Trong ba nhu cầu bức thiết của con người là ăn, mặc, ở thì mặc xếp hàng thứ hai, nhưng lại ở hàng đầu trong việc làm đẹp cho cuộc sống.
Hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu thêm nguồn tư liệu quý giá về hàng dệt tơ tằm Việt Nam. Vượt qua giai đoạn lấy vỏ cây làm áo, khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết của vải in trên đồ gốm, đã thấy những quả dọi xe chỉ từ giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên. Địa bàn Hà Nội nằm dọc sông Hồng và các chi lưu của nó, có nhiều đất bãi trồng dâu.
Nên ở đây, nghề tằm tang sớm phát triển, và nghề dệt là ngành thủ công mỹ nghệ với các sản phẩm thực sự mang tính nghệ thuật cao như: lụa, the, lĩnh, gấm,… Từ mảnh đất Cổ Đô (huyện Ba Vì, Hà Tây) chúng ta đã gặp câu ca dao đầy tự hào về sản phẩm địa phương.
“Lụa này thật lụa Cổ Đô. Chính tông lụa cống các cô ưa dùng”. Và các cô gái nhiều vùng khác nhau, khắp cả nước luôn có hy vọng mua được hàng dệt của kinh thành Thăng Long: “Nhắn ai trảy chợ kinh thành. Mua em tấm lĩnh hoa chanh gởi về”.
Các nghề dệt thủ công mỹ nghệ đều dùng tơ tằm. Mà đất nước ta rất hợp với điều kiện sinh trưởng của cây dâu và con tằm. Dõi theo truyền thuyết của các làng dệt trên địa bàn Hà Nội, chúng ta thấy được khá rõ lịch sử của nghề dệt từ xa xưa cho đến gần đây, ở Thủ Đô nói riêng và ở nước ta nói chung.
Theo thần tích, của đình làng Cổ Đô, thì Mỵ Nương Thiều Hoa là người con gái út của vua Hùng thứ 6, đẹp người đẹp nết, rất yêu thiên nhiên và luôn được muôn loài theo làm bạn. Một hôm, nhân ngày hội của họ hàng nhà bướm, trăm loài bướm khoe sắc tươi đẹp, rập rờn bay lượn, riêng có một con bướm nâu, cánh mốc, dáng vụng về, chỉ đậu một chỗ.
Nàng bảo các giống bướm tự kể đời mình xem ai có ích nhất. Con nào cũng khoe cánh đẹp, nhưng chỉ đẻ ra toàn giống sâu ăn hại mùa màng. Bướm nâu thủ thỉ: “Thân hình xấu xí nhưng đẻ ra giống sâu có ích. Đó là sâu ăn lá dâu lấy nhựa và tắm nắng lấy tơ, rồi về già sẽ rút ruột lấy tơ cuộn thành cái kén. Cho kén vào nước sôi sẽ kéo được những sợi tơ vàng óng như nắng, vừa dài vừa bền chắc”.
Nàng Thiều Hoa bèn nuôi bướm nâu ở bãi dâu ven sông. Khi bướm già, nó hóa thân như nó đã kể. Và Thiều Hoa kéo được tơ kén ra những sợi tơ dài vàng óng. Nàng nghĩ cách đóng xa xe sợ và đưa vào khung dệt.
Quả nhiên, được thứ vải mỏng mịn và óng ả, gọi là lụa. Thiều Hoa bèn xin vua cha cho sang vùng đất hoang bên kia sông, một dân mở 18 trang ấp, dạy mọi người trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa. Nàng được dân Cổ Đô thờ làm Thành Hoàng, và coi là vị thủy tổ của nghề dệt lụa.
Gần thủ đô Hà Nội có hai làng Hạ Lôi (một ở Mê Linh và một ở Thạch Thất) đều nhận là quê của Hai Bà Trưng. Bà Trưng Trắc và em là Bà Trưng Nhị. Truyền thuyết giải thích quê Hai Bà trồng dâu nuôi tằm, có hai loại kén tằm, kén đầu là kén chắc và sau là kén nhì.
Cha mẹ Hai Bà dựa vào các loại kén mà đặt tên cho con, sau người ta ghi chép vào sử sách thành Trắc và thành Nhị. Như vậy, là ở đầu công nguyên, nghề dâu tằm và nghề dệt tơ tằm đã phổ biến trên đất Hà Nội cổ. Sách Hán Thứ cũng ghi nhận: “Người Lạc Việt biết trồng dâu nuôi tằm,… một năm hai vụ lúa và tám lứa tằm”.
