Chạm khắc gỗ là một nhánh của nghề thợ mộc, một mặt nó chạm khắc trang trí kiến trúc, mặt khác nó chạm khắc trang trí các đồ mộc nội thất (gồm đồ thờ và đồ gia dụng). Tiến thêm một bước là tạc tượng (gồm tượng thờ và tượng trang trí nội thất).
Người Việt cổ từ thời Văn hóa Đông Sơn đã biết dựng lên những ngôi nhà gỗ nghệ thuật, mà hình ảnh của nó còn khắc trên những trống đồng Đông Sơn tiêu biểu (như các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa,…).
Đó là những ngôi nhà sàn mái cong võng hình thuyền rủ xuống sát sàn, trên nóc có 1 hoặc 2 con chim đậu, là những ngôi nhà sàn mái cong vồng lên, sườn mái rất dày. Những mẫu hình nhà này thon thả, chắc chắn, thích hợp với khí hậu nắng gắt và mưa dông, với thiên nhiên dễ ngập lụt và môi trường ẩm thấp.
Với tài nghề mộc, trong thời Bắc thuộc, hơn 1000 thợ thủ công Giao Chỉ đã bị Thái thú Tôn Tú bắt đưa sang Trung Quốc xây dựng kinh đô Kiến Nghiệp. Từ thế kỷ thứ X, đất nước độc lập và thống nhất, việc xây dựng được cả Nhà nước và nhân dân ta coi trọng.
Kinh đô Hoa Lư có nhiều cung điện lộng lẫy cột dát vàng, bạc và lợp ngói bạc. Kinh đô Thăng Long lại càng to đẹp hơn nhiều, nơi vua ở “tất cả các tầng gác của cung thất đều sơn son, cột trụ có vẽ rồng bạc và tiên nữ” (Quế hải ngu hành chí), đài Chúng Tiên có ngói vàng lợp ở tầng trên và ngói bạc lợp ở tầng dưới.
Sử cũ viết về cung điện thời Lý là “chạm trổ trang sức khéo léo, công trình thổ mộc đẹp đẽ chưa từng thấy” (Việt sử lược). Thăng Long thời Trần và thời Lê được xây dựng bổ sung thêm nhiều công trình mới nữa.
Vua Lê Thánh Tông đã gọi các thợ vẽ kiểu mẫu, dùng tài ông Thùy và khéo ông Thâu, để dựng lên ngôi đình Quảng Văn làm chỗ dán các giấy tờ của Nhà nước, “về hình thức đình thì cột rất cao, chạm đục thưa thớt. Dẫu thấp mà không xấu xí, dẫu đẹp mà không lộng lẫy. Thế là mẫu mực được vừa phải” (Bùi Xương Trạch: Bài ký đình Quảng Văn).
Vua Lê Uy Mục còn cho xây đài chín tầng, và điện trăm nóc theo mẫu của Vũ Như Tô, xây dựng 5 năm chưa xong thì gặp bạo động phải đình chỉ. Kinh thành Huế tuy không nguyên vẹn.
Nhưng còn rất nhiều công trình kiến trúc khung gỗ lợp ngói được chạm khắc trang trí khéo léo, như Ngọ Môn, Hiển Lâm Các, rất nhiều cung điện và tẩm thờ theo kiểu trùng thiềm điệp ốc rộng rãi thông thoáng, nhờ thế mà ngày nay đã trở thành di sản văn hóa của nhân loại.
Như vậy, các công trình kiến trúc của Nhà nước luôn là mảnh đất tốt để các hiệp thợ mộc chạm đua tài. Còn với nhân dân, bên cạnh tranh tre, năm 1084 nhà Lý xuống chiếu cho thiên hạ nung ngói lợp nhà, có nghĩa Nhà nước khuyến khích nhân dân làm nhà gỗ. Nhưng khi nhà gỗ lợp ngói phát triển, thì năm 1097 lại ra lệnh “cấm dân gian bách tính không được xây nhà ngói làm thuyền lớn”.
