Thư tịch bia ký cho biết tên và quê của nhiều nghệ nhân chạm bia đá. Trong đó, có hai loại có nguồn gốc khác nhau mà người xưa đã ghi chép lại.
Đó chính là loại chuyển từ chạm chữ trên đồng và gỗ sang chạm đá, và loại vốn ở những nơi có nhiều đá thích hợp với việc chạm khắc.
Về loại thứ nhất thấy ghi trên nhiều bia, nhất là của thế kỷ XVII gắn với đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc trang trí đình chùa. Sau đó, sang thế kỷ XVIII giảm nhanh chóng và rồi không thấy nhắc đến nữa.
Trong loại này nổi bật là Đại Bái vốn trội vượt về đúc đồng, mà hiện vật tiêu biểu là chuông sau khi đúc thành khí, còn được khắc bài minh văn. Khắc chữ và khắc trang trí trên đồng chuyển sang khắc bia rất thuận tiện, cùng là bản dương.
Nghề đúc đồng ở Đại Bái ngày nay vẫn phát triển. Song, đã từ lâu không ai đục đá chạm bia nữa. Cũng thế, vùng Hồng Lục – Liễu Tràng vốn nổi tiếng về khắc ván gỗ in sách. Trong đó, gồm cả phần chữ và hình minh họa.
Ở thế kỷ XVII, có nhiều người khắc bia rất giỏi, vốn đã từng là cục chánh Ngự dụng giám san thư cục như ông Nguyễn Đình Trân khắc bia chùa Phúc Lâm (Thái Bình) vào năm 1603.
Khắc ván in phải khắc ngược tạo ra bản âm, để khi in thì chuyển sang khắc bia đá không khó. Thế nhưng, cả thư tịch và thực tế, về sau không thấy thợ Hồng Liễu chạm bia khắc đá nữa.
Về loại thợ thứ hai gắn với những nơi có sẵn đá, nhưng đá thường chỉ dùng để đục đẽo những đồ phổ thông như tảng kê chân cột, cối giã, tấm lát đường, trục lăn lúa,… không có giá trị văn hóa kinh tế, và do đó chỉ là nguồn kinh tế phụ của một ít gia đình.
Chẳng hạn, Hoài Bão (Bắc Ninh), thế kỷ XVII có một số thợ chạm bia đá như Nguyễn Công Biểu chạm bia chùa Thanh Quang (Bắc Ninh) năm 1642, cũng chỉ là thợ tự do hoạt động trên địa bàn hẹp trong vùng quê mình.
Mãi về sau này, trên thực tế ở Hoài Bão, vẫn có một số người làm nghề khai thác và đục đẽo đá, nhưng không thành một cơ sở, không có vị trí xã hội kể cả về nhân sự và sản phẩm.
1. Những mỏ đá quý của những gia đình làm nghề
Tập trung về nghề chạm đá ở miền Bắc, nổi lên là cơ sở Kính Chủ (Hải Dương) thuộc đồng bằng sông Hồng, và Nhồi tức An Hoạch (Thanh Hóa) thuộc đồng bằng sông Mã. Hai nơi này gắn với những mỏ đá quý, và những gia đình làm nghề nhiều đời.
Kính Chủ xưa là tên một xã thuộc tông Kính Chủ, huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn, nay là thôn Dương Nham, xã Phạm Mệnh, huyện Kim Môn, tỉnh Hải Dương.
Thư tịch xưa ghi “thợ đá Kính Chủ”, “thợ đá Dương Nham” hay “thợ đá Giáp Sơn” thực chất chỉ là một. Kính Chủ xưa nổi tiếng nên tên xã cũng là tên tổng. Nghề khai thác chạm khắc đá ở đây gắn với mỏ đá núi Dương Nham.
Từ đầu thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã phát hiện ra giá trị của đá xanh núi Dương Nham, “có dáng như mây, phẩm chất có thể làm khánh”. Và năm 1436, ông vẽ mẫu khánh đá dâng vua thì năm sau, vua đã sai thợ đá Giáp Sơn lấy đá núi Kính Chủ (tức núi Dương Nham) để làm khánh.
An Hoạch tên núi cũng là tên làng, gọi nôm là Nhồi, thuộc xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Núi Nhồi trong văn bia chùa Báo n, núi An Hoạch dựng khoảng chuyển tiếp giữa thế kỷ XI sang thế kỷ XII.