Các làng dệt vùng Bưởi (Trích Sài, Bái n, Yên Thái, Nghĩa Đô) nổi tiếng về lĩnh, vẫn lưu truyền câu chuyện xảy ra mùa xuân năm 1011. Khi ấy, vua Lý Thái Tổ vừa định đô ở Thăng Long, một hôm ngự thuyền đến bến Giang Tân (gần chợ Bưởi ngày nay).
Thấy có căng tấm lĩnh in hình con rồng, vua lên bờ úy lạo nhân dân, và được dân làng cho biết làng Dâu, xóm Bãi đã dệt tấm lĩnh trên, để mừng vua. Vua khen dân làng có nghĩa, bèn đổi làng Dâu thành Nghĩa Đô, và xóm Bãi thành Bái Ân.
Lại căn dặn làng phải cố gắng phát triển nghề dệt hơn nữa. Rõ ràng lĩnh Bưởi đã nổi tiếng ít ra là ngay từ buổi đầu xây dựng kinh đô Thăng Long. Vua Lý Thái Tông (1022 – 1054) cho đón thợ dệt từ các vùng về kinh thành, để dạy các cung nữ kỹ thuật dệt.
Chẳng bao lâu, số hàng dệt trong cung có đủ số lượng để thay thế toàn bộ số gấm vóc hàng năm vẫn phải nhập của nhà Tống. Năm 1040, nhà vua hạ chiếu phát hết gấm vóc của nhà Tốn trong phủ cho quần thần, và ra lệnh từ đó, không dùng hàng gấm của nhà Tống nữa.
Năm 1156, nhà Lý còn tặng nhà Tống nhiều vật phẩm quý, trong đó có 850 tấm đoạn màu vàng có hoa rồng cuốn. Thế kỷ XIII, nghề dệt lại được cải tiến một bước quan trọng. Chính đoàn sứ thần nhà Nguyên sang ta năm 1280, sau khi đi qua các vùng quê và vào Thăng Long đã ghi nhận nhiều điều về nghề dệt.
Trần Phu đã thấy khắp nơi có những vườn dâu nho nhỏ, và Từ Minh Thiện đã thấy tận mắt, sờ tận tay những tấm lụa ngũ sắc sợi nhỏ. Nguyễn Trãi trong cuốn Dư Địa Chí cũng đã ghi nhận, Đông Đô có những phường thợ dệt nổi tiếng về tài dệt vải lụa mịn mặt, như các phường Nghi Tàm, và Thụy Chương.
Trong đời vua Lê Thánh Tông, sử cũ còn ghi về vùng Tam Giang tức ngoại thành Hà Nội ngày nay, có nhiều thợ thủ công dệt được những hàng dệt cao cấp, như ở Mật Cầu dệt được nhiều thứ lụa mỏng, nhiều màu, có thể sánh ngang với lụa của Trung Quốc.
Làng Bùng, tức Phùng Xá (Thạch Thất) nổi tiếng về nghề dệt lụa, nhân dân ở đây còn kể những truyền thuyết về Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và tôn ông làm ông tổ nghề dệt ở quê mình. Đền thờ Phùng Khắc Khoan ở làng Bùng còn giữ được bức chân dung của ông, vẽ trên lụa do làng dệt ra.
Làng Đại Mỗ (Từ Liêm) nổi tiếng về dệt lụa hoa, dân làng còn truyền tụng giai thoại về cậu bé Nguyễn Quý Đức ở đầu thế kỷ XVII, đã đối đáp với viên quan người làng Đơ, thật tài tình và hóm hỉnh.
Vế ra của quan có vẻ hợm hĩnh rằng khoai lang làng Đơ tốt, vì có phủ rơm giữ ấm, nhưng cũng có thể hiểu là vì có viên Tri Phủ: “Khoai Đơ xanh tốt nhờ về phủ”. Cậu bé Đức đã đối đáp lại một câu thật sắc sảo: “Lĩnh Mỗ vàng trơn bởi có nghè”.
Cậu bé đem sản phẩm dệt của làng mình ra để khoe sự tinh xảo, do nắm được kỹ thuật nghè, tức nện chày nhiêu vào mặt lĩnh để cho nó vàng trơn, đồng thời cũng ngầm bảo làng mình còn có những ông Nghè. Qua vế đối của cậu bé Đức, ta biết chắc vào đầu thế kỷ XVII, Đại Mỗ đã dệt được nhiều hàng tơ nổi tiếng.
