Sản phẩm của nghệ thuật chạm gỗ từ thời xa xưa khắp cả nước

Chuyện về các cụ Tổ nghề chạm gỗ, nếu cụ Tổ viễn đại quá xa và hoàn toàn là chuyện huyền thoại, còn các cụ Tổ cận đại tuy khá nhiều nhưng hầu hết không rõ ràng.

Số ít có thể nhận ra thời gian thì thường thuộc cuối thời Lê trung hưng, mà những tên tuổi nghệ nhân được triều đình phong tặng danh hiệu thì đáng tin nhất là thuộc thời Nguyễn.

Ấy vậy, mà sản phẩm chạm gỗ thì lại có từ rất xa xưa, chỉ những tác phẩm vượt quá sự phá hoại của thời gian và của con người thì cũng từ thời Trần, phát triển liên tục cho đến tận ngày nay, và chính nó làm nên nội dung chủ yếu của lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Ở đây, chúng ta có hai mảng là chạm trang trí và tượng tròn, tập trung là ở các đình và chùa.

Về chạm trang trí, sản phẩm sớm nhất còn lại là chạm nổi trang trí nội ngoại thất các chùa thời Trần, và hiếm hoi là một ít đồ thờ. Nếu ở chùa Dâu (Bắc Ninh) và chùa Bối Khê (Hà Tây).

Trên các cốn vì nóc và cả một số đầu bẩy, chúng ta gặp nhiều mảng chạm rồng và một số mảng chạm phượng, thì ở chùa Thái Lạc (Hưng Yên) và di vật đào được ở Mỹ Thịnh (Nam Định).

Các cốn và ván rong lại chạm người chim, nhạc công, vũ nữ với những dây hoa, sóng nước mà cơ bản có thể tìm thấy mẫu hình ngay trong cuộc sống, rồi cách điệu và bố cục thành những tác phẩm tạo hình hoàn chỉnh.

Cuộc sống ở đấy cứ xôn xao, tươi rói mà trang trọng một không khí thờ phụng với bao ước mong của con người. Những hình ấy được chạm nổi, nền không sâu mấy. Song mặt hình có những độ cao thấp khác nhau, được đèn nến hắt sáng lên, ở trên cao cứ hiện ra chập chờn một cuộc sống hư hư thực thực.

Thời Lê sợ chùa bị hạn chế, thậm chí cấm đoán, còn đình mới thể nghiệm chưa định hình, di tích cả hai loại này đều không để lại được công trình nào rõ ràng. Nên chúng ta biết rất ít về chạm gỗ đương thời, ngoài bộ tượng chùa Thầy (Hà Tây).

Từ thời Mạc, chùa được phục hưng. Tuy không còn công trình hoàn chỉnh, nhưng chúng ta còn một số mảng chạm trang trí biết qua ảnh với bản vẽ ở chùa Cói (Vĩnh Phúc) và được dùng lại ở một số chùa.

Đặc biệt, còn một số bệ tượng được chạm trang trí cẩn thận, cho thấy một phong cách khoáng đạt nhưng có chiều sâu ý tưởng đậm chất dân gian dân tộc. Tiếp theo, từ thời Lê trung hưng về sau, chùa được dựng rất nhiều và còn lại đến nay hàng loạt.

Ở đó, trang trí kiến trúc và nhất là trang trí đồ thờ (tập trung là hương án) vẫn biểu hiện tài nghệ của những người thợ chạm Việt Nam. Song từ thời Mạc trở đi, ở chùa nổi trội lên là tượng tròn. Còn chạm trí kiến trúc lại chuyển sang đình làng.

Đình làng là công trình văn hóa chính của mỗi làng, có thể ra đời trong lòng xã hội Lê sơ. Song, hình mẫu hoàn chỉnh đạt giá trị kiến trúc nghệ thuật, và còn để lại đến nay, thì sớm nhất là từ thời Mạc với đình Tây Đằng (Hà Tây), đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang).