Tác giả bài văn là Chu Văn Thường đã cho biết “núi An Hoạch sản nhiều đá đẹp, đó là sản vật quý giá của mọi người. Sắc óng ánh như ngọc lam, chất biếc xanh như khói nhạt. Sau này, đục đá làm khí cụ, ví như đẽo thành khánh, đánh lên thì tiếng ngân muôn dặm, dùng làm bia, văn chương để lại thì còn mãi nghìn đời”.
Và khi Thái úy Lý Thường Kiệt được triều đình cử về coi quận Thanh Hóa, ông đã cho người “dò núi tìm đá trong 19 năm”. Sách Thanh Hóa Tỉnh Chí cũng xác nhận “đá xanh sản xuất ở núi An Hoạch – Đông Sơn có màu rất đẹp, chế làm đồ dùng bền đẹp nhất nước ta”.
Theo sự khảo cứu của Đặng Thị Hoa (tạp chí Dân Tộc Học, số 4-1994) thì ở núi Nhồi, đã hình thành các lớp đá vôi có nhiều màu sắc: xanh, đỏ, đen,… Đá xanh có ở khắp núi Nhồi, lộ thiên, mạch dày, thớ mịn, thịt trong, có thể chế tạo các sản phẩm kiến trúc và nghệ thuật.
Đá đỏ rất cứng, nằm lẻ lẫn trong các mạch đá xanh, là loại đá hiếm quý có giá trị cao. Đá đen cũng rất hiếm, chỉ có những mạch nhỏ, rắn và giòn. Ngoài ra, còn có những đá vân mây hồng, vân mây đen, vàng chanh cũng rất hiếm quý. Phổ biến là đá xám lốm đốm trắng, dùng chế tác những đồ vật lớn.
Nghề khai thác chạm khắc đá ở Việt Nam nói chung, ở Kính Chủ và An Hoạch nói riêng, chắc chắn có từ rất xa xưa, được phát sinh và phát triển ngay trong lòng xã hội của mình.
Song, truyền thuyết ở làng Nhồi lại cho rằng, ông Tổ nghề thợ đá là người phương Bắc, với duệ hiệu ghi trong bài văn cúng là “Hoàn Tôn công đại đức, dực bảo trung hưng, linh phù tôn thần”.
Hàng năm vẫn làm lễ Tổ vào ngày mùng 10 tháng Hai, và rằm tháng Tám (âm lịch). Ở tại Kính Chủ, cả bia ký, thần tích và nhà thờ Tổ nghề, đều đã bị thiêu hủy trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ký ức còn lại rất mờ nhạt.
Dương Nham và Nhồi đều là làng nông nghiệp. Song, hầu hết nam giới ở đây đều biết nghề khai thác và chạm khắc đá. Họ là những thợ đá làm việc quanh năm, nhưng ngày mùa vẫn tập trung vào công việc đồng áng.
Thợ đá nhiều, nhưng người lành nghề chạm có thể làm công việc nghệ thuật không nhiều. Họ nhận việc với người đặt hay tự làm một số hàng để bán, cũng đều phải đảm nhiệm từ khâu đầu khai thác đá núi, đến khâu cuối đục chạm thành khí.
Nếu ngay trên địa bàn gốc, ngoài hai trung tâm ở Hải Dương và Thanh Hóa, còn có nhiều cơ sở làm đá ở khắp nơi. Đặc biệt, Ninh Bình đã để lại nhà thờ đá Phát Diệm, là của quý trong kho báu kiến trúc dân tộc.
Ở đâu có mỏ đá, thì ở đó cũng có những người thợ đá, và họ khai thác của kho vô tận ấy để phục vụ cho cuộc sống xã hội. Trên địa bàn miền Trung, cũng có một số cơ sở làm đá, mà nay còn phát đạt.
Huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) có các xã Lộc Điền, Lộc Vĩnh, Lộc Trì, và nhất là Lộc Tiến, một bộ phận quan trọng dân chúng sống bằng nghề khai thác đá. Xã Lộc Tiến chạy dọc bờ biển dài 16km, mỏ đá ở đây ngoài đá vàng phẩm chất kém, có đá trắng và đá xanh lơ chất lượng tốt để làm các đồ vật.
Đá được khai thác theo các mỏ của từng gia đình, hợp thành các bãi đá. Người chủ mỏ, thợ cả cốt là người giàu kinh nghiệm chọn đá, họ ước lượng độ nghiêng thế đá, lựa vân, tìm thớ đục lỗ phá.