Trong đó, có thứ hàng cao cấp là lĩnh. Trở lại thế kỷ XVII, quanh mấy huyện ngoại thành Hà Nội đã định hình những trung tâm dệt nổi tiếng, góp phần tạo nên sự phồn thịnh của Kẻ Chợ và cung cấp những thứ hàng dệt nổi tiếng cho các lái buôn phương Tây.
Cùng với làng Cổ Đô, huyện Ba Vì, còn có làng Vân Sa cũng nổi tiếng về dệt lụa, do một người dân là Ngô Đình Cách hiệu Như Hải đem kỹ thuật dệt từ làng Bùng lên, từ thời Lê mạt. Lê Quý Đôn trong sách Kiến Văn Tiểu Lục đã cung cấp nhiều tài liệu về các nghề dệt trên địa bàn Hà Nội ngày nay.
Ông khẳng định đất nước ta thuộc xứ nóng, nuôi tằm nhiều hơn nơi khác, một năm nuôi đến 8 lứa, và tổ tiên ta đã tìm ra 8 loại tằm mà mỗi năm tằm thích nghi với khí hậu một số tháng nhất định.
Ông cho biết về vùng Tam Giang, đất hẹp người đông, huyện Từ Liêm và huyện Đan Phượng có nhiều bãi trồng dâu, nhân dân chăm lo việc chăn tằm và dệt cửi. Các làng như Đại Mỗ, Ỷ La, Trung Thụy và Đại Phùng có tài dệt lụa, chồi, lĩnh, là và các thứ lụa dày gọi là lĩnh vân hoặc láng.
Cuối thế kỷ XVIII, Nguyễn Huy Lượng trong bài Tụng Tây Hồ Phủ cũng đã ghi lại cảnh dệt gấm và lĩnh ở hai phường Trích Sài và Bái n bên hồ thật là rộn rã: “Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thoi oanh ghẹo hai phường dệt gấm…”
Phần lớn, những sản phẩm cao cấp của hàng dệt tơ tằm, đều được tập trung vào nội thành để bán ở khu vực phố Hàng Đào. Từ thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã ghi trong sách Dư Địa Chí rằng: “Phường Hàng Đào nhuộm điều”.
Có nghĩa là chuyên nhuộm các màu đỏ, màu hồng, màu hoa đào,… Đến thế kỷ XVIII, theo Thượng Kinh Phong Vật Chí thì “Phường Hàng Đào làm nghề nhuộm màu trắng như tuyết, màu đỏ như tiết, màu đen như mực,… Trong đó, màu vàng là chính. màu tạp thì có màu hoa hiên, thiên thanh, hoa đào, cánh chả, quan lục, không màu nào giống màu nào”.
Cho đến trước thời thuộc Pháp, phố Hàng Đào bán đủ loại hàng dệt tơ tằm, lụa, the, lĩnh, lượt, là, cấp, nái, kỳ, cầu, nhiễu, gấm, vóc, sa, xuyến,… Ngoài những cửa hàng cố định, các phiên chợ vào ngày 1 và ngày 6 (cả 11, 16, 21, 26) người các làng La, Mỗ, Vạn Phúc, Kẻ Bưởi,… tấp nập mang hàng tới bán.
Trong những thứ hàng dệt tơ cao cấp ấy, trừ gấm vóc dệt bằng tơ đã nhuộm, còn các thứ khác đều để mộc. Dân Hàng Đào mua đồ dệt mộc về, tự nhuộm những màu điều. Màu thâm thì họ giao cho người ở Phù Lưu, Đình Bảng (Bắc Ninh), ở làng Tất Hồ và ở phố Hàng Thợ Nhuộm làm. Muốn chuội cho trắng thì họ nhờ bên phố Cầu Gỗ,…
Việc lấy tơ từ kén ra gọi là ươm tơ. Trong khâu này phải thả kén vào nước sôi cho sùng sục, rồi bắt sợi và dùng xa kéo ra từ tổ kén một sợi tơ dài cho đến lúc trơ ra một con nhộng. Trong khi kéo sợi, phải vừa kéo vừa xe cho săn, lại vừa chắp nối, và tùy theo ý người thợ mà có sợi săn và sợi đậm.