Khoảng chuyển của hai thế kỷ XVI đến XVII có đình Phù Lưu (Bắc Ninh) và nở rộ đạt đỉnh cao là cuối thế kỷ XVII, mà tiêu biểu là các đình Thổ Hà, Phù Lão (Bắc Giang), Diềm (Bắc Ninh), Chu Quyến, Vân Đình (Hà Tây), Thổ Tang, Ngọc Canh (Vĩnh Phúc), Xốm (Phú Thọ), Hương Lộc (Nam Định), Chẩy (Hà Nam), Trà Cổ (Quảng Ninh), Kiền Bái (Hải Phòng),…

Sang thế kỷ XVIII đến XIX có thưa thớt, tập trung sửa chữa đình cũ. Nhưng có tiếp tục một số đình mới, như đình Bình Lục (Quảng Ninh), Thạch Lỗi (Hải Dương), Hồi Quan, Đình Bảng (Bắc Ninh), Hoành Sơn, Trung Cần (Nghệ An), Tây Long, Lại Thế (Huế),…

Những ngôi đình này, tùy theo thẩm mỹ thời đại và kinh phí địa phương, mà mức độ chạm khắc trang trí có khác nhau, kỹ thuật khi chạm nổi, lúc chạm bồng bềnh, rồi lại kết hợp chạm nổi với gắn chắp như bong kênh,…

Nhưng tất cả đã thể hiện tài nghệ của những người thợ mộc chạm xưa, vừa giỏi phần ngang (bộ khung kiến trúc) vừa tài phần chạm. Chính nghệ thuật chạm khắc đình làng, đã đẩy mỹ thuật cổ Việt Nam lên một đỉnh cao, làm ngạc nhiên nhiều người sành nghệ thuật trong và ngoài nước.

Chúng ta gặp ở đấy những bố cục đơn với từng hình trọn vẹn, lại cả những bố cục đồng hiện với nhiều hoạt động cùng bung ra, mà không chèn ép che lấp nhau. Đề tài chạm khắc đình làng, đôi khi có cảnh lao động như đi cày, bổ củi, gánh con,…

Nhưng phần lớn là những cảnh vui chơi ngày hội như đánh cờ, đua thuyền, đấu vật, xem hát, chuốc rượu, điều voi, khiển ngựa, múa võ, đá cầu,… Đặc biệt là những cảnh vui đùa thuộc tình cảm trai gái như tắm ao sen, tình tự và cả ân ái nữa,…

Ở những hình chạm muộn (tập trung ở thế kỷ XIX) thì đề tài phổ biến là chạm các bộ Tứ Linh (rồng, phượng, rùa, lân), Tứ Quý (4 mùa thường biểu hiện thông qua 4 cây là mai – trúc – cúc – thông).

Những hình có tính chúc mừng như Phúc – Lộc – Thọ cũng được biểu hiện bằng hình, hoặc chữ khối vuông, hoặc thông qua những vật tiêu biểu (như đào về tuổi thọ, lựu về đông con),…

Hình chạm nổi ngoài việc đưa vào trang trí kiến trúc, còn được đưa vào trang trí đồ thờ và đồ gia dụng. Nhiều di tích có những cửa võng, án, ngai, ỷ, bài vị, bát bửu, thập bát ban võ nghệ,… được chạm rất cầu kỳ với đủ các kỹ thuật chạm nổi, chạm thủng, chạm lộng,…

Sau đó, sơn son thếp vàng rực rỡ, làm cho những đồ thờ này vừa mang chất Thiêng, vừa mang chất Đẹp, nó cao quý và sống động sâu sắc. Còn đồ gia dụng như sập gụ, tủ chè, salon,…

Chẳng những là đồ dùng thường ngày, mà nhờ những tác phẩm trang trí chạm ở bệ sập, ở nèo tủ, ở vai ghế với cây cảnh, với chim thú, đã đưa cả thiên nhiên chọn lọc vào nhà, lại cả nhân vật theo điển tích như kho chuyện cổ được kể thật sinh động, tất cả làm cho căn nhà sang trọng hẳn lên.

