửa hàng bán dụng cụ thợ mộc ở tphcm; Cửa hàng dụng cụ máy móc làm nghề mộc; Chuyện đời chuyện nghề mộc Việt Nam;

Tìm kiếm có liên quan: Dụng cụ đồ nghề mộc chất lượng cao uy tín giá rẻ; Dụng cụ làm mộc cầm tay; Dụng cụ làm mộc cho thợ và diy mộc; Dụng cụ Làm mộc Vinachi; Dụng cụ nghề mộc; Giải đáp thợ mộc là gì; Nghề mộc hiện nay;

Tìm kiếm có liên quan: Những điều cần biết về nghề mộc và cơ hội cho người thợ; Từ học nghề mộc; Thanh niên vùng cao khởi nghiệp với nghề mộc thủ công; Thích làm mộc kêu gọi sư phụ nghề mộc hỗ trợ các dự án; Thiết bị nghề mộc; Thợ mộc cần có những dụng cụ gì.