Các sợi khác nhau có công dụng khác nhau, và sẽ dệt ra những loại sản phẩm khác nhau. Nhân dân Kẻ Bưởi vẫn truyền nhau rằng: “Quay tơ ra mắc ra mành. Mắc là sợi dọc, mành là sợi ngang. Nốt son, anh dệt đầu làng. Nốt cục đem bán cho nàng Kẻ Đơ”.
Mắc, mành, nốt son, nốt cục là tên gọi các loại tơ khác nhau. Những sợi tơ nhỏ nhất gọi là mành, sợi to hơn là mắc. Sợi mành cho vào thoi đan ngang, còn sợi mắc thì mắc lên khung cửi làm sợi dọc.
Những sợi tơ sàn nhưng không có cục, thường là màu hồng nên thành tên nốt son, dùng dệt hai bên dìa tấm lĩnh để làm biên, còn những sợ tơ sần có cục gọi là nốt cục, dùng để dệt sồi (chồi) hoặc bán cho người Kẻ Đơ (tức làng Triều Khúc) để dệt quai thao.
Có các loại sợi rồi, các làng dệt vào loại giỏi có thể dệt thành thạo nhiều mặt hàng khác nhau. Các làng dệt nổi tiếng như Vạn Phúc, La Khê, và La Cả dệt được nhiều hàng tơ tằm khác nhau:
“… Làm ra đủ các thứ hàng. Hàng đơn, hàng kép, dọc ngang tinh tường. Lượt, là, lĩnh, lụa, khuyến, lương. Ấy là những thứ mặc thường của ta. Thứ trơn, này lại thứ hoa. Quế, vân, gấm, góc, băng, sa, kỳ, cầu,…”
Các mặt hàng trên trước hết đều là hàng dệt thủ công, thực hiện trên khung cửi gỗ. Khung dệt xưa rất đơn giản, có con cò và hai lá go (một lá buộc vào đầu con cò, lá kia buộc vào đuôi con cò).
Khi người thợ dệt ngồi vào khung cửi không ngừng tay đưa, chân dận con còn làm cho hai lá go mở rộng miệng, một nâng lên và một hạ xuống, con thoi đưa sợi ngang thoăn thoắt lao đi lao lại, cứ lặp đi lặp lại mà đan sợi dọc sợi ngang vào với nhau.
Về sau, chiếc khung cổ được cải tiến để mắc được nhiều lá go. Rồi tiến thêm một bước, không đưa thoi mà giật thoi, như vậy chân dận go còn tay giật sợi dây phía trên khung cửi, và buộc vào bộ phận đẩy thoi, thoi sẽ lao đi nhanh hơn.
Tiếp tục cải tiến, người ta dùng tay cày thay cho dây giật. Như vậy, khi người thợ dệt hoạt động thì chân đưa, tay bẩy cái tay cày để chuyển lực đến bộ phận go và lao thoi tự động. Cho đến ngày nay, dệt gấm và lụa hoa vẫn dùng khung cửi thủ công.
Xưa kia, dệt các mặt hàng hoa phải một người ngồi kéo những sợi go lên cho người dệt cài hoa, để khi dệt xong thì có hoa in trên nền lụa. Về sau, người ta cải tiến, dùng máy cài hoa, người kéo go được thay bằng một bộ phận tua tủa những kim ngang, và kim dọc co sợi cửi lên một cách trật tự mà đan thành hoa vân trên mặt hàng.
Mỗi làng dệt giỏi có thể dệt được nhiều mặt hàng, nhưng trong đó nổi tiếng là mặt hàng lụa hoa (vân), mà nổi tiếng nhất là thuộc về các làng dệt Vạn Phúc và Đại Mỗ. Người thợ Vạn Phúc và Đại Mỗ đã dệt ra nhiều thứ lụa như lụa mỏng, lụa dày, lụa trắng, lụa mỡ, lụa trơn, lụa bóng, lụa màu ngũ sắc và lụa cài hoa (gồm hoa lá, chim thú, và các chữ Hán chúc mừng).
Lụa trơn là lối đan sợi lóng mốt cho sợi nọ khít sợi kia, tạo nên mặt hàng giản dị mà đẹp óng ả, mịn màng. Lụa hoa (vân) mỏng và hoa đơn giản hơn gấm. Nhưng cái đẹp của hoa Đại Mỗ và Vạn Phúc đã đi vào thói quen thẩm mỹ riêng biệt của hàng nghệ thuật Việt Nam, với nền màu nõn chuối nhã nhặn.