Ngày nay, trong trào lưu phục hưng di tích và lễ hội, trong điều kiện đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, và trao đổi mậu dịch mở rộng, các đồ dùng gỗ chạm đang có điều kiện phát triển, nhiều cơ sở chạm gỗ được xây dựng với phạm vi hoạt động cả nước và mở rộng ra cả quốc tế.

Nổi bật trong sản phẩm của nghề chạm gỗ phải là tượng tròn. Làng quê và cả thị thành Việt Nam khắp nơi có chùa, mỗi chùa là một bảo tàng tượng tròn, chùa Mía (Hà Tây) có tới gần 300 pho tượng.

Chỉ bằng tượng ở các chùa đã khẳng định Việt Nam có truyền thống tạo tượng. Tượng ở chùa sớm còn giữ được, đều làm bằng đá. Suốt các thời Lý – Trần và Lê sơ, chúng ta chưa tìm được tượng gỗ ở các chùa, để rồi sau đó từ thời Mạc trở đi, thì tượng gỗ ở các chùa được làm rất nhiều.

Chúa Trịnh có lệnh cấm làm tượng Phật, và các tượng khác bằng đất, hay làm tạp nham, mà làm bằng đồng thì phải xin phép bề trên. Do đó, một số làm bằng đá còn hầu hết làm bằng gỗ. Đó là điều kiện pháp lý thuận lợi, để các làng thợ chạm gỗ chiếm lĩnh trận địa tạo tượng thờ.

Từ những tượng gỗ sớm nhất hiện còn ở các chùa thời Mạc, như loạt tượng Quan m thiên thủ thiên nhãn ở chùa Hạ (Vĩnh Phúc), chùa Bối Khê (Hà Tây), chùa Đa Tốn (Hà Nội), chùa Cập Nhất (Hải Dương),…

Loạt tượng Tam Thế ở chùa Thầy (Hà Tây), chùa Lệ Mật (Hà Nội),… tượng Quan m cứu độ ở chùa Thượng Trưng (Phú Thọ),… tượng Thích Ca sơ sinh chùa Đông Dương (Hải Dương),… tượng Tứ Pháp (Pháp Lôi) ở chùa Thái Lạc (Hưng Yên),…

Là những sáng tạo rất sớm về tượng thờ bằng gỗ ở các chùa, dù có được học ở tượng đá trước đó (và có thể học cả tượng gỗ trước đó, mà nay không còn).

Thì các nghệ sĩ chạm gỗ thời Mạc đã tạo cho dân tộc những giá trị tạo hình rất cao, đẹp ở hình thể với sự đôn hậu, bình dị, và đẹp ở nội tâm với sự nhân từ, trong sáng, để rồi lại trở thành mẫu cho tượng các thời sau.

Thời Lê trung hưng để lại tượng gỗ quá nhiều, có ở hầu hết các làng quê. Ngoài các loại tượng cũ còn thêm nhiều tượng mới nữa cũng rất thành công, nhất là ở thế kỷ XVII có sự tham gia của quý tộc triều đình, đã tạo được vẻ đẹp quý phái, cao sang.

Chỉ một chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) đã tập trung vô số tượng gỗ đẹp. Trong đó, nổi bật lên là tượng Quan m thiên thủ thiên nhãn, tượng chân dung hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, công chùa Lê Thị Ngọc Duyên, quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ,… đều to bằng và to lớn hơn người thực, cho đến các tượng các thị giả nhỏ nhắn xinh xẻo. Tất cả thành những báu vật nghệ thuật của dân tộc.

Thời Tây Sơn dù rất ngắn, do thừa hưởng được thành quả của thời trước, và tạo được đời sống đầy đủ hứng khởi, đã đẩy nghệ thuật tạo tượng gỗ lên đỉnh cao, có cả khoa học giải phẫu, đặc điểm nhận dạng và nhất là nội tâm sống động với cá tính sắc sảo.

