Gỗ có nhiều chủng loại, chỉ gỗ tốt mới dựng đình chùa, và đóng những đồ mộc chạm cao cấp và chạm đục tượng cao cấp nhất. Gỗ để dựng đình phải thuộc nhóm tứ thiết (đinh, lim, sến, táu). Trong đó, chủ yếu là gỗ lim.
Gỗ để đóng đồ trang trí nội thất, và tạc tượng mỹ nghệ là gỗ tốt, nhưng không quá rắn thì mới dễ đục chạm. Sập gụ, tủ chè, salon,… thường dùng gỗ trắc, gụ và đinh.
Đồ gia dụng cao cấp loại mới ít chạm như tủ ly, tủ chùa, giường, salon Tây,… thường dùng gỗ lát và cẩm lai, có thể kết hợp cả gỗ lim. Các loại đồ nội thất thuộc loại tốt có thể dùng các loại gỗ mỡ, giổi, re.
Chạm tượng nhỏ trang trí thường dùng gỗ mun, nu, sưa, cũng có thể dùng gỗ hoàng đàn, mít, xà cừ, nhãn, bưởi. Các loại gỗ làm đồ mỹ nghệ đều đắt, và dùng khối lượng không lớn, có loại phải mua theo cân (kilogam) và bằng đường dây riêng.
Thợ chạm gỗ nếu làm bằng gỗ của mình, luôn chọn những cây thân thẳng, ít mắt, được đẵn vào mùa đông, gõ búa vào gỗ nghe trong. Gỗ được xẻ thành khối, bỏ bìa.
Gỗ khối lại xẻ thành ván, xếp nơi thoáng gió, không bị mưa nắng, càng để lâu mới dùng càng tốt. Khi dùng phải bỏ ruột gỗ và rác, lựa tránh chỗ rập.
Để có thể sai khiến những đồ gỗ quý thành tác phẩm mỹ thuật mỹ nghệ, phải có bộ đồ nghề chuyên dụng, gồm các loại thước, cưa, bào, nạo, thứa, khoan và đặc biệt là bộ đục tạo hình. Chỉ mấy loại nhưng mỗi loại lại gồm nhiều thứ và nhiều cỡ khác nhau.
Thước có thước ta để đo độ dài (nay thay bằng thước mét), thước vuông để lấy mực cho góc vuông, thước mòi để lấy góc 45 độ, thước chớp (hay thước xếp) để tạo các góc có số đo khác nhau, thước vạch để vạch đường thẳng.
Đi liền với thước là thước nước thăng bằng để lấy mặt phẳng ngang, dây dọi để lấy đường thẳng đứng, dây nảy mực để vạch đường dài xẻ gỗ, rùi vạch nét nhỏ đều, các chữ để vạch những đường song song.
Bộ cưa có tới 7 thứ là cưa đại, cưa dọc, cưa vanh (hay cưa lượn), cưa cắt ngang (hay cưa nhỡ), cưa mộng, cưa cò, cưa tay, cưa đuôi chuột, mỗi thứ cưa dùng cho một công việc cưa thích hợp.
Bộ bào cũng có gần chục thứ, bao gồm bào khẩu, bào thẩm, bào cóc song, bào chỉ, bào chéo, bào áp nhàn, bào toán, bào soi. Bộ nạo là những dụng cụ đơn giản chỉ có lá thép, cũng gồm nạo chéo, nạo tròn, nạo bằng.
Bộ rũa có rũa gai, rũa trơn các mặt khác nhau. Bộ khoan có khoan vo, khoan giây, nay phổ biến là khoan quay tay. Bộ đục đóng đồ có đục bạt, đục một, đục vũm và chàng.
Bộ đục tạo hình có vài mươi chiếc cỡ khác nhau, quy lại thuộc mấy loại, bao gồm đục xén, đục chéo, đục móng, đục tỉa, đục tách, cò nền, cò kéo.
Các loại đục đều có tông (cán) thường làm bằng gỗ trai rắn chắc. Bộ đồ phải thửa để tránh non quằn già mẻ, có khi phải tự làm lấy. Thực ra, đồ nghề còn phải kể đến nhiều thứ nữa, như dùi đục, búa đinh, kìm, tuốc nơ vít,…
Để sử dụng thành thạo các đồ nghề trên, phải có tay nghề vững vàng. Thợ học nghề từ bé gọi là phó nhỏ, phải chịu sai khiến làm đủ mọi việc, kiên trì nhiều năm mới lên được thợ bạn, để thành thợ cả phải giỏi kỹ thuật, tinh nghệ thuật, và giao dịch rộng.
Học nghề thợ chạm, trước hết phải học đục đất tức đục những chỗ bỏ đi, phải chú ý đục sát nét đường viền, xắn đến đâu được đến đấy, đảm bảo độ sâu và mặt phẳng. Học chạm phải tinh ý nhớ các lối, các họa tiết, các đề tài, phải kiên trì để tái hiện đúng mẫu và sáng tạo được mẫu mới.