Lụa hoa còn nhuộm các màu tím Huế, màu cá vàng, màu gụ sẫm để may áo dài, áo cánh, áo bông. Chiếc áo dài lụa vân làm cho các cô gái Việt Nam, càng tăng thêm vẻ đẹp dịu dàng uyển chuyển.
Về hàng dệt lụa phải kể đến lụa Cổ Đô với thứ tơ tằm vàng như tia nắng, mảnh mà bền chắc vô cùng. Tục truyền từ thời Lý, lụa Cổ Đô đã được chọn để tiếp cống vào triều đình. Vì thế, mới gọi là lụa cống, các cô gái sành mặc rất ưa lụa Cổ Đô.
Theo sách An Nam Chí Nguyên của Cao Hùng Trưng, xưa kia, thợ dệt nước ta đã dệt được những thứ lụa quyến trắng đẹp như vẽ, khổ rộng đến 3 thước, tức tương đương một mét. Sử cũ cũng ghi rằng, từ thế kỷ XV, nước ta có lụa mỗi tấm dài 30 thước (khoảng 10 mét), rộng từ 1 thước 5 tấc (khoảng 0,50 mét) trở lên. Thông thường mỗi tấm lụa như thế dệt hết 1 cân tơ.
Hàng lĩnh có nhiều nơi dệt được, nhưng nổi tiếng nhất là vùng Bưởi với các làng Trích Sài, Bái n, Nghĩa Đô, Võng Thị. Từ cái kén tằm quay ra các sợi tơ mắc va tơ mành để dệt, thì mặt lĩnh mới đều và mịn. Số sợi dọc trong một tấm lĩnh thường là 5,400 sợi tơ mắc.
Phải đếm đủ số sợi mắc rồi mắc lên khung dệt mà không bị rối, sau đó phết hồ. Một người phết hồ, và hai người quạt cho khô, cuốn vào trục để xem xét. Nhân dân Kẻ Bưởi xưa kia còn truyền lại kinh nghiệm dệt lĩnh là: “Hồ trơ ngang nhỏ dệt đan. Thân mình cũng sướng như quan phủ Hoài. Hồ to ngang sẵn dệt dày. Cầm bằng cha mẹ bắt đày biển Đông”.
Cũng trong kinh nghiệm dệt lĩnh, người ta còn nhắc nhau: “Néo thẳng, dệt dày là thầy khôn khéo”. Khi dệt lĩnh, người ta đưa sợi dọc lên nhiều, tạo nên cái bóng nhoáng của mặt hàng. Lĩnh trơn đã đẹp, tấm lĩnh hoa chanh mà cô gái nhờ người trảy chợ kinh thành mua giùm thì quả là thứ hàng dệt quý báu.
Lĩnh trơn phải dệt mười bàn go, đôi chân người thợ dệt phải ăn nhịp với tay thoi tay đập. Dệt lĩnh hoa cũng như dệt lụa hoa, còn phải thêm người kéo hoa ngồi trên nóc khung cửi. Các hoa đào, hoa cúc, hoa mai, hoa mẫu đơn, hoa sư tử hí cầu,… nổi trên nền lĩnh được người tiêu dùng rất yêu thích.
Lĩnh mộc được gửi đi Huế hay Sài Gòn nhồi tía, gọi là lĩnh tía. Còn lĩnh hoa chanh màu đen, dày dặn mà không thô, một mặt mờ, một mặt bóng, có điểm những chấm hoa mịn rất kín đáo. Từ lĩnh mộc dệt được đến việc nhuộm đen, lại là cả một kỹ thuật phức tạp và tốn nhiều công sức.
Phụ nữ xưa trong các ngày hội ngày Tết, mặc đồ the và lĩnh trông nền nã, duyên dáng. Hàng the nổi tiếng nhất là thuộc về La Khê, La Cả. Có the trơn vừa bền vừa đẹp của La Cả, và the hoa to của La Khê với nhiều kiểu hoa văn lấy mẫu trong thiên nhiên như hoa bèo, tường gạch,…
Ở hàng the, các sợi rất mảnh và dệt không khít, tạo những lỗ mắt thủng theo hàng ngang. Chiếc áo dài the mặc rất mát, lịch thiệp và làm nổi lên kín đáo chiếc áo cánh trắng mặc trong. Người cầu kỳ thì ngoài the còn mặc áo bằng sa, xuyến, băng.