Chùa Tây Phương với loạt tượng Di Đà tam tôn, Tuyết Sơn, Di Lặc, Bồ Tát, Kim Cương và nhất là 18 tượng Tổ truyền đăng, đã làm sửng sốt những người sành nghệ thuật trong và ngoài nước, hoàn toàn xứng đáng góp phần cho kho tàng tạo hình thế giới.

Tượng thời Nguyễn phần nhiều đắp bằng đất luyện, tượng gỗ vẫn được chú trọng và mở rộng, chiếm lĩnh cả các điện Mẫu và các đền Thần. Chỉ riêng vành Cửu Long quanh tượng Thích Ca sơ sinh cũng đủ là một Phật điện thu nhỏ hết sức phong phú.

Nói chung, tượng gỗ thời Nguyễn không lớn, chuyển từ cái đẹp khái quát sang sự tỉ mỉ, nhiều khi đến tinh tế và điều đó gắn với chất mỹ nghệ bằng sự khéo léo của những bàn tay vàng.

Chính những bàn tay vàng có thể làm những mẫu gỗ cũng biến thành cục vàng, mà thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân đã khuyến khích, mở ra các trường mỹ nghệ, tổ chức các đấu xảo thuộc địa. Mặc dù mục đích khai thác bóc lột, song về khách quan đã làm cho nghề chạm gỗ được nâng cao và phát triển.

Ngày nay, sau một thời ngưng trệ bởi chiến tranh và cuộc sống khó khăn, cùng với sự đổi mới và khởi sắc của đất nước, nghề chạm gỗ đang được phát triển, nhiều tượng nhỏ trang trí, nhiều đồ gia dụng chạm khắc cao cấp đang được các cơ sở chạm gỗ cả nước, ở các làng quê gốc và các thành phố lớn, đang làm đẹp cho xã hội và làm giàu cho đất nước.

Tác giả: Chu Quang Trứ

Bạn đang xem bài viết:
Sản phẩm của nghệ thuật chạm gỗ từ thời xa xưa khắp cả nước
Link https://vnlibs.com/dieu-khac/san-pham-cua-nghe-thuat-cham-go-tu-thoi-xa-xua-khap-ca-nuoc.html

Các tìm kiếm có liên quan: Chạm khắc gỗ đình làng thuộc dòng nghệ thuật nào; Đặc điểm của nghệ thuật Chăm khắc Chăm; Hình ảnh cho nghệ thuật chạm gỗ; Kho tàng văn hóa vô giá nghệ thuật chạm khắc gỗ cổ; Mĩ thuật 9 bài 6: chạm khắc gỗ đình làng việt nam;

Các tìm kiếm có liên quan: Nghệ thuật chạm khắc gỗ ở các ngôi đình cổ nổi tiếng; Nghệ thuật chạm khắc gỗ tại nhà bia lăng Thiệu Trị; Nghệ thuật chạm khắc gỗ thời Lê qua các bức chạm gỗ; Nghệ thuật chạm khắc trên kiến trúc nhà gỗ;

Các tìm kiếm có liên quan: Nghệ thuật điêu khắc gỗ tuyệt phẩm điêu khắc;Nghệ thuật điêu khắc gỗ Trung Quốc; Nghệ thuật điêu khắc gỗ Việt Nam; Nghệ thuật khắc gỗ biến hình từ khúc gỗ giản đơn; Người trẻ và giấc mơ điêu khắc gỗ;

Các tìm kiếm có liên quan: Những nghệ nhân điêu khắc gỗ ở chùa Hang Trà Vinh; Những tác phẩm điêu khắc gỗ đẹp; Tác phẩm điêu khắc gỗ ý tưởng; Tìm hiểu về nghệ thuật chạm khắc gỗ truyền thống; Vẻ đẹp của nghệ thuật chạm khắc gỗ đình làng việt nam?.