Đến thời Trần, sứ nhà Nguyên sang ta còn thấy những kiểu nhà của dân “mái từ nóc xuống giọt gianh cứ thẳng tuột như đổ hẳn xuống. Vì vậy, nóc nhà rất cao, nhưng mái hiên chỉ cách nền nhà chừng 4 thước đến 5 thước,… Cũng có nhà lợp ngói, kiểu ngói ta lợp như vảy cá” (Trần Phu: An Nam tức sự).
Nguyễn Phi Khanh từng tự hào về ngôi nhà ngói đơn sơ làm trường học của mình: “Vài gian nhà học, khuất trong lau lách…. Sương phủ trên mái nhà, trĩu nặng ngàn viên ngói”.
Chế độ phong kiến càng đi vào con đường chuyên chế, thì càng hạn chế kiến trúc của nhân dân. Luật Gia Long quy định: “Nhà ở trong bất cứ trường hợp nào, cũng không được dựng trên nền 2 cấp hay chồng hai mái, không được sơn vẽ và trang trí. Cấm làm nhà gác cao bằng vai kiệu của trưởng quan đi tuần,… Cấm dân dùng gỗ lim làm nhà. Cấm chạm trổ các vì kèo. Cấm làm nhà chữ Công, chữ Môn…. Kiểu nhà làm đẹp quá thì bị tội lộng hành”.
Như vậy, nhà dân cơ bản là bằng tre lợp tranh, chỉ tầng lớp khá giả mới làm nhà gỗ lợp ngói, nhưng do luật lệ hà khắc nên việc chạm trang trí cũng sơ sài. Tuy nhiên, từ thời cận đại, chính quyền thực dân Pháp bãi bỏ luật khắt khe và khuyến khích mỹ nghệ, thì những gia đình có điều kiện lại chơi các đồ gỗ quý chạm đẹp như sập gụ, tủ chè,…
Những công trình kiến trúc mà người làm trong nghề thợ mộc chạm, tha hồ phát huy tài năng chính là các chùa, đền, đình được diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, và mở ra trong không gian rộng lớn với hầu hết các làng quê.
Ở thời Lý, chùa được dựng khắp nơi, phần lớn là những công trình kiến trúc gắn với những người thợ mộc chạm như văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc (Tuyên Quang): “Tìm chọn thợ hay để xây đền tia. Xà uốn cong cong ngỡ cầu vồng bắc nhịp, mái hiên xòe như chim chóc tung bay,…”
Từ thời Trần về sau, liên tục qua các triều Mạc – Lê – Tây Sơn – Nguyễn, chúng ta còn giữ được rất nhiều những kiến trúc tôn giáo, hầu hết là những nhà khung gỗ lợp ngói, trên các mảng gỗ được chạm trang trí nhiều đề tài khác nhau về con người, về chim thú, hoa lá với đủ các kỹ thuật chạm nổi, chạm thủng, chạm lộng.
Ở đó, có nhiều đồ thờ như nhang án, lộ bộ, ngai. Ở một số đền và trong tất cả các chùa, còn có vô vàn tượng thờ. Tất cả đều biểu hiện tài năng tuyệt vời của những người thợ mộc chạm Việt Nam.
Chỉ bằng với những di tích và di vật nghệ thuật, đã được thử thách trong thời kỳ lịch sử để tồn tại đến ngày nay. Chúng ta cũng thấy nghề chạm mộc là một nghề nghệ thuật nổi trội trong các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, nó gắn bó khăng khít với sự phát triển của xã hội văn minh và làng quê văn hóa.
Đồng bằng sông Hồng là cái nôi của nền văn hiến Việt Nam, và vùng biên của nó là Thanh – Nghệ, thì cũng là nơi tập trung của các nghề thủ công mỹ nghệ, mà ở lĩnh vực chạm mộc thì đây cũng là vùng có nhiều làng nghề, có những giai thoại về tổ nghề và các nghệ nhân được nhà nước cả xưa và nay công nhận.
Tác giả: Chu Quang Trứ
Bạn đang xem bài viết:
Nghề chạm khắc gỗ trong lịch sử của nhánh nghề thợ mộc
Link https://vnlibs.com/dieu-khac/nghe-cham-khac-go-trong-lich-su-cua-nhanh-nghe-tho-moc.html