Các trống đồng nổi tiếng nhất như trống Ngọc Lữ và Hoàng Hạ, tìm được ở giáp kề địa bàn Hà Nội và trống Cổ Loa ở ngay chân thành Cổ Loa, chứng tỏ nghề đúc đồng của vùng Hà Nội cổ đã có từ thời dựng nước và khá tinh xảo.
Vào thời Lý, trong bốn đại khí bằng đồng nổi tiếng của nước Đại Việt, thì có hai thứ (đỉnh tháp Bảo Thiên và chuông Quy Điền) được đúc tại Thăng Long. Cũng vào thời này, nhân dân kinh thành cũng như nhân dân một số nơi còn kể cho nhau nghe truyền thuyết về sư Không Lộ như là ông tổ của nghề đúc đồng.
Đến thời Lê, nhân dân năm xã tổng Đề Kiều (Thuận, Thành, Bắc Ninh) do Nhà nước trưng tập về kinh đô đúc tiền đồng, họ đã ở lại bán đảo thuộc hồ Trúc Bạch, lập ra một làng đúc đồng gọi là Ngũ Xã Tràng, tức Trường đúc của Năm Xã.
Làng Ngũ Xã từ đó nổi tiếng về nghề đúc đồng, được kể là một trong bốn nghề thủ công nghệ thuật truyền thống của Thăng Long bao gồm: Linh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã.
Trong những sản phẩm của người thợ đúc đồng Ngũ Xã đúc ra mang tính nghệ thuật cao, phải kể đến chuông và tượng đồng. Chuông đồng thì hết sức phổ biến, làng quê nào cũng có chùa, và chùa nào ít ra cũng phải có một quả chuông.
Chuông chùa phát ra âm thanh ngân vang kéo dài rất xa. Đồng thời, quá trình đúc cũng rất phức tạp, nhưng thợ Ngũ Xã đã đúc được từ tượng nhỏ mỹ nghệ, đến tượng lớn như phật A Di Đà ở tại chùa Phương Minh.
1. Chạm gỗ
Trong tư liệu mỹ thuật cổ, đồ chạm gỗ Việt Nam xưa nhất còn lại thuộc thời Trần. Khí hậu nhiệt đới và hỏa hoạn, không cho chúng ta giữ được đồ gỗ sớm hơn. Song, những bức chạm gỗ thời Trần cả ở nghệ thuật và kỹ thuật đều đạt trình độ cao, rất hoàn chỉnh.
Chứng tỏ tổ tiên ta đã thành thạo nghệ thuật chạm gỗ từ trước thời Trần rất lâu. Tại làng Chàng đất tổ nghề chạm, còn lưu truyền những câu chuyện về ông tổ nghề chạm. Câu chuyện về cụ tổ viễn đại đã mang sắc màu truyện cổ tích, và càng gây ra được sự tôn quý nghề chạm.
Học nghề ngày xưa là theo phường mà học làm ngay trong lúc hành nghề. Các chú phó nhỏ cứ theo thầy đi làm, phải tinh ý quan sát, cứ làm theo rồi khắc biết. Việc học nghề phải bắt đầu từ mài đồ nghề sao cho sắc, cho ngọt, đục bén gỗ và ráo nét, sau đó mới được cầm chàng cầm đục, tập đẽo gỗ.
Đến khi thuận tay thì tập đục những chỗ bỏ đi, phải biết lựa thớ gỗ, sắn sâu bao nhiêu và sát đường viền hình thế nào, để gỗ không vỡ, và hình không bị vướng. Tập cho đến khi nhát đục gọn, và cách ngồi có thế, hai chân gặp chặt lấy miếng gỗ.
Khi nào có dáng thợ mới được theo thầy đi làm những công trình lớn, làm trước con mắt xét nét của người xem. Phó nhỏ thường được thầy giao cho đục những phần việc dễ, như chạm cây cỏ và hoa lá, chạm sao cho lá rõ sống và rõ gân, hoa nụ tươi duyên.