Quy trình biến từ một khối gỗ đến thành khí vặt, phải trải qua nhiều công đoạn nối tiếp có tính chất dây chuyền. Từ khối gỗ thích hợp với công việc, người thợ lành nghề hình dung ngay ra vật phẩm, họ phác hình lên mặt gỗ.
Sau đó, thợ mới học nghề theo nét vẽ mà đục cậy bỏ khoảng trống, tiếp đó chuyển cho thợ giỏi đục tạo dáng. Có vật chạm rồi nhưng còn thô, những người thợ khá gọt tỉa chi tiết cho hình sinh động, rồi nạo cho nhẵn nhụi.
Công đoạn cuối cùng là hoàn chỉnh, mang tính gia công lại. Do thợ phụ làm, bao gồm đánh tôm bằng trấu thóc cho mất sơ gỗ, đánh giấy nhám cho nhẵn bóng, cuối cùng quang vecni cho lên màu,…
Trong quá trình làm nghề, những người thợ chạm gỗ có những cách tính gỗ rất đơn giản. Họ đo chu vi để tính ra khoát tức đường kính theo công thức: “Quân bát, phát tam, tồn ngũ, phân nhị” (tức chu vi chia ra làm tám phần, bỏ đi ba phần, lấy năm phần, rồi lại chia đôi thì ra).
Có gỗ đúng kích thước rồi, họ dặn nhau lấy hình khối: “Đời cha cho chí đời con. Muốn vo cho tròn, trước phải lấy vuông và cả cách thức nện đục. Dóng mốt rồi lại dóng ba. Tay chuốt đỏng đảnh chớ mà dóng hai.”.
Về các đề tài, họ phân loại mức độ khó: “Nhất mốc, nhị nhân, tam vân, tứ thứ” (tức chạm cây khó nhất để có thể nhận ra cây gì, dễ hơn là chạm người, dễ hơn nữa là chạm mây, còn chạm các con vật dễ hơn cả).
Nhưng dù thế nào thì hình chạm phải chú ý đến cái thần ở trong, để tạo cho nhân vật sống động hơn là cái vẻ bề ngoài, như người xưa hay nói “Họa đồ vô hình thể”.
Chạm người đã có công thức là “Tọa tứ, lập thất” (tức người ngồi thì cao 4 đầu, đứng thì cao 7 đầu), còn tỷ lệ cao với ngang thì “nhất diện phân lưỡng kiên” (tức lấy chiều cao của của mặt nhân đôi, thì thành chiều rộng hai vai).
Trên cơ sở các công thức chung, người thợ chạm gỗ giỏi phải tùy tình huống cụ thể, mà gia giảm để có sự hoạt bát và có hồn. Làm nghề mộc chạm phải có sức khỏe, nhẫn nại, mất thời gian dài để học nghề.
Song đã vào nghề, thì mọi người rất tự hào với nghề. Ca dao có rất nhiều câu về nghề mộc chạm. Chị em thường hay bảo nhau: “Lấy chống thợ mộc sướng sao. Mùa cưa dấm bếp, vỏ bào nấu cơm. Vỏ bào thì nhỏ hơn rơm. Mùn cưa dấm bếp thì thơm hơn trầm.”
Người vợ thì thủy chung, “Anh đi làm thợ nơi nao. Để em gánh đục, gánh bào gánh cưa. Trời nắng cho chí trời mưa. Để em cởi áo che mưa cho chàng”. Và vinh quang của người thợ mộc chạm là được nhân dân đánh giá rất cao sản phẩm của mình:
“Đồn rằng thợ mộc Thanh Hoa. Làm cửa làm nhà cầu quán khéo thay. Cắt kèo lại lựa đòn tay. Bào trơn đón bén khéo thay mọi nghề. Bốn cửa anh chạm bốn dê. Bốn con dê đực chầu về tổ tông. Bốn cửa anh chạm bốn rồng. Cửa thì rồng ấp, cửa thì rồng leo. Bốn cửa anh chạm bốn mèo. Con thì bắt chuột, con leo xà nhà. Bốn cửa anh chạm bốn hoa. Trên là hoa quế, dưới là hoa sen. Bốn cửa anh chạm bốn đèn. Trên thì đèn đốt, dưới thì đèn dong. Bốn cửa anh chạm bốn cong. Hai cong kín nước, hai cong để dành”.
Vinh quang ấy, biểu hiện ngay bằng hạnh phúc cụ thể với lời tâm sự của các cô gái. Nào “Lấy chồng thì lấy thợ cưa…”, nào “Lấy chồng thợ mộc sướng sao…”.
Khi so sánh với kẻ sĩ thì chị em đã đặt cược cuộc đời của mình, qua câu nói: “Có phúc thợ mộc, thợ nề. Vô phúc lấy phải thầy đề, thầy thông!” Vinh quang ấy. hạnh phúc ấy, của người thợ cũng là của nghề mộc chạm.
Tác giả: Chu Quang Trứ
Bạn đang xem bài viết:
Công việc nhà nghề mộc chạm có phúc thợ mộc thợ nề
Link https://vnlibs.com/dieu-khac/cong-viec-nha-nghe-moc-cham-co-phuc-tho-moc-tho-ne.html