Sau đó, thợ phụ đào đất, xeo đá, đục lỗ dùng cái ải và cái chòng gò đẽo cho đá tách đôi, rồi tách nhỏ nữa tới kích thước yêu cầu. Những vỉa đá tốt, có kích thước lớn.
Thường được thợ đá chẻ thành từng tấm lớn để làm phản, làm ván, thường dùng làm cột nhà dài tới 4m, nhưng chủ yếu thành từng thỏi 10x15x40cm dùng trong xây dựng.
Thợ đá Lộc Tiến còn đi khắp nơi, ra tận Thanh Hóa, vào tận Tây Ninh, mọi mỏ đá đều là địa bàn hoạt động của họ.
Nếu đá Phú Lộc dùng vào xây dựng là chính, thì đá núi Ngũ Hành (hòn Non Nước) ở cách thành phố Đà Nẵng khoảng 14km về phía Đông Bắc, lại được dùng chủ yếu làm đồ nghệ thuật.
Nơi đây, giữa đồng cát nổi lên 6 ngọn núi đá được đặt tên theo Ngũ Hành là Kim – Mộc – Thủy – Thổ – Hỏa dương và Hỏa âm. Đá núi Ngũ Hành có màu sắc phong phú và vân đẹp.
Ở trong mỏ thì mềm, dễ khai thác, mới đem lên dễ đẽo gọt thành tác phẩm theo ý đồ nghệ thuật. Song sau đó, càng để lâu trong không khí, càng trở nên cứng rắn. Đá ở đây vốn kết cấu hạt mịn đẹp, có nhiều màu như đen, đỏ, trắng, và vân trắng,…
Ngoài ra, sau khi chế tác xong, còn được nhuộm bằng cách nung nóng rồi nhúng vào dung dịch màu theo ý muốn. Sau đó, đánh bóng lần cuối trông như ngọc. Do đó, được gọi là đá cẩm thạch rất thích hợp làm đồ mỹ nghệ.
2. Những bộ đồ nghề của thợ đá làng
Muốn khai thác và đục chạm đá phải có bộ đồ nghề riêng. Bộ đồ nghề của thợ đá làng Nhồi được Đặng Thị Hòa (tài liệu đã dẫn) khảo tả khá kỹ, gồm: cui, nêm, đục, bạt, thước, búa, khoan, giàn mài.
– Cui là gì? Cui là công cụ dùng để đóng (như búa) được sử dụng trong suốt quá trình lao động, phải làm bằng gỗ Ba Nàng vì nó rất dai, ít vỡ, đảm bảo độ nén và lún, mà không gây hư hỏng cho sản phẩm. Nhưng kém chịu nước, nên phải luôn giữ cho luôn khô ráo.
Gỗ Ba Nàng được các gia đình thợ đá trồng, chừng 5 năm đến 6 năm, thì hạ cây cắt ra từng khúc gác bếp để dùng dần. Cui có dáng như cái vồ, thông thường một bộ cui có bốn cỡ.
Trong đó, cui phá nặng chừng 2kg để khai thác những khối đá lớn. Cui làm lại nặng chừng 1,5kg để tách bóc các lớp đá và sơ phác dáng sản phẩm. Cui làm tinh nặng chừng 1kg để đục các chi tiết lớn của sản phẩm. Cui điêu khắc dùng để đục các chi tiết và khắc chữ.
– Nêm là gì? Nêm là công cụ dùng để bóc tách các lớp đá, xưa làm bằng gỗ thật tốt. Về sau, được thay bằng thép hợp kim chịu lực đóng và không giòn. Nêm cũng có nêm phá để khai thác những khối đá lớn, và nêm đánh phác nhỏ hơn để sơ chế khối đá theo hình sản phẩm.
– Đục là gì? Đục là công cụ quan trọng nhất, được làm bằng thép hợp kim tốt, với kỹ thuật rèn đặc biệt. Thợ đá thường mua thép về, tự rèn bằng cách nung trong than gỗ lim có độ nóng cao, và sau khi tôi cho nước thép màu xám xanh.
Có hai loại đục với nhiều cỡ khác nhau. Đục phác là loại to, và đục tinh chế là loại nhỏ. Trong mỗi loại lại gồm đục bạt lưỡi thẳng mỏng và sắc, đục nhọn có mũi nhọn và đục ve đầu bẹt rất sắc.
– Bạt là gì? Bạt dùng để chặt, lấy mặt phẳng, đường thẳng hay cạnh góc vuông, có dáng tương tự đục nhưng rất sắc. Bạt ve và bạt chữ để khắc hoa văn và chữ.