Làm nhiều thì tay chạm sẽ dẻo, mắt sẽ tinh, được lên làm thợ bạn, do thợ cả dẫn đi làm các nơi. Qua thời gian dài, phấn đấu đạt mức thợ giỏi, và có uy tín của bậc đàn anh thì mới thành thợ cả.
Nghề chạm gỗ của Hà Nội, ngoài các cụ tổ viễn đại, và cận đại vốn thuộc xứ Đoài, còn có cụ tổ cũng rất xa xưa của vùng quan Từ Sơn vốn thuộc xứ Bắc. Ở Thiết Úng vẫn còn tục lệ mở Hội Trí Xảo vào ngày mười hai Tết.
Các thợ khéo trong vùng mang theo những tác phẩm đẹp nhất của mình, làm trong năm qua về đây giỗ Tổ, và trưng bày đề cùng học tập. Nghề có từ lâu, nhưng cũng chìm nổi mãi mới phát triển được, ngày nay có hàng trăm thợ có trình độ văn hóa và tay nghề giỏi.
Qua kinh nghiệm, các nghệ nhân không phải chỉ chạm cho giống, mà còn phải gửi cả tình cảm của mình vào trong khối gỗ cho nó có hồn, để nó động và sống thực sự. Những nghệ nhân chạm gỗ ngày nay, chẳng những quen tay chạm những đề tài truyền thống, họ còn chạm hàng loạt những đề tài hiện đại.
Những người thợ chạm ấy, ngoài việc sáng tác những tác phẩm của mình, từ vốn sống mà sáng tạo, họ còn đi đến những nơi có di tích nghệ thuật đã bị hư hỏng, nghiên cứu phục chế lại những bức chạm cổ bị hư nát. Trong số đó, có những công trình phục chế khá thành công như đình Tây Đằng, chùa Kim Liên.
2. Chạm bạc
Làng Định Công Thượng bên bờ sông Tô Lịch, còn được gọi là Định Công Kim Hoàn, tên làng đã mách bảo nghề chạm vàng bạc nổi tiếng ở đây, và đó là niềm tự hào chung của dân làng. Như đã từng có câu nói: “Làng anh có thợ kim hoàn. Để anh đánh nhẫn cho nàng đeo tay”.
Truyền thuyết về ba anh em họ Trần ở cuối thế kỷ VI, đầu thế kỷ VII trở thành những ông tổ kim hoàn, cho đến nay vẫn rất phổ biến ở Định Công. Ba anh em mồ côi cha mẹ, rất thương yêu nhau, họ chạy giặc và lạc nhau tới những vùng xa lạ, tình cờ đều học được nghề chạm vàng bạc. Có nghề rồi, họ tìm tòi về quê và cùng gặp nhau ở làng cũ.
Ba anh em mừng vui, cùng nhau hoàn thiện tay nghề và mở hiệu đánh đồ vàng đồ bạc. Vàng bạc vốn quý ở chất liệu, qua tay người thợ kim hoàn Định Công lại quý thêm nữa ở giá trị nghệ thuật.
Từ chiếc nhẫn đeo ngón tay, đôi khuyên hay hoa đeo tai, chiếc xuyến đeo cổ tay, đến sợi dây chuyền đeo cổ, nhờ màu sắc và hình dáng của từng loại đã góp phần tôn thêm vẻ đẹp tự nhiên của các cô gái.
Nhiều đồ dùng hàng ngày và đồ thờ quý giá cũng được chạm nạm vàng bạc, nét chạm rất tinh tế, các hình trang trí thu nhỏ thật chính xác theo nhiều đề tài khác nhau: hoa lá, rồng, phượng, tứ quý, bát bảo, tiên nữ,…
Ngoài làng Định Công thuộc huyện Thanh Trì, ngay giữa nội thành có phố Hàng Bạc cũng là nơi tập trung những thợ kim hoàn nổi tiếng. Thợ kim hoàn ở phố Hàng Bạc là tập hợp thợ kim hoàn vốn gốc ở Định Công, ở Đồng Sâm (Thái Bình) và chủ yếu là thợ đúc bạc của làng Trâu Khuê (Hưng Yên), đã theo ông tổ nghề của làng mình, ra kinh đô lập một tràng đúc bạc và tiền, vào đời Lê Thánh Tông.