Hàng sa rất mỏng, cũng có sa trơn và sa hoa, áo sa thường mặc ngoài áo trắng để khoe tấm áo trong và khi đó màu trắng trở nên nhũn nhặn hơn. Xuyến cũng mỏng, nhưng dệt vài sợi thưa lại đến vài sợi mau, làm cho chiếc áo mặc trong hiện ra thấp thoáng.
Băng thì dệt như mạng cầu, trong suốt hay lác đác một ít hoa vân. Nhiều thì dệt bằng sợi se lại, nền dày, nổi cát để may đồ mặc mùa lạnh, áo nhiều thường lót trong bằng kỳ, cầu, giống như một thứ lụa hoa. Đoạn được dệt như lĩnh nhưng dày hơn, để may áo mặc trong những dịp long trọng.
Làng Vạn Phúc nổi tiếng về lụa trân, nhưng từ kỹ thuật dệt lụa vân đã phát triển thêm mặt hàng nữa, cũng rất nổi tiếng là gấm. Gấm nền màu lam sẫm điểm hoa vân chữ Thọ, dùng để may lễ phục thời xa xưa.
Những sợi tơ to sần có nhiều nốt gọi là nốt cục, không dùng để dệt những hàng nghệ thuật được, nhưng vẫn tận dụng để dệt những hàng thô bền như sồi (chồi), đũi, nái. Làng Bùng chẳng những dệt lượt rất đẹp, mà dệt sồi cũng rất khéo.
Đặc biệt, nốt cục được người Kẻ Đơ, tức Triều Khúc mua về dệt quai thao, để buộc chiếc nón thúng, tạo cho các cô gái xưa một vẻ đẹp duyên dáng, như câu nói: “Ai làm chiếc nón quai thao. Để cho anh thấy cô nào cũng xinh”.
Rất gần với hàng dệt tơ tằm là thảm, gần cả về kỹ thuật và tính chất nghệ thuật. Rất nhiều làng dệt kể trên, nay có thêm kỹ thuật dệt thảm, như thảm len và thảm đay. Trong nội thành cũng có rất nhiều hợp tác xã dệt thảm.
Dệt thảm không phải là nghề truyền thống mới có trong thời thuộc Pháp. Nhưng từ sau ngày hòa bình 1954, nhân dân Hà Nội và nhiều nơi khác đã khôi phục và phát triển để xuất khẩu dệt thảm.
Ở huyện Ba Vì có mặt hàng dệt của đồng bào Mường. Đó là chiếc cạp váy truyền thống, thứ hàng không thể thiếu của phụ nữ Mường khi đi lấy chồng. Cạp váy Mường rất bền, một chiếc cạp có thể can cho nhiều đời váy.
Mỗi chiếc cạp váy gồm ba bộ phận dệt tách trời là rang trên, rang dưới, và can (hay cao). Ba bộ phận có màu sắc, hoa văn và cách bố cục khác nhau, nhưng khi khép lại vẫn thống nhất.
Cùng một bộ phận, rang trên chẳng hạn, nhưng ở mỗi gia đình lại có những đường nét, cách bố cục hoa văn, và dùng màu chỉ khác nhau, nên rất phong phú và gây hiệu quả tạo những không gian huyền ảo khác nhau. Công phu nhất là phần giữa, tức rang dưới, gồm nhiều dải màu khác nhau và to nhỏ cũng khác nhau.
Chiếc cạp váy Mường là một sản phẩm nghệ thuật và cũng là niềm tự hào của chị em Mường, nên lịch sử đã huyền thoại hóa sự ra đời của nó, và gắn với nghề trồng dâu nuôi tằm từ thời nguyên thủy.
Hoa văn trên cạp váy Mường là những hình ảnh thân thương rất gần với người lao động. Đó là hình cách điệu cao của con chim cuốc gọi hè, của ngôi sao, của con cá, đàn vịt, đàn ngan, dãy núi,… gắn với lòng yêu quê hương và cuộc sống lao động.
Cạp váy Mường bản thân đã rất đẹp, được quấn vào những con người cụ thể, hoạt động của con người làm cho hoa văn như chuyển động, thường phù hợp với dáng người và những đồ trang sức, tạo nên một vẻ đẹp duyên dáng và kín đáo.
Tác giả: Chu Quang Trứ
Bạn đang xem bài viết:
Hàng dệt tơ tằm tạo hoa văn một vẻ đẹp duyên dáng kín đáo
Link https://vnlibs.com/dieu-khac/hang-det-to-tam-tao-hoa-van-mot-ve-dep-duyen-dang-kin-dao.html