Dòng tranh dân gian Đông Hồ vốn có quê gốc ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, và là dòng tranh tiêu biểu cho nhóm tranh khắc gỗ dân gian Việt Nam.
Chính vì nét độc đáo của tranh Đông Hồ, nên xưa kia đã có nhiều nghệ nhân Đông Hồ mang nghề quê hương đi các nơi. Trong đó, có Hà Nội.
Do đó, nói đến tranh dân gian ở Hà Nội, thì ngoài hai dòng tranh vốn có quê ở đất Hà Nội, là tranh Hàng Trống, và tranh Kim Hoàng. Cũng còn phải kể thêm cả dòng tranh Đông Hồ đã nhập tịch, và phát triển trên đất Hà Nội trước đây.
Có thể kể đến xóm Dốc Gạch (Yên Phụ) là một điểm tụ cư của nhiều gia đình từ làng Hồ chuyển tới từ bao đời nay. Họ vẫn giữ nghề của cha ông, từ việc chính là in tranh đến cả việc phụ là nhuộm giấy và làm nghề nghệ thuật hàng mã.
Ngoài Yên Phụ, một số gia đình người làng Hồ lại tản ra các vùng lân cận, như ở phố Đội Cấn (quận Ba Đình) và ở làng Thị Cấm (huyện Từ Liêm).
Từ ngày, miền Bắc được giải phóng, các cơ quan mỹ thuật ở Hà Nội đã mời các nghệ nhân danh tiếng về tranh Đông Hồ về cơ quan mình để sưu tầm, và nghiên cứu tranh dân gian xưa và nay, sáng tác những tranh mới theo phong cách dân gian cổ truyền.
Nhờ những hoạt động ấy, Hà Nội đã có một số nghệ nhân tranh Đông Hồ trở thành những chuyên viên mỹ thuật dân gian. Từ những hoạt động sưu tầm của các nghệ nhân làng Hồ tại Hà Nội.
Nên phần lớn các ván in tranh của Đông Hồ, đã được đưa về Hà Nội. Và chính ở Hà Nội, lại có điều kiện đầy đủ để nghiên cứu tranh dân gian Đông Hồ, và lập một bộ sưu tập khá trọn vẹn về tranh Đông Hồ.
Tranh dân gian Đông Hồ trên đất Hà Nội, mang đầy đủ những sắc thái độc đáo nhất của tranh khắc gỗ dân gian Việt Nam. Đó là một dòng tranh thuần chất dân tộc, cả về mặt đề tài nguyên liệu, kỹ thuật và nghệ thuật tạo hình.
Tranh Đông Hồ truyền thống là những tranh Tết phục vụ nhu cầu thẩm mỹ của nhân dân lao động, trước hết là nông dân, để trang trí nhà cửa đón mừng năm mới. Tranh Đông Hồ đã mang đến cho mọi người ánh sáng và niềm vui.
Những sắc màu tươi ấm làm rạng rỡ không gian, gợi lên những hình ảnh quen thân, làm dấy lên những hy vọng hạnh phúc. Tất cả những sắc màu và hình ảnh của Đông Hồ, đều phù hợp với những đồ dùng của một gia đình bình thường.
Về đề tài, tranh Tết của Đông Hồ có nhiều loại. Trước hết là những tranh mang niềm hy vọng về cuộc sống hạnh phúc. Những tờ tranh Ông Tướng Canh Cửa là để tà ma đừng bén mảng đến (cũng như chuyện cây nêu và các hình vẽ cung, tên ở sân,…) mà người xưa đã tin một cách ngây thơ.
Tờ tranh Đại Cát lấy hình ảnh con gà trống làm vừng dương xua đuổi đêm tối cùng các tà thần, gợi niềm tin vào cái đẹp tổng hợp của ngũ đức, là văn – vũ – nhân – dũng – tin.
Các tờ Tiến Tài và Tiến Lộc là hy vọng về một cuộc sống đỡ vất vả. Những tranh Gà Đàn, Lợn Đàn vừa là ước muốn về chăn nuôi vừa là biểu tượng về tổ ấm gia đình tràn đầy hạnh phúc.