– Thước là gì? Thước là công cụ dùng để đo đạc, có thước dài để đo khoảng cách, và thước vuông (làm theo hai cạnh một góc vuông), để lấy cạnh vuông, tâm vật khối và mặt phẳng tròn.
– Búa là gì? Búa là công cụ dùng để đóng, mới xuất hiện về sau.
– Khoan là gì? Khoan là công cụ có mũi thép rất cứng, thân bằng tre, hoặc gỗ, có trục và tay quay để tạo lỗ.
– Giàn mài là gì? Giàn mài là công cụ để mài cho sản phẩm nhẵn bóng có màu sắc đẹp khi thành phẩm.
Trong quá trình sử dụng, công cụ luôn phải sửa chữa. Nhiều thợ đá tự sửa lấy đồ nghề của mình, cũng có người đưa đến cho thợ chuyên sửa chữa. Bộ đồ sửa chữa gồm có: đục chặt, lò quay, đe sắt, đá mài, dao rựa.
Các công cụ này được bảo quản cẩn thận. Đồ sắt thường được đựng trong mo cau gác trên giá gỗ, bộ cui để trong bao đay hay bị cói ở nơi khô ráo.
3. Những người thợ đá phân biệt những công việc gì?
Tùy theo yêu cầu của công việc, mà thợ đá chọn đá thích hợp. Nếu làm nhà, bắc cầu thì phải chọn loại đá cứng chịu lực cao, không nứt rạn, tạc tượng và khắc bia lại cần đá mềm, mịn, màu thuần. Làm khánh cần đá có tiếng vang trong, màu sắc đẹp,…
Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, với mắt nhìn và tay gõ, những người thợ đá có thể phân biệt được những loại đá tốt hay đá xấu, có nứt rạn hay không, thích hợp nhất với những công việc gì?…
Việc đầu tiên là phải tìm được mạch đá để khai thác. Những khối đá ổ, đá côi (đá đứng riêng lẻ) dễ khai thác hơn cả. Tìm được những khối đá ưng ý, người thợ đá giỏi nhận ngay ra hướng của mạch và thớ đá.
Thường mỗi núi đá có những hướng đá chủ yếu. Sau đó, phải đục lỗ đóng nêm đúng mạch theo một đường thẳng, các lỗ cách nhau từ 2 gang đến 3 gang, mỗi lỗ sâu 5cm đến 10cm, tùy theo tảng đá to hay tảng đá nhỏ.
Nêm phải được đóng từ từ, đều tay với sự hợp lực của vài người, để tạo ra lực ấn giãn đồng đều giữa các lỗ, khi lực ấy đạt đến một mức nhất định thì tảng đá tách đôi theo một mặt phẳng tương đối.
Sau đó, lại chẻ tiếp thành những phiến đá phù hợp nhu cầu sử dụng. Những thợ giỏi có thể chẻ được những phiến đá dài từ 4m đến 5m, và rộng từ 2m đến 3m. Những phiến đá lớn rất quý, có thể làm sập đá, thành bậc công trình kiến trúc lớn, bậc tiền sảnh, làm mặt cầu, dựng nhà, tạc bia,…
Những phiến đá ấy, được đưa xuống núi bằng đòn bẩy và giàn dáo. Việc làm tưởng đơn giản, nhưng rất nặng nhọc và phải hết sức thận trọng. Đá được khai thác, đưa xuống núi rồi thì phải lấy vóc sơ chế thành hình dáng của vật định tạo.
Tùy theo tính chất công trình, những vật phẩm to nặng có thể chạm ngay tại chân núi, rồi chở về nơi sử dụng chỉ việc lắp ghép. Như vậy, trong khi vận chuyển sẽ giảm được trọng lượng, nhưng phải hết sức thận trọng cả khi xếp, dỡ và di chuyển để tránh sứt mẻ.
Những tác phẩm chạm khắc tinh, thì phải chở vật liệu đến tận nơi sử dụng, rồi mới chạm đục, để tránh va vỡ sứt mẻ dọc đường đi. Việc vận chuyển, chủ yếu bằng đường thủy với phương tiện là bè mảng, còn khi đi đường bộ thì dùng trâu kéo và con lăn.
Với những công trình gồm nhiều thành phần bằng đá ghép như kiến trúc, thì việc tập kết vật liệu phải kiểm tra, tu chỉnh, đánh dấu cẩn thận trước khi dùng đến.
Khi bắt tay vào làm một sản phẩm, các thợ đá trước hết lấy được các mặt phẳng cơ bản. Đầu tiên là mặt chân đế để luôn giữ được độ vững vàng. Tiếp theo, là xác định các điểm chuẩn, chẳng hạn với các con giống là điểm đầu và điểm cuối để làm chuẩn phác hình, với cối giã phải xác định tâm và độ sâu lòng cối.
Trên cơ sở các điểm và mặt phẳng đã xác định, thợ đá tiến hành đục phác hình rồi hoàn chỉnh dần các phần và các chi tiết. Khi tinh chế và trang trí hoa văn, thường làm xuôi từ đầu trở xuống. Những sản phẩm nghệ thuật phải do các thợ có tay nghề cao, thường là các nghệ nhân cao niên làm.
4. Lịch sử đã ghi nhận các sản phẩm chạm đá
Các sản phẩm chạm đá của lịch sử để lại, nổi tiếng vẫn là các đồ nghệ thuật (tượng, bia đá, đồ thờ, chạm trang trí kiến trúc,…).
Nhưng trong sinh hoạt tín ngưỡng – tôn giáo từ sau Cách Mạng Tháng Tám, do chiến tranh liên miên và nhận thức một thời không đầy đủ, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nên các giá trị nghệ thuật chạm khắc đá không được phát huy.
Và do đó, các đồ đá truyền thống chỉ là những đồ dùng gia dụng thông thường: cối giã, trục lăn, tảng đập lúa, tảng kê chân cột gỗ, bia mộ chí nhỏ, đá lát hè đường,…
Do đó, tay nghề nghệ thuật không được phát huy, thế hệ nghệ nhận trước ra đi không có nghệ nhận sau nối tiếp, phần lớn chỉ là những thợ cần sức khỏe, và năng suất hơn là những nghệ nhân chạm đá.
Thật ra, cũng có ít trường hợp làm đồ nghệ thuật, các thợ đá vẫn đáp ứng được, như năm 1989 có Hội Việt Kiều ở Pháp đã đặt thợ đá Kính Chủ làm một chiếc khánh to.
Ngày nay, các nghĩa trang được xây dựng nhiều và lớn hơn, nhiều nơi xây khá cầu kỳ, thì dựng bia đá tập thể, cần được chú ý và làm đẹp thay cho những bia xi măng.
Trong khi đó, do việc phát triển của các đô thị, nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật lớn, hiện đại được xây dựng. Đồng thời, là đời sống của một bộ phận nhân dân được nâng cao rõ rệt, và việc giao lưu văn hóa kinh tế với các nước được mở rộng.
Đồ đá lại có cơ phát triển vào kiến trúc và làm tượng nhỏ trang trí. Có điều, với sự phát triển của công nghiệp, đá dùng trong kiến trúc giờ đây là đá xẻ, và mài nhẵn tạo độ bóng đồng sắc độ, hoặc có các gân như vân hoa trang trí, dùng phổ biến vào công việc xây ốp tường, bậc cửa và lát nền của những ngôi nhà sang trọng.
Đá xẻ mài còn được dùng phổ biến vào việc làm bia mộ chí, cỡ nhỏ, được khắc chữ sắc sảo bằng tay hoặc máy. Những đã có vân đẹp cũng được dùng làm mặt bàn, và mặt tựa của các ghế salon kiểu cổ.
Tuy nhiên, những sản phẩm đá mài trên, thường được làm ở các thành phố, ở các làng nghề chạm đá cổ, chỉ làm khâu khai thác. Còn việc làm tượng đá nhỏ để trang trí, cũng do các cơ sở thủ công mỹ nghệ ở thị trấn, thị xã và thành phố đảm nhiệm, thường không chuyên chất liệu, mà do các cơ sở gỗ đảm nhiệm.
Các thợ chạm này, ngoài việc trưởng thành từ thực tế làm nghề, nhiều người còn được đào tạo qua các lớp thủ công mỹ nghệ do các nhà điêu khắc đào tạo. Còn chính các nhà điêu khắc với kiến thức mỹ thuật, cũng sáng tạo nhiều tượng. Mà chất liệu quý chính để tồn tại lâu dài phải là đá, đồng, gỗ quý. Trong đó, đá rất thích hợp để làm tượng ngoài trời.
Tác giả: Chu Quang Trứ
Bạn đang xem bài viết:
Làng nghề chạm đá trưởng thành từ thực tế làm nghề chạm khắc
Link https://vnlibs.com/dieu-khac/lang-nghe-cham-da-truong-thanh-tu-thuc-te-lam-nghe-cham-khac.html