Những người dân Trâu Khê chuyển cư ra phố Hàng Bạc, đã mang theo nghề đúc bạc và đổi bạc, ở thế kỷ XVII đến XVIII, họ đúc bạc gia công cho Nhà nước, họ lập các tràng đúc (nay là nhà số 58) để sản xuất, và lập hai ngôi đình là Trương Đình (nhà số 50) và Kim Ngân đình (nhà số 42) làm nơi giao nộp sản phẩm.
Vào khoảng thế kỷ XIX, phố Hàng Bạc là một trong những phố đẹp nhất của Hà Nội, ngoài đúc bạc còn có nhiều người đổi bạc: họ ngồi xếp bằng sau quầy hàng, trước mặt họ là một đống tiền đồng và một cái tráp sơn son để đựng tiền.
Đã nhiều đời sinh cư lập nghiệp ở Hà Nội, song họ vẫn luôn hướng về quê hương, tự hào về quê hương, chung nhau tiền của để lập đình, đền, chùa,… theo như câu truyền tụng: “Năm giáp Trâu Khuê, hai đình Hàng Bạc”. Ngoài hai đình, họ còn lập cả đền thờ vọng cổ ở số nhà 30 phố Hàng Giấy.
3. Khảm trai
Làng Chuyên Mỹ có tên nôm là Chuôn, thuộc huyện Phú Xuyên (Hà Tây), còn lưu truyền sự tích về ông tổ nghề khảm, sống ở thế kỷ XI hay thế kỷ XII. Mấy đời con cháu về sau đã có nhiều người thợ khảm ở đây chuyển ra kinh thành Thăng Long làm ăn, tập trung ở phố Hàng Khay, phát triển nghề nghiệp và ngày càng đạt tới mức nghệ thuật hoàn thiện.
Thật ra, từ trước những niên điểm của truyền thuyết, sử sách đã nói đến đồ khảm xà cừ ở ta từ thế kỷ III đến thế kỷ V. Đặc biệt là ở thời Trần, những đồ khảm gửi tặng vua Nguyên năm 1289, đã tới con số rất lớn.
Vào khoảng thế kỷ XIX, nghệ thuật khảm xà cừ ở phố Hàng Khay, đã làm kinh ngạc nhiều người Châu Âu. Impert trong cuốn Le Tonkin industriel et commercial (1885) đã viết:
“Khi quan sát khiếu thẩm mỹ và sự chuyên tâm của người thợ khảm trong khi làm các vật phẩm của mình, người ta có cảm tưởng đó là những nhà nghệ sĩ đã nắm vững được một khái niệm công nghệ ở một trình độ cao nhất”.
Henri Oger ở Hà Nội những năm 1908 đến 1909, đã đánh giá: “Thợ khảm là nhà nghệ thuật chân chính, họ nhẫn nại và khéo tay vô cùng. Họ biết phối hợp các màu trai để có sự hòa sắc đẹp mắt, làm cho cả bức khảm nổi lên rực rỡ,… Chính vì thế, nghệ thuật khảm của Việt Nam nổi trội lên gần như độc quyền ở Viễn Đông. Những sản phẩm của người thợ khảm Việt Nam, tốt hơn nhiều so với những sản phẩm của người thợ khảm Quảng Đông”.
Do có trình độ kỹ thuật tinh vi và điêu luyện, vào năm 1868, hai người thợ khảm giỏi của Hàng Khay đã bị triều đình nhà Nguyễn bắt và nộp cho Thống đốc De La Grandière, để dạy nghề cho thợ thủ công Sài Gòn. Và năm 1877, triều đình Huế lấy đồ khảm của phố Hàng Khay, đi dự hội chợ đấu xảo Paris.