Những cảnh Đánh Vật, Rước Trống, Múa Sư Tử,… trên các sân hội xuân, đến cảnh Hứng Dừa đều phản ánh một cách hồn nhiên về cuộc sống tươi vui, và về hạnh phúc lứa đôi.
Tranh Tết Đông Hồ cũng vạch ra và phơi bày cho mọi người thấy mặt trái của xã hội. Các tranh Trạng Chuột Vinh Quy cho thấy quan hệ có đi có lại, giữa các tầng lớp xã hội mà lợi ích có khác nhau.
Tranh Trường Học Cóc đã giễu một số người như ếch ngồi đáy giếng, mà lại vênh váo lên mặt tài giỏi. Tranh Đánh Ghen phê phán nạn đa thê với sự ích kỷ thành triết lý của người chồng ham thanh chuộng lạ.
Trong xã hội bị thực dân thống trị, tranh Tết Đông Hồ phê phán luôn cả những sự bịp bợm mượn nhãn hiệu văn minh và tiến bộ của chế độ đương thời. Đó là các tranh Văn Minh – Tiến Bộ – Mô Tăng Phú, Phong Tục – Cải Lương – Toa Tăng Xương,… là tranh Trai Tứ Khoái, Gái Bảy Nghề,…
Loại tranh lịch sử Hai Bà Trưng, Quang Trung, ghi lại quá khứ huy hoàng của dân tộc, để vừa tự hào vừa ghi ơn người xưa, và xây dựng truyền thống giữ nước.
Loại tranh về Truyện Kiều, Thạch Sanh, Phạm Công Cúc Hoa, Lục Vân Tiên có tác dụng giáo dục truyền thống nhân đạo, và tinh thần đấu tranh chống áp bức bất công, quý trọng lẽ phải,…
Cả đến tranh Tiên Sư Vị cũng là biểu hiện của lòng nhớ ơn tổ tiên và tổ nghề. Từ sau Cách Mạng Tháng Tám, tranh Tết Đông Hồ đã bám sát những yêu cầu của cách mạng, tuyên truyền các chính sách kháng chiến và kiến quốc như tranh Tòng Quân Giết Giặc, Đóng Thuế Nông Nghiệp, Bình Dân Học Vụ, Chiến Thắng Điện Biên Phủ,…
Chính ở những đề tài này, ngay trên đất Hà Nội, một số nghệ nhân đã có những đóng góp đáng kể. Đáng chú ý là các tranh: Làm Thủy Lợi, Hợp Tác Xã Măng Non, Chăm Sóc Trâu Bò, Tết Trồng Cây, Hợp Tác Xã Sản Xuất Nông Nghiệp,… và thật mỉa mai nhưng thú vị là bức tranh Chiến Thắng Trở Về.
Trong đó, Thần Sâm của Mỹ từ chín tầng trời cao rơi xuống đất, rồi được xếp lên chiếc xe thô sơ do con trâu kéo. Mảng đề tài ca ngợi cuộc kháng chiến chống Mỹ khá phong phú, mỗi tin thắng lớn đều gây cho nghệ nhân Đông Hồ ở Hà Nội nhiều xúc động, và đều được ghi lại bằng tranh.
Tranh Đông Hồ ngày nay vẫn đang tiếp tục cuộc sống của nó. Ngoài số tranh truyền thống vốn rất được công chúng yêu thích, hàng năm vẫn có các nghệ nhân sáng tác tranh mới, theo đề tài thuộc về cuộc sống hôm nay.
Lại cũng có các họa sĩ học cách nhìn, cách nghĩ, và quan niệm tạo hình của nghệ nhân làng Hồ, để sáng tác những tranh dân tộc hiện đại. Cái phân lưu của Đông Hồ ở Hà Nội, đã làm giàu thêm vốn văn hóa của Thủ Đô.
Tác giả: Chu Quang Trứ
Bạn đang xem bài viết:
Dòng tranh dân gian nổi bật là tranh Đông Hồ ở Hà Nội
Link https://vnlibs.com/dieu-khac/dong-tranh-dan-gian-noi-bat-la-tranh-dong-ho-o-ha-noi.html