Sông, biển nước ta cho nhiều loại trai và ốc có vỏ rất quý. Những con trai cửu khổng (trên vỏ trai có 9 cái lỗ) có vân nhiều màu hơn cả màu cầu vồng. Những vỏ trai diệp xù và đen xỉn, mài đi sẽ có màu sắc óng ánh. Trai cánh mỏng vỏ nhưng sẫm màu.
Trai Nông Cống có vỏ nhiều vân. Vỏ trai không có thớ nên không chẻ ra được, phải mài mỏng để dùng, ốc bể có thức ốc xà cừ nhiều màu óng ánh, vỏ có thớ, nên có thể cưa thành mảnh rồi đục theo thớ.
Hến biển còn gọi là vỏ xác, có thứ trắng, có thứ vàng, dùng làm hoa cúc rất đẹp. Những mảnh trai ốc đều cong, phải ngâm nước, hơ lên đèn, uốn phẳng mới dùng được. Những người thợ khảm rất quý vỏ trai ốc, họ tận dụng cả từng vụn nhỏ “Tai trai, ốc đỏ là vàng thợ khay”. Tai trai có màu vàng, ốc đỏ có vân hồng rất quý.
Khâu sơ chế vỏ trai, ốc rất vất vả. Dụng cụ để sơ chế vỏ trai ốc đều rất tinh. Cái cưa có lưỡi nhỏ xíu, làm bằng giấy cót đồng hồ. Cái giũa nhỏ và dẹt. Con dao tách trổ cũng bé mà sắc. Mảnh trai, ốc được cặp chặt trong cái cặp, bàn tay người thợ khảm khéo léo sử dụng những đồ nghề để tách ra hàng trăm hình theo yêu cầu của mẫu tranh.
Từ mẫu hình đã xác định, nghệ nhân đục hình lên mặt gỗ, và vẽ lên thỏi vỏ trai ốc. Có hình lõm trên mặt gỗ và có mảnh trai, ốc đã cưa cắt theo hình rồi, nghệ nhân phải dùng sơn ta gắn mảnh trai ốc vào gỗ. Hàng trăm mảnh trai, ốc cứ ghép lại theo màu sắc khác nhau, bức tranh nổi thành hình dần.
Giờ đây phải mài mặt khảm và đánh bóng. Dùng sơn hòa với muội đèn miết trên nhẵn lì, nhưng nét khắc vẫn giữ được. Lại phải đánh bóng nhiều lần. Đánh bằng giấy giáp cát to, rồi hàng giấy giáp cát mịn, đánh bằng thuốc hoặc vôi bột, lại đánh bằng lá ngái, và cuối cùng dùng vôi bột để vào lòng bàn tay mà xoa thật đều.
Thế là bức tranh khảm hiện ra ngày càng lung linh, màu rất phong phú, thay đổi góc nhìn một chút hoặc độ chiếu sáng thì tạo cho những màu óng ánh mới rất đẹp, linh hoạt, biến hóa lạ lùng như có phép màu.
Nhìn những bức tranh khảm, các cô gái xinh đẹp phải nói thật lòng mình: “Chẳng tham cái cuốc, cái bừa. Chỉ tham cái giũa, cái cưa của chàng,…”. Đề tài chạm khảm xưa kia là những tích truyện cổ, những cảnh tứ quý (bốn mùa với ước lệ mai – cúc – trúc – tùng), tứ dân (ngư – tiều – canh – mục). Ngày nay, khảm trai miêu tả phong cảnh hiện thực của đất nước, cả những cảnh sinh hoạt và chân dung lãnh tụ.
Tác giả: Chu Quang Trứ
Bạn đang xem bài viết:
Nghề đúc đồng Ngũ Xã làm người Châu Âu phải ngạc nhiên
Link https://vnlibs.com/dieu-khac/nghe-duc-dong-ngu-xa-lam-nguoi-chau-au-phai-ngac-